Dự án Luật Đặc khu (Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt) theo dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp Lệnh năm 2018 thì sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, do đây là Dự án Luật hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét lùi thông qua Dự án Luật Đặc khu từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
Vào sáng ngày 11/6/2018, Quốc hội đã biểu quyết điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018), với 85,63% đại biểu tán thành.
Dự án Luật Đặc khu nhận được nhiều quan tâm của đại biểu Quốc hội, các nhân sĩ, trí thức, Luật sư và đông đảo quần chúng nhân dân, bởi lẽ Dự Luật có nhiều quy định mang tính ưu đãi vượt trội như thời gian cho thuê đất gần 100 năm, ưu đãi về thuế…ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đối chiếu, so sánh với các quy định của Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, có hiệu lực 01/7/2016 thì Dự án Luật Đặc khu, có thể đủ điều kiện để tổ chức trng cầu ý dân.
Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 quy định các vấn đề trưng cầu ý dân như sau:
1. Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;
2. Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;
3. Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;
4. Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Luật quy định Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề nêu trên. Phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân là trên cả nước.
Thẩm quyền đề nghị trưng cầu ý dân
– Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.
– Trường hợp có từ một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Kết quả trưng cầu ý dân
– Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu.
– Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành.
PHương Thảo