Ngày 10/11/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, có hiệu lực 25/12/2014 thay thế cho Nghị định 105/2009/NĐ-CP. Nghị định 102 ra đời đã giải quyết được nhiều vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã bị ngưng lại trong thời gian qua. So với Nghị định 105 thì Nghị định 102 có rất nhiều điểm mới như đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với từng hành vi vi phạm, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả, các hành vi vi phạm mới, mức phạt tiền cao hơn…
Bổ sung hành vi chiếm đất
– Điểm mới đầu tiên đó là giải thích hành vi chiếm đất: Theo Điều 3 của Nghị định 105 thì hành vi chiếm đất là việc sử dụng đất không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc chủ sử dụng đất cho phép sử dụng hoặc việc sử dụng đất do được nhà nước tạm giao, mượn đất nhưng hết thời hạn tạm giam mượn đất mà không trả lại đất. Còn Điều 3 của Nghị định 102 quy định: chiếm đất là việc sử dụng đất không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của thủ tục về đất đai.
Như vậy, Nghị định 102 đã bỏ quy định hành vi chiếm đất của chủ sử dụng đất và bổ sung thêm trường hợp sử dụng đất khi chưa làm thủ tục giao đất, cho thuê đất
Hộ gia đình cũng bị xử phạt hành chính
– Nghị định 105 có quy định hộ gia đình là đối tượng vi phạm pháp luật đất đai nhưng không quy định cụ thể cách xử phạt, trong khi đó pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức, do đó trong thời gian qua khi hộ gia đình vi phạm, các cơ quan có thẩm quyền rất lúng túng trong việc xử phạt. Để khắc phục tình trạng này, tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 102 quy định Hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hành vi vi phạm thì được áp dụng xử lý như đối với cá nhân.
– Nghị định 105 quy định tất cả trường hợp vi phạm phải căn cứ vào mức độ hậu quả của hành vi vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc quy đổi giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm thành tiền theo giá đất do UBND tỉnh quy định, để quyết định mức phạt tiền. Nghị định 102 chỉ quy định áp dụng mức độ hậu quả để xác định mức phạt tiền trong 2 trường hợp: Chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp sang mục đích khác trong nhóm phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (Điều 9), Tự ý nhận chuyển quyền vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điểu 24); các hành vi vi phạm khác thì mức phạt tiền căn cứ vào diện tích vi phạm.
– Điểm mới tiếp theo là quy định về xử phạt chuyển mục đích đất trồng lúa: Nghị định 102 quy định xử phạt đối với hành vi chuyển từ đất lúa sang từng loại đất cụ thể, như đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, nuôi trồng thủy sản
– Đối với hành vi lấn, chiếm đất ngoài mức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu được quy định tại Nghị định 105 thì Nghị định 102 quy định thêm biện pháp buộc trả lại đất lấn, chiếm.
– Nghị định 102 cũng đã bổ sung nhiều quy định hành vi mới cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đó là: Xử phạt đối với các hành vi tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở. Tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở mà không đủ điều kiện. Tự ý bán mua tài sản gắn liền với đất được nhà nước cho thuê thu tiền đất hằng năm mà không đủ điều kiện ….
Và để xử lý đối với các hành vi xảy ra trước ngày 25/12/2014 (ngày Nghị định 102 có hiệu lực) mà sau ngày 25/12 mới phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết thì Nghị định 102 quy định áp dụng theo Nghị đinh xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai đang có hiệu lực tại thời điểm hành vi vi phạm xảy ra để xử lý.
Nguyễn Quốc Sử