1. Sửa đổi quy định về quản lý biên chế công chức
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức. Trong đó, Nghị định 110/2015/NĐ-CP điều chỉnh một số quy định về trách nhiệm quản lý biên chế công chức.
Theo quy định mới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi biên chế công chức dự phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm. Điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức đối với từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng đề án điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức gửi Bộ Nội vụ thẩm định, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Thay đổi cách tính thuế TTĐB ô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ
Nghị định quy định, đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) do cơ sở kinh doanh nhập khẩu bán ra và hàng hóa sản xuất trong nước, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau:
Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = (Giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng – Thuế bảo vệ môi trường (nếu có))/(1+Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt).
Trong đó, giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng được xác định theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Nghị định cũng hướng dẫn chi tiết cách xác định giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ bán hàng cho các cơ sở kinh doanh thương mại. Cụ thể:
1- Đối với cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu.
Giá vốn xe nhập khẩu bao gồm: Giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu.
Trường hợp giá bán của cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
2- Đối với cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại để so sánh là giá bán xe ô tô chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà cơ sở kinh doanh thương mại lắp đặt thêm theo yêu cầu của khách hàng.
Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
- Hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, ưu tú có thu nhập thấp
Nội dung trên được nêu tại Nghị định quy định về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn vừa được Chính phủ ban hành. Có 4 đối tượng được hưởng hỗ trợ là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành Nghị định này là 1.150.000 đồng) gồm: 1- Người đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; 2- Người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; 3- Người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục do Bộ Y tế quy định; 4- Các đối tượng còn lại không thuộc đối tượng 1, 2, 3.
Theo Nghị định, đối tượng 1, 2, 3 thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức lương cơ sở sẽ được hưởng mức trợ cấp sinh hoạt hàng tháng là 1.000.000 đồng.
Mức trợ cấp 850.000 đồng/tháng áp dụng đối với: Đối tượng 1,2,3 thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% mức lương cơ sở đến dưới mức lương cơ sở và đối tượng 4 thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức lương cơ sở.
Mức trợ cấp 700.000 đồng/tháng áp dụng đối với đối tượng 4 thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% mức lương cơ sở đến dưới mức lương cơ sở.
Các đối tượng trên còn được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế với mức đóng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo (mức đóng tại thời điểm ban hành Nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở do Chính phủ quy định); đồng thời được hưởng bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh với mức hưởng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, các đối tượng trên khi chết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tổ chức mai táng được nhà nước hỗ trợ chi phí mai táng là 7.000.000 đồng.
- Kéo dài thời hạn thẻ đi lại của doanh nhân APEC
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 54/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC (thẻ ABTC) ban hành kèm theo Quyết định45/2006/QĐ-TTg. Một trong các điểm mới của Quyết định này là kéo dài thời hạn thẻ ABTC từ 3 năm lên 5 năm.
5. Từ 6/12/2015, giải quyết đăng ký xe máy điện
Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BCA bổ sung quy định về đăng ký xe đối với xe mô tô điện, xe máy điện.
Theo đó, từ ngày 6/12/2015 đến ngày ngày 30/6/2016, việc giải quyết đăng ký, cấp biển số xe đối với xe mô tô điện, xe máy điện thực hiện như sau: Người đi đăng ký chỉ cần cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền:
a- Giấy khai đăng ký xe mô tô điện, xe máy điện (theo mẫu);
b- Bản photocopy Sổ hộ khẩu (đối với trường hợp chủ xe là cá nhân); giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức (đối với trường hợp chủ xe là cơ quan, tổ chức);
c- Xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân của người đến đăng ký xe; trường hợp chủ xe là cá nhân xuất trình thêm bản chính Sổ hộ khẩu để đối chiếu.
Cơ quan đăng ký xe có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ đăng ký xe đúng theo quy định trên, kiểm tra thực tế xe: Nếu xe có đủ số máy, số khung và phù hợp với hồ sơ đăng ký xe thì cấp ngay biển số xe và viết giấy hẹn cho chủ xe.
Nếu xe chỉ có số máy hoặc chỉ có số khung; xe không có số máy và số khung; xe có số máy, số khung nhưng số máy, số khung bị mờ, hoen gỉ thì cơ quan đăng ký xe cấp biển số xe và tổ chức đóng số máy (nếu đóng được), số khung theo số biển số xe, viết giấy hẹn cho chủ xe. Không thu lệ phí đóng số máy, số khung.
Hết thời hạn trên, người đi đăng ký sẽ phải tiến hành đầy đủ hồ sơ, thủ tục đăng ký xe theo quy định của pháp luật.
