Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì:
Bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước khi yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP trừ những loại giấy tờ được cấp cho cá nhân mà được sử dụng nhiều lần như: Hộ chiếu, Thẻ thường trú, Thẻ cư trú, Giấy phép lái xe, Bằng tốt nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ thì không phải hợp pháp hóa lãnh sự trước khi chứng thực bản sao từ bản chính.
Dự thảo Thông tư cũng quy định: Khi yêu cầu chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được lập bằng tiếng nước ngoài, người yêu cầu chứng thực phải nộp kèm bản dịch nội dung giấy tờ, văn bản đó sang tiếng Việt.. Bản dịch giấy tờ, văn bản này không phải công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch, người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch.
Ngoài ra dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể việc vô số khi chứng thực bản sao, theo đó: Khi lấy số chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 23/2015/NĐ-CP cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực không lấy số chứng thực theo lượt người đến yêu cầu chứng thực. Ví dụ Ông A đến Ủy ban nhân dân xã H yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính 03 loại giấy tờ là: 02 bản sao chứng minh nhân dân mang tên ông Nguyễn Văn A, 03 bản sao chứng minh nhân dân mang tên bà Nguyễn Thị B và 01 bản sao sổ hộ khẩu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn A thì khi thực hiện chứng thực, 02 bản sao chứng minh nhân dân mang tên ông Nguyễn Văn A được ghi 01 số, 03 bản sao chứng minh nhân dân mang tên bà Nguyễn Thị B được ghi 01 số, 01 bản sao sổ hộ khẩu của hộ ông Nguyễn Văn A được chứng thực ghi 01 số.
Phương Thảo