Theo Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 thì: Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyên tắc thực hiện khen thưởng
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật Thi đua khen thưởng thì nguyên tắc khen thưởng là:
– Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời;
– Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được;
– Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;
– Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Mục tiêu của thi đua, khen thưởng
Tại Điều 4 của Luật Thi đua khen thưởng thì mục tiêu của thi đua, khen thưởng là:
– Mục tiêu của thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
– Mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy có thể khẳng định khen thưởng chỉ dành cho những tập thể, cá nhân có CÔNG TRẠNG và việc khen thưởng phải đảm bảo công bằng, chính xác…có như vậy tổ chức, cá nhân được nhận giấy khen, bằng khen…mới cảm thấy tự hào, và những người chứng kiến việc khen thưởng cũng cảm thấy người được nhận là xứng đáng và họ đáng được khen thưởng, tôn vinh. Từ việc khen thưởng đúng người, đúng thành tích sẽ làm cho phong trào thi đua, các việc làm tốt, các mô hình hay, những tấm gương đẹp ngày càng được nhân rộng, cái hay, cái tốt sẽ nhiều, cái xấu xa, yếu kém sẽ ít đi.
Khen thưởng ngày càng nhiều
Tuy nhiên từ thực tế có thể thấy việc khen thưởng hiện nay quá tràn lan, hội nghị tổng kết nào cũng khen thưởng vài chục tập thể, cá nhân, có nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhưng cũng có những tập thể, cá nhân chưa thật sự nổi trội, chưa có CÔNG TRẠNG gì lớn nhưng vẫn được khen thưởng, dẫn đến giá trị của GIẤY KHEN, BẰNG KHEN…bị giảm sút, có những đại biểu chỉ nhận tiền thưởng còn giấy khen thì không nhận hoặc trả lại Ban tổ chức, đặc biệt có trường hợp đại biểu được khen thưởng bỏ luôn giấy khen tại hội nghị.
Và cũng có một thực tế đang tồn tại đó là có sự thỏa hiệp trong việc khen thưởng, hôm ni tôi bỏ phiếu cho anh được khen thưởng để nâng lương thì hôm sau anh phải bỏ phiếu cho tôi…Và thực tiễn là khen thưởng chủ yếu tập trung vào cán bộ, công chức, lãnh đạo, còn quần chúng Nhân dân rất ít thấy xuất hiện trong các đợt khen thưởng.
Từ thực trạng khen thưởng tràn lan, khen thưởng không chính xác, dẫn đến người được khen không còn cảm thấy TỰ HÀO khi nhận khen thưởng và người chứng kiến khen thưởng thì cũng lắc đầu ngao ngán vì người được nhận không xứng đáng. Từ đó triệt tiêu động lực thi đua.
Thiết nghĩ cần phải chấn chỉnh lại việc khen thưởng để tấm giấy khen, bằng khen thật sự trở thành vật có giá trị về mặt tinh thần để tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có những đóng góp tích cực cho xã hội, hạn chế và loại bỏ việc khen thưởng không đúng đối tượng…và ưu tiên khen thưởng cho các tập thể, cá nhân không phải trong cơ quan nhà nước mà là của quần chúng Nhân dân.
Thảo Bi