Tổng hợp những hạn chế, bất của qua hơn 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội biên phòng 1997.
Thứ nhất, do Pháp lệnh mới chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến BĐBP (vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của BĐBP và chế độ, chính sách đối với BĐBP với tư cách là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG), chưa đề cập đến lực lượng vũ trang nhân dân khác (các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Công an nhân dân) và Bộ Ngoại giao với tư cách là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG; bên cạnh đó, Pháp lệnh mới chỉ đề cập đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG chưa đề cập đến nhiệm vụ xây dựng BGQG, KVBG nên chưa bao quát toàn diện hết nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG.
Thứ hai, Pháp lệnh chưa thể chế đầy đủ chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới như:“Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”,“Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ BGQG” đã xác định rõ nhiệm vụ biên phòng: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG…; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG; góp phần phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở KVBG và cả nước”; đồng thời xác định cụ thể lực lượng bảo vệ BGQG: “Xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới”; đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, trong đó xác định “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam”.
Thứ ba, Pháp lệnh chưa luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm theo quy định tại Điều 14, Điều 66, Điều 67 Hiến pháp năm 2013; bên cạnh đó, Pháp lệnh chưa luật hóa hình thức quản lý, bảo vệ biên giới và biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng để đảm bảo thống nhất với chính sách của Nhà nước về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG theo quy định tại Luật BGQG năm 2003, chính sách quản lý và bảo vệ biển, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển theo quy định của Luật Biển Việt Nam năm 2012 và chính sách Nhà nước về quốc phòng, hoạt động quốc phòng, các trạng thái quốc phòng được quy định tại Luật Quốc phòng năm 2018; chưa luật hóa về hệ thống tổ chức của BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng và trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về công tác biên phòng, xây dựng BĐBP.
Thứ tư, Pháp lệnh ban hành từ năm 1997 nên về hình thức, bố cục không phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; nội dung, một số thuật ngữ không còn phù hợp với thuật ngữ trong các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan và nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP đang được quy định tản mạn trong các luật chuyên ngành[1] dẫn đến tình trạng khó theo dõi, mâu thuẫn về pháp luật, thậm chí gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ của BĐBP như: Nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở KVBG; kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh; phòng, chống khủng bố, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người; duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời Việt Nam. Các nội dung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP trong các văn bản pháp luật chuyên ngành nêu trên chưa được quy định trong Pháp lệnh.
[1] Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật Quốc phòng năm 2018; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Phòng, chống ma túy; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017…