Theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là cấp xã); và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ 19-22 người tùy theo loại xã. Cũng theo Nghị định 92 thì những đối tượng này không được hưởng lương mà chỉ hưởng phụ cấp.
Mức phụ cấp cụ thể của từng chức danh do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định với mức không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung, và Nghị định 92, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không quy định thời gian làm việc của những người hoạt động không chuyên trách là bao nhiều giờ trên một ngày dẫn đến hiện nay các địa phương không có quy định thời gian làm việc cho đối tượng này.
(Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có được kiêm nhiệm?)
Đối với tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở Nghị định 92, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 157/2010/NQ-HĐND ngày 22/4/2010 và Nghị quyết số 30/2011/NQ-HĐNDngày 09/12/2011 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết số 157/2010/NQ-HĐND ngày 22 tháng 4 năm 2010 của HĐND tỉnh về chức danh, mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm; mức khoán kinh phí chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn và ở thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định 10/2012/QĐ-UBND quy định về chức danh, mức phụ cấp, chế độ, chính sách, mức khoán kinh phí chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, theo đó:
Mức hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách
Mức phụ cấp hằng tháng của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bằng hệ số 1,0 so với mức lương tối thiểu chung. Ngoài ra, ngân sách tỉnh hỗ trợ phụ cấp thêm bằng hệ số 0,5 so với mức lương tối thiểu chung đối với chức danh Phó Trưởng Công an và chức danh Phó Chỉ huy Trưởng Quân sự; hỗ trợ phụ cấp thêm bằng hệ số 0,3 so với mức lương tối thiểu chung đối với các chức danh còn lại.
Để khuyến khích, thu hút người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác tại cơ sở, đồng thời tạo cán bộ dự nguồn cho đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã, đối với người có trình độ đại học, cao đẳng ngoài mức phụ cấp hằng tháng ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, còn được hỗ trợ thêm như sau:
– Người có trình độ đại học được hỗ trợ thêm 0,5 so với mức lương tối thiểu chung;
– Người có trình độ cao đẳng được hỗ trợ thêm 0,3 so với mức lương tối thiểu chung;
* Người được hưởng phụ cấp tăng thêm theo trình độ phải thỏa mãn điều kiện về tuổi đời (không quá 40 tuổi) và chỉ được hưởng tối đa không quá 05 năm kể từ ngày nhận công tác.
Như vậy, ngoài mức phụ cấp chung theo hệ số lương tối thiểu thì UBND tỉnh Quảng Nam còn hỗ trợ thêm 0,3 đến 0,5 tùy theo chức danh, đồng thời đối với với người có trình độ cao đẳng, đại học sẽ được hỗ trợ 0,3- 0,5 mức lương tối thiểu chung trong vòng 5 năm kể từ ngày nhận công tác.
Càng làm lâu phụ cấp càng thấp
Quy định về hỗ trợ thêm cho người hoạt động không chuyên trách của UBND tỉnh đã phần nào tăng thêm thu nhập cho người lao động, giúp họ yên tâm hơn trong công tác. Nhưng quy định này còn hạn chế về thời gian được hưởng, đó là chỉ hỗ trợ cho người có trình độ cao đẳng, đại học trong vòng 5 năm, sau 5 năm thì không hỗ trợ nữa dẫn đến càng làm lâu thì lương càng thấp dẫn đến họ không còn mặn mà với công việc.
Từ 25/6/2019 thực hiện khoán kinh phí cho người hoạt động không chuyên trách
Thời gian làm việc bao nhiêu là hợp lý?
Do Nghị định 92, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam không quy định cụ thể thời gian làm việc của người hoạt động không chuyên trách nên ở các địa phương áp dụng khác nhau, đối với một số chức danh của các hội đoàn thể thì đi làm khoảng 2-3 buổi/tuần, còn các chức danh như văn phòng đảng ủy, đoàn thanh niên, truyền thanh, tuyên giáo…thì hầu như đi làm như cán bộ, công chức. Chính sự không rõ ràng trong thời gian làm việc đã tạo sự bất bình đẳng giữa những người hoạt động không chuyên trách, người làm nhiều phụ cấp cũng như người làm ít.
(Quảng Nam quy định người hoạt động không chuyên trách làm việc 24h/tuần)
Sự bất cập về thời gian làm việc và chế độ phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã diễn ra trong thời gian dài trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhưng các cấp có thẩm quyền vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Trong thời gian tới, HĐND cũng như UBND tỉnh Quảng Nam khi tiến hành sửa đổi các quy định về những người hoạt động không chuyên trách cần quy định cụ thể thời gian làm việc tối thiểu của cán bộ không chuyên trách là bao nhiêu ngày/tuần, đồng thời nghiên cứu cân đối ngân sách tăng mức hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách, bỏ quy định giới hạn thời gian hỗ trợ những người có bằng cao đẳng, đại học, có như vậy mới thu hút được người có trình độ vào các chức danh không chuyên trách, thu nhập tương đối để họ yên tâm công tác, cống hiến cho địa phương, ngoài ra việc quy định cụ thể thời gian làm việc cũng tạo cơ sở pháp lý để chính quyền cấp xã phân công nhiệm vụ, quản lý những đối tượng này.
(Quảng Nam tạm thời dừng tuyển dụng mới công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách)
Ru bi