- Công bố quy trình lựa chọn và áp dụng án lệ
Theo nghị quyết Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ ban hành ngày 28/10/2015, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng ba tiêu chí: chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, có tính chuẩn mực và có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử…
Các cơ quan, cá nhân, tổ chức có thể gửi đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật về TAND tối cao để phát triển thành án lệ. Việc tổ chức rà soát án lệ được tiến hành định kỳ sáu tháng. Sau khi được lựa chọn, án lệ được công khai rộng rãi.
- Mẫu hóa hồ sơ yêu cầu gói thầu chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 quy định chi tiết lập hồ sơ yêu cầu đối với chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh nhằm hướng dẫn Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ yêu cầu (HSYC) đối với chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh gồm có 5 điều. Trong đó, Thông tư hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường và quy trình rút gọn; các mẫu HSYC, bản yêu cầu báo giá, dự thảo hợp đồng; yêu cầu về việc nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa trong HSYC.
Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/12/2015, thay thế Thông tư số 04/2010/TT-BKH của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập HSYC chỉ định thầu xây lắp và Thông tư số 11/2010/TT-BKH của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết về chào hàng cạnh tranh.
- Hướng dẫn cấp giấy chứng sinh cho trẻ sinh ra do mang thai hộ
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 34/2015/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 17/2012/TT-BYT quy định cấp và sử dụng giấy chứng sinh, trong đó đáng chú ý là bổ sung quy định mới về cấp giấy chứng sinh cho trẻ được sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
Theo đó, bên vợ, chồng nhờ mang thai hộ hoặc bên mang thai hộ phải nộp bản xác nhận về việc sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ và bản sao có chứng thực hoặc bản chụp có kèm theo bản chính để đối chiếu bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, gửi cơ sở khám, chữa bệnh nơi trẻ sinh ra.
Khi có đủ giấy tờ trên, trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ sẽ được cấp giấy chứng sinh theo quy định hiện hành. Về giấy khai sinh, theo quy định, trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra do mang thai hộ thì thông tin về người cha, người mẹ trong sổ hộ tịch, giấy khai sinh của trẻ em là thông tin của vợ, chồng nhờ mang thai hộ.
Thông tư 34 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14-12.
- Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn
Bộ Y tế vừa có Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10 về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Theo đó, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là Trạm Y tế xã) có chức năng cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã. Trạm Y tế xã có trụ sở riêng, có con dấu để giao dịch và phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, chức năng của Trạm y tế xã thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật. Về y tế dự phòng, thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Giám sát, thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân; phát hiện và báo cáo kịp thời các bệnh, dịch. Hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh môi trường, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tại cộng đồng; phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn; y tế học đường; dinh dưỡng cộng đồng theo quy định của pháp luật.
Về khám bệnh, chữa bệnh, kết hợp, ứng dụng y học cổ truyền trong phòng bệnh và chữa bệnh, thực hiện sơ cứu, cấp cứu ban đầu; tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng theo phân tuyến kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định của pháp luật. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh bằng các phương pháp dùng thuốc và các phương pháp không dùng thuốc; ứng dụng, kế thừa kinh nghiệm, bài thuốc, phương pháp điều trị hiệu quả, bảo tồn cây thuốc quý tại địa phương trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Về chăm sóc sức khỏe sinh sản, triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về quản lý thai; hỗ trợ đẻ và đỡ đẻ thường; thực hiện các kỹ thuật chuyên môn về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em theo phân tuyến kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định của pháp luật.
Về mối quan hệ, trạm Y tế xã là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện, chịu sự quản lý toàn diện, điều hành trực tiếp của Giám đốc Trung tâm Y tế huyện. Trạm y tế xã chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Trạm y tế xã có mối quan hệ phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã và Trưởng thôn, bản trong việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 12 năm 2015
- Hướng dẫn chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Ngày 26/10/2015, Bộ Kế hoạch Đầu tư ban hành Thông tư 10/2015/TT-BKHĐTquy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Theo đó, hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định như sau:
Đối với từng gói thầu cần nêu rõ hình thức lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu trong nước hay quốc tế, có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn hay không, lựa chọn nhà thầu qua mạng hay không trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu.
Trường hợp lựa chọn áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi thì không cần giải trình lý do áp dụng; trường hợp áp dụng đấu thầu quốc tế thì cần giải trình lý do áp dụng đấu thầu quốc tế.
Các hình thức cụ thể gồm:
– Đấu thầu rộng rãi.
– Đấu thầu hạn chế.
– Chỉ định thầu.
– Chào hàng cạnh tranh.
– Mua sắm trực tiếp.
– Tự thực hiện.
– Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
– Tham gia thực hiện của cộng đồng.
Nghiêm cấm việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo Luật đấu thầu 2013.