Theo khoản 2 Điều 15, khoản 3 Điều 18, khoản 2 Điều 21, khoản 3 Điều 27, khoản 2 Điều 38 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì khi công dân yêu cầu đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, đăng ký nhận cha mẹ con, thay đổi cải chính hộ tịch … thì Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cấp huyện (đối với trường hợp cấp lại bản chính khai sinh, thay đổi cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên…) ký và cấp cho công dân 01 bản chính và theo Nghị định 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân gia đình và chứng thực thì cũng quy định đích danh là Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cấp huyện ký và cấp bản chính các giấy tờ hộ tịch cho công dân.
Quy định ký giấy tờ hộ tịch
Để thực hiện những quy định trên thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định 01/2006/QĐ-BTP về việc ban hành sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch. Theo đó thì đối với việc cấp bản chính các giấy tờ hộ tịch ở cấp xã và cấp lại bản chính giấy khai sinh, thay đổi cải chính hộ tịch ở cấp huyên thì thẩm quyền ký là tập thể, tức là chủ tịch thay mặt UBND ký, trường hợp phó chủ tịch ký thì phải đóng dấu ký thay chủ tịch. Đến ngày 25/3/2010 thì Bộ Trưởng Bộ Tư pháp lại ban hành Thông tư 08.a/2010/TT-BTP Về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch, theo đó thì các biểu mẫu khai sinh, khai tử, kết hôn, cấp lại bản chính giấy khai sinh đã có sự thay đổi so với trước đây (Quyết định 01/2006/QĐ-BTP). Cụ thể, ở phần người ký thì không ghi là thay mặt UBND mà là “người ký giấy khai sinh, khai tử, kết hôn…” . Và ngày 07/01/2011 Bộ Tư pháp đã có Công văn 74/BTP-HCTP về việc thực hiện Thông tư 08.a, theo hướng dẫn của công văn thì trong các giấy tờ bản chính thì người thực hiện là chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã, huyện.
Công văn hướng dẫn của Bộ Tư pháp là phù hợp với hệ thống biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư 08.1 và thể hiện được vai trò, trách nhiệm cá nhân của người ký các giấy tờ hộ tịch. Tuy nhiên nó lại không thống nhất với Nghị định 158 và Nghị định 06 (quy định chủ tịch UBND cấp xã, huyện ký). Chính vì vậy mà có sự không thống nhất giữa các địa phương trong việc ghi thẩm quyền ký trong các giấy tờ bản chính hộ tịch.
(Cấp Trưởng có được ủy quyền cho Cấp phó ký giấy tờ hộ tịch?)
Ở những địa phương thực hiện theo Nghị định 158, NĐ 06 chỉ cho phép Chủ tịch UBND ký thì cho rằng Nghị định có giá trị pháp lý cao hơn Thông tư và Công văn nên về nguyên tắc áp dụng pháp luật thì họ áp dụng theo Nghị định là không sai. Còn ở những địa phương thực hiện theo biểu mẫu Thông tư 08.a và hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì cho rằng chủ tịch hoặc phó Chủ tịch ký là phù hợp với tinh thần cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của người ký. Tuy nhiên nếu thực hiện theo quan điểm thứ 2 thì sẽ vướng ở chổ, việc cấp bản chính giấy khai sinh hoặc cấp lại bản chính giấy khai sinh thì do cá nhân chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, huyện thực hiện nhưng khi công dân có yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch thì theo biểu mẫu thẩm quyền ký là tập thể, thay mặt ủy ban nhân dân, chủ tịch ký.
Người viết đồng tình với quan điểm thứ 2, tức là chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã, huyện ký và cấp cho công dân các loại bản chính giấy tờ hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn) và kính đề nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa một số biểu mẫu hộ tịch ban hành kèm theo Thông tư 08.a như quyết định cải chính hộ tịch, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…theo hướng là cá nhân chủ tịch hoặc phó chủ tịch ký để nâng cao trách nhiệm của họ, vừa thực hiện việc cải cách hành chính.
Nguyễn Quốc Sử