So sánh Luật Biên phòng Việt Nam 2020 với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng

Ngày 11 tháng 11 năm 2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020, có hiệu lực 01/01/2022.

Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu những điểm mới của Luật Biên phòng Việt Nam 2020 so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng.

1. Về bố cục văn bản

Luật Biên phòng Việt Nam có 6 chương với 36 điều, giảm 1 chương tăng 3 điều so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997.

2. Bổ sung quy định về giải thích từ ngữ

Pháp lệnh Bộ đội biên phòng không có điều, khoản giải thích từ ngữ, Luật Biên phòng Việt Nam 2020 đã bổ sung một số giải thích từ ngữ như:

Những điểm mới của Luật Biên phòng Việt Nam 2020
Những điểm mới của Luật Biên phòng Việt Nam 2020

+ Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

+ Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.

+ Thế trận biên phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia…

2.  Chính sách của Nhà nước về biên phòng

 Đây là quy định mới của Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020, theo đó các chính sách của Nhà nước về biên phòng đã thể chế đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Một số chính sách của Nhà nước về biên phòng như sau:

+ Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân.

+ Giải quyết các vấn đề biên giới quốc gia bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

+ Sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…

3.Nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng

Đây là quy định mới của Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 và một trong 4 nguyên tắc nổi bật đó là: Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.

4. Nhiệm vụ biên phòng

Trước đây, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ quy định nhiệm vục của Bộ đội Biên phòng, Luật 2020 đã quy định thêm về nhiệm vụ biên phòng nhằm xác định rõ nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng, theo đó có 7 nhiệm vụ về biên phòng như: Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia;  Phát triển kinh tế – xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới; Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang…

5.  Các hành vi bị nghiêm cấm về biên phòng

+ Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng không có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm về biên phòng mà chỉ quy định Người có hành vi vi phạm pháp luật trong việc bảo vệ biên giới, gây cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

(Đề cương tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020)

+ Luật Bộ đội Biên phòng 2020 đã quy định 07 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như:

–  Xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phá hoại, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

– Sử dụng hoặc cho sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác; đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ biên giới…

6. Hoạt động cơ bản về biên phòng

Luật Biên phòng Việt Nam 2020 đã có 01 chương quy định về hoạt động cơ bản về biên phòng như: Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; Phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; Hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền;  Hợp tác quốc tế về biên phòng.

7. Nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng

Về cơ bản Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 kế thừa Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng về nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng, tuy nhiên, Luật 2020 có một số quy định mới về nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng như:

+ Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để thực hiện nhiệm vụ và đề xuất với Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước ban hành, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về biên phòng;

+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;Kinh phí phòng chống hạn hán

+ Tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới…

8.  Quyền hạn của Bộ đội Biên phòng

Về cơ bản quyền của Bộ đội Biên phòng trong Luật Biên phòng 2020 kế thừa Pháp lệnh Bộ đội biên phòng năm 1997, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung một số nội dung như:

 + Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

 Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được nổ súng quân dụng vào tàu thuyền trên biển, sông biên giới, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ;

– Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội, vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;

– Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.

+ Huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự

– Pháp lệnh Bộ đội biên phòng chỉ quy định trong trường hợp chiến đấu truy, truy lùng, đuổi bắt người phạm tội quả tang, người đang có lệnh truy nã, ngăn chặn hành vi phạm tội, cấp cứu người bị nạn, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng được sử dụng các loại phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông, kể cả người điều khiển phương tiện của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân.

– Luật Biên phòng Việt Nam 2020 bổ sung thêm trường hợp  tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

 9. Hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng

Pháp lệnh giao cho Chính phủ quy định, Luật BĐBP 2020 đã quy định cụ thể Hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng bao gồm:

– Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;

-Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;

– Đồn Biên phòng, Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đội Biên phòng.

10. Trách nhiệm quản lý nhà nước  

Luật Bộ đội biên phòng năm 2020 quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao; bổ sung quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc:

+ Quyết định chủ trương, biện pháp, huy động các nguồn lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh;

+ Quyết định ngân sách bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương; chính sách ưu tiên bảo đảm nhà ở, đất ở và các chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng công tác lâu dài ở khu vực biên giới.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *