Những hạn chế, bất cập của Luật Di sản văn hóa

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29 tháng 6 năm 2001, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2002, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18 tháng 6 năm 2009), một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, nhờ đó, đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể:

 1. Về một số nội dung trong thực tiễn chưa được quy định trong Luật

– Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa quy định nội dung các hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội, huy động được sự đóng góp, tham gia của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa… trong khi thực tiễn xã hội hiện đại, các địa phương tập trung khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế – xã hội nên thu hút doanh nghiệp có đóng góp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhưng do không có cơ chế, được hưởng chính sách, ưu đãi thuế cho chi phí sản xuất, nên do lợi nhuận không cao, nhiều rủi ro khi đầu tư, khó thu hồi vốn cũng là trở ngại rất lớn trong công tác vận động, thu hút nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ. Trong khi, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn rất thấp so với nhu cầu thực tế: đầu tư tu bổ di tích còn thấp nên mới chỉ thực hiện chống đỡ cục bộ chứ chưa đặt di tích ở trong tình trạng bền vững lâu dài để trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh có sức hấp dẫn thu hút khách tham quan nên việc tạo nguồn thu tái đầu tư cho tu bổ, tôn tạo di tích còn bị hạn chế. Di sản tư liệu, di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh chưa có đầy đủ chương trình, đề án, kế hoạch để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Hoạt động bảo tàng chưa được quan tâm, đầu tư kinh phí để xây dựng, cải tạo trụ sở, mua sắm trang bị thiết yếu để bảo vệ, bảo quản hiện vật…

Những hạn chế, bất cập của Luật Di sản văn hóa
Những hạn chế, bất cập của Luật Di sản văn hóa

Vì vậy, cần bổ sung mới các quy định trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): về phạm vi, quyền hạn, nội dung hoạt động xã hội hóa bảo vệ di sản, cơ chế và thẩm quyền hướng dẫn thực hiện; quy định về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa; quy định về việc hỗ trợ cộng đồng địa phương tại địa bàn có di tích.

– Chưa có các quy định về chức năng nhiệm vụ giáo dục và ứng dụng công nghệ của bảo tàng; chuyển quyền sở hữu đối với bảo tàng ngoài công lập đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; thẩm quyền thẩm định các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp bảo tàng, các dự án trưng bày, chỉnh lý nội dung và hình thức trưng bày bảo tàng; đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước.

– Chưa quy định thẩm quyền, hướng dẫn các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như quy định về báo cáo định kỳ tình trạng di sản và tình hình bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các Danh sách của UNESCO; nội dung, cơ chế thực hiện, triển khai, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo cam kết với UNESCO…

– Chưa quy định về đối tượng và phạm vi điều chỉnh của loại hình di sản tư liệu và các quy định liên quan đến Di sản tư liệu – là loại hình thuộc di sản văn hóa nhưng chưa được quy định bởi bất kỳ luật nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Nhiều quốc gia trên thế giới quy định Di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (ví dụ: Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc). Chương trình Ký ức Thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu, Việt Nam tham gia Chương trình này từ năm 2007, 15 năm là quốc gia thành viên tham gia Chương trình nhưng di sản tư liệu chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị. Đến nay, Việt Nam đã có 07 Di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh (03 Di sản tư liệu Thế giới, 04 Di sản tư liệu Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương). Trong thời gian tới, Di sản tư liệu của Việt Nam sẽ tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới và ngày càng có xu hướng gia tăng. Di sản tư liệu của Việt Nam ở các địa phương, gia đình và dòng họ… đa dạng về loại hình, tài liệu, tư liệu rất tiềm năng, cũng có di sản tư liệu có nguy cơ bị mai một, biến mất…

Vì vậy, quy định mới loại hình Di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để điều chỉnh hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị là phù hợp và cần thiết, với các quy định: từ các khái niệm loại hình, thuật ngữ, tiêu chí nhận diện, các hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, quy trình ghi danh và hủy bỏ quyết định ghi danh, cho đến các biện pháp tiếp nhận quản lý, trách nhiệm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; thẩm quyền thẩm định các dự án, đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản tư liệu; quy định về bản sao đối với di sản tư liệu.

2. Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung cần quy định rõ hơn

Là Luật về lĩnh vực chuyên ngành nhưng nhiều điều khoản, quy định của luật còn mang tính nguyên tắc chung chung hoặc chưa có các điều khoản giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể, chưa thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn như:

 3. Một số quy định của Luật có tính khả thi chưa cao, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi hoặc bãi bỏ

 – Về các quy định có tính khả thi chưa cao cần nghiên cứu bãi bỏ (hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp): Quy định về quy hoạch khảo cổ; quy định đăng ký bảo vật quốc gia; quy định về cho phép, mua bán, trao đổi, tặng cho và kế thừa ở nước ngoài đối với di vật, cổ vật không thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (để tránh tình trạng “chảy máu” cổ vật và chống buôn bán trái phép di sản văn hóa theo Công ước 1970 của UNESCO).

– Về các quy định không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung:

+ Trong lĩnh vực di tích: Quy định về thăm dò khai quật khảo cổ và thẩm quyền hướng dẫn, thủ tục thăm dò, khai quật khảo cổ; quy định về khu vực bảo vệ II của di tích; đối tượng kiểm kê di tích; quy định trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo vệ đối tượng kiểm kê di tích và bổ sung vào quy định bảo quản, tu bổ, phục hồi đối tượng này; Quy định bổ sung đối tượng các dự án khác không thuộc dự án bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, thực hiện trong và ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích; Quy định rõ thẩm quyền hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích.

+ Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể: Quy định rõ 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể; quy định cấm đối với hành vi vi phạm các tập tục và can thiệp vào di sản văn hóa của cộng đồng; quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động, quản lý, thực hành và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, xã hội trong bối cảnh bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển bền vững và hội nhập; quy định rõ về phân cấp ban hành và thực hiện Chương trình hành động quốc gia, Kế hoạch hành động, các báo cáo, đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào các danh sách; quy định về vai trò, sự tham gia của của cộng đồng chủ thể trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; quy định rõ hơn về chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân nắm giữ di sản, tránh tình trạng cụ thể hóa Luật, khi xây dựng chính sách chỉ tập trung cho một nhóm đối tượng nghệ nhân có danh hiệu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên việc triển khai trong thực tiễn không khả thi, khó áp dụng.

  + Trong lĩnh vực quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và bảo tàng: Quy định phân cấp trách nhiệm cho địa phương tiếp nhận và quản lý di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ; quy định hướng dẫn về “chế độ đặc biệt” đối với việc bảo vệ và bảo quản bảo vật quốc gia; quy định rõ quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quy định mua, bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định về điều kiện đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, nghiên cứu, bảo quản (điều kiện bảo hiểm và thỏa thuận bằng văn bản từ phía tiếp nhận); quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập; quy định về thẩm quyền xác nhận điều kiện thành lập bảo tàng cấp tỉnh.

2. Tồn tại, hạn chế ở một số mặt công tác cụ thể

1. Trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể

– Việc đầu tư kinh phí bảo vệ, tu bổ di tích đặt ra một số vấn đề sau:

+ Di tích ở nước ta đa dạng về loại hình, như: đình, đền, chùa, miếu mạo, thành quách, lăng mộ, đền tháp, cung điện, nhà cổ; di tích cách mạng kháng chiến… do điều kiện thời tiết, khí hậu nóng ẩm nên các di tích thường xuống cấp nhanh chóng. Hơn nữa, một đặc điểm cơ bản của di tích ở nước ta là hầu hết được làm từ chất liệu gỗ, theo quy trình thông thường 10 năm phải tu bổ nhỏ ít nhất 1 lần, 20 năm tu bổ vừa và 40 năm tu bổ tổng thể. Nguồn vốn đầu tư hàng năm cho tu bổ di tích còn thấp, nên nhìn chung còn nhiều di tích đang xuống cấp (đặc biệt là những di tích không có nguồn thu từ bán vé tham quan và nguồn công đức) nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ.

+ Từ năm 2015, tổng mức đầu tư của Chương trình đã giảm nhiều so với các năm trước, trong khi đó nguồn kinh phí đầu tư đối ứng của địa phương thấp do còn tâm lý trông chờ, ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và thiếu sự lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình khác trên địa bàn.

+ Nguồn kinh phí thu được qua bán vé tham quan di tích, tiền công đức, tiền thu các hoạt động dịch vụ văn hoá khác tại một số di tích chưa được đầu tư trở lại cho tu bổ, tôn tạo di tích và các hoạt động văn hóa ở cơ sở một cách thống nhất trong phạm vi toàn quốc, thậm chí có nơi đưa vào ngân sách xã và huyện để phục vụ nhiệm vụ khác.

+ Do kinh phí đầu tư cho tu bổ di tích còn thấp nên mới chỉ thực hiện chống đỡ cục bộ chứ chưa đặt di tích ở trong tình trạng bền vững lâu dài để trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh có sức hấp dẫn thu hút khách tham quan nên việc tạo nguồn thu tái đầu tư cho tu bổ, tôn tạo di tích còn bị hạn chế.

– Hiện tượng mất cắp cổ vật, cháy nổ tại di tích vẫn đôi khi còn xảy ra; vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, đặc biệt ở một số di tích được đầu tư bằng các nguồn vốn của địa phương, nguồn vốn công đức, xã hội hóa được thực hiện theo quy trình, thủ tục triển khai còn chưa đảm bảo.

– Ngoài một số di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu đã được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố phê duyệt quy hoạch, triển khai hiệu quả các dự án tu bổ, tôn tạo đã phát huy tốt giá trị di tích, gắn với phát triển kinh tế – xã hội, phần lớn, di tích chưa được quan tâm lập Quy hoạch để có cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị.

Một số quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn thi hành… có quy định chồng chéo với Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, đến nay một số quy định này đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, cụ thể: Luật Đầu tư công đã được sửa đổi (2019) không còn quy định đối tượng di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới thuộc dự án nhóm A. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định đánh giá tác động môi trường đối với dự án tu bổ di tích, tuy nhiên Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã không còn các quy định nêu trên. Vì vậy giữa Luật Di sản văn hóa và 02 luật: Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường đảm bảo phù hợp, không còn chồng chéo.

Có thể thấy, hệ thống các văn bản pháp luật trên đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích ngày càng được nâng cao chất lượng, rút ngắn quy trình, thời gian thẩm định, qua đó giảm kinh phí đầu tư, tạo cơ chế khuyến khích, xã hội hóa đầu tư cho hoạt động bảo quản, tu bổ di tích.

 2. Trong hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

  – Về chính sách đãi ngộ: Điều 26, Luật Di sản văn hóa quy định chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân như: Tặng, truy tặng Huân chương, danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các hình thức tôn vinh khác; tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sáng tạo, trình diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm của nghệ nhân; trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác đối với nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, giao Chính phủ ban hành chính sách đãi ngộ với nghệ nhân. Qua đây có thể thấy một số vấn đề sau: Tại mục a, có ít nhất 03 hình thức tôn vinh thông qua danh hiệu là: tặng Huân chương, danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các hình thức tôn vinh khác.

Tuy nhiên, tính đến nay mới thực hiện được nội dung về “tặng danh hiệu vinh dự nhà nước” thông qua việc Chính phủ ban hành 02 Nghị định. Nội dung “tặng Huân chương” và “thực hiện các hình thức tôn vinh khác” chưa thực hiện. Tại mục b, các hoạt động về “Tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sáng tạo, trình diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm của nghệ nhân.”: Mặc dù đã được thực hiện qua một số chương trình, hoạt động cụ thể thuộc các hoạt động quản lý nhà nước nói chung về di sản văn hóa được triển khai từ trước khi ban hành Luật Di sản văn hóa đến nay, ví dụ như Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và sau này là Chương trình phát triển văn hóa,… nhưng gặp phải hạn chế là nó chỉ dừng lại ở “Chương trình” theo giai đoạn và có xu hướng giảm dần mà chưa tạo ra được một chính sách cụ thể, lâu dài. Tại mục c, “Trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác đối với nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.”, có 03 vấn đề đặt ra:

Một là, việc trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác chỉ dành cho các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước gồm Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú;

Hai là, chỉ dành cho những cá nhân được tặng danh hiệu vinh dự nhà nước nhưng có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn; Ba là, chính sách ở nội dung được tiếp cận từ “chính sách an sinh xã hội”, “hỗ trợ hộ nghèo” (Nghị định số 109/2015/NĐ-CP) chứ không phải là chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Nội dung Điều 7 Nghị định 98/2010/NĐ-CP quy định “Khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống”: Nghề thủ công truyền thống là một trong bảy loại hình của di sản văn hóa phi vật thể, tương đương với Lễ hội truyền thống hay Tiếng nói, chữ viết. Song Lễ hội truyền thống và Tiếng nói, chữ viết hiện đang được quy định tại các điều 21 và 25 Luật Di sản văn hóa. Để có sự đồng đều và hợp lý, Nghị định 98/2010/NĐ-CP cần điều chỉnh để quy định việc bảo vệ, phát huy từng loại hình trong cả 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, nội dung Điều 21, Điều 25 Luật di sản văn hóa và Điều 7 Nghị định 98/2010/NĐ-CP cũng cần quy định cụ thể hoặc quy định về việc có Thông tư hướng dẫn thực hiện.

Sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng được Quốc hội thông qua vào năm 2013, Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công thương (cơ quan quản lý ngành về nghề thủ công mỹ nghệ) xây dựng dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, do không thống nhất được một số nội dung quy định trong dự thảo Nghị định, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (không bao gồm lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống), mặc dù nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống là một trong các lĩnh vực thuộc di sản văn hóa phi vật thể.

  Kết quả là có 02 Nghị định được ban hành: Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”  trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Điều này dẫn đến việc cùng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” nhưng có 02 hệ thống xét tặng từ địa phương tới trung ương. Việc xây dựng 02 nghị định và giao cho 02 bộ phụ trách để cùng xét phong tặng cho danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho các đối tượng thuộc cùng lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (nghề thủ công truyền thống là một trong các lĩnh vực của di sản văn hóa phi vật thể, trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có trường hợp vừa có thể là nghề thủ công truyền thống và cũng có thể vừa là tri thức dân gian) tạo ra những bất cập như:

Thứ nhất: một đối tượng thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống (một số nghề thủ công truyền thống, ẩm thực có thể đưa vào loại hình Tri thức dân gian) có thể chọn nộp hồ sơ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cho Sở Công Thương hoặc cùng lúc nộp cho cả 2 Sở. Cũng có trường hợp là bị loại ở hội đồng này rồi lại nộp hồ sơ sang hội đồng kia. Điều này cũng dẫn đến việc cá nhân đã là Nghệ nhân ưu tú của theo nghị định này nộp hồ sơ xét phong tặng Nghệ nhân nhân dân theo nghị định kia. Bất cập này dễ hiểu bởi tính chất đan xen và liên quan giữa các loại hình của di sản văn hóa phi vật thể.

Thứ hai: tiêu chí để xét danh hiệu của 2 nghị định này có những điểm khác biệt trong khi cùng hướng đến một danh hiệu. Tiêu chí xét danh hiệu quy định trong Nghị định 62/2014/NĐ-CP có tính định tính cao trong khi tiêu chí quy định trong Nghị định 123/2014/NĐ-CP tập trung nhiều vào tính định lượng, sản phẩm, thành tích cụ thể. Điều này dẫn đến việc cùng một danh hiệu cho các đối tượng cùng là thực hành di sản văn hóa phi vật thể nhưng được xét bởi hai bộ tiêu chí khác nhau.

Thứ ba: nhận thức của các cá nhân là thành viên hội đồng các cấp của hai “luồng” xét này là không đồng đều. Luật Thi đua, Khen thưởng quy định danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” dành cho đối tượng thực hành trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trong khi các cấp hội đồng thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống có nhận thức khác về di sản văn hóa phi vật thể hay nói cách khác là kỹ năng, kỹ thuật, am hiểu của nghệ nhân được nhìn nhận chỉ tập trung vào các sản phẩm vật chất cụ thể.

  Có thể khẳng định, có sự chồng chéo với quy định của Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Cần sửa đổi để thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể.

Thực hiện quy định tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai công tác phổ biến, quán triệt nội dung văn bản và tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng đời sống kinh tế theo hướng dẫn của Chính phủ, nhưng đa số các Nghệ nhân ưu tú không thuộc diện và không nhận được hỗ trợ do không đạt được tất cả các tiêu chí (về: tuổi tác, tình trạng sức khỏe, điều kiện người phụng dưỡng, thu nhập bình quân) quy định tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP.

  Trong khi đó, thách thức lớn nhất mà hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều phải đối diện, đó là: Giới trẻ hiện vẫn chưa cảm nhận hết giá trị của di sản do bị ảnh hưởng của các trào lưu mới nên ít tìm thấy sự say mê để theo học, thực hành hay thậm chí chỉ để thưởng thức, hưởng thụ các giá trị văn hóa do cha ông sáng tạo và trao truyền lại. Vì thế, thế hệ các nghệ nhân cao tuổi ngày một già yếu và mất đi mà chưa tìm được lớp người kế cận, chưa kịp truyền thụ cho các học trò, đặc biệt là trao truyền các “ngón nghề”, bí quyết trong việc ứng tác (Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Dân ca Quan họ, Bài Chòi…), điều chỉnh nhạc cụ (Cồng chiêng Tây Nguyên). Chính quyền nhiều nơi lại chưa thực sự tạo điều kiện về không gian và cơ sở vật chất cho các nghệ nhân truyền dạy cũng như chưa có các hình thức khuyến khích thế hệ trẻ theo học. Do điều kiện của từng địa phương còn hạn chế nên chưa có chính sách đãi ngộ mức độ cao đối với nghệ nhân để nghệ nhân thực sự yên tâm thực hành nghề.

Việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào việc vinh danh thông qua các danh hiệu, cụ thể là danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian,… Các danh hiệu này bị chi phối bởi Luật Thi đua, Khen thưởng và các chính sách cũng đang chỉ tập trung vào nghệ nhân đã có danh hiệu. Không những thế, các chính sách hỗ trợ đi kèm theo đó lại đang được thực hiện theo “công thức” áp dụng cho “hộ nghèo”. Tới nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã triển khai công tác phổ biến, quán triệt nội dung văn bản và tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng đời sống kinh tế theo hướng dẫn của Nghị định 109/2015/NĐ-CP nhưng đa số các Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân không thuộc diện được hỗ trợ do không đạt được các tiêu chuẩn để được nhận hỗ trợ như quy định của Nghị định 109/2015/NĐ-CP. Trước thực tế đó, cần tiếp tục ban hành chính sách đãi ngộ đối với Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú nói chung chứ không chỉ đối với các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được thiết lập nhằm đánh giá về sức sống của di sản và chỉ ra những cách bảo vệ khác nhau, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng những biện pháp và phân bổ nguồn lực bảo vệ thích hợp. Để tránh sự hiểu lầm không đáng có này, có thể điều chỉnh tên gọi “Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” thành “Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể”. Cùng với đó, Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp cũng cần thiết lập nhằm hiện thực hóa Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL để các tỉnh/thành phố có kế hoạch bảo vệ trên cơ sở đề xuất các dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa phân bổ hàng năm. Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL quy định “Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả kiểm kê ở địa phương hàng năm. Thời hạn báo cáo chậm nhất là ngày 31/10.” Tuy nhiên, Mẫu Báo cáo lại chưa được quy định, nên các địa phương đều lúng túng khi xây dựng Báo cáo và mỗi địa phương có một mẫu báo cáo riêng. Vì thế, việc xây dựng và ban hành Mẫu Báo cáo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc quy định báo cáo định kỳ tình trạng di sản và tình hình bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng cần xem xét đưa vào các văn bản dưới luật.

3. Trong hoạt động bảo tàng

– Việc triển khai Quy hoạch hệ thống bảo tàng Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, cụ thể:

+ Công tác thành lập và đầu tư xây dựng bảo tàng chuyên ngành: Dự án xây dựng trọng điểm các bảo tàng quốc gia: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vẫn chưa thực hiện được. Nhiều bảo tàng chuyên ngành vẫn chưa được thành lập, mới chỉ hoạt động như phòng truyền thống.

+ Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Trong 35 địa phương chưa có bảo tàng thời điểm Quy hoạch ban hành năm 2005, đến nay vẫn còn 19 địa phương chưa xây dựng được bảo tàng.

– Nhiều bảo tàng cấp tỉnh vẫn phải dùng chung trụ sở với đơn vị khác, rất khó khăn khi triển khai hoạt động. Nhiều trụ sở bảo tàng cấp tỉnh hiện nay chỉ là các công trình kiến trúc vốn xây dựng cho những mục đích sử dụng khác (kho tàng, công sở, thậm chí là nhà thờ công giáo…), nay được cải tạo để làm bảo tàng, nên không đáp ứng yêu cầu về không gian chức năng và kỹ thuật.

 – Đối với một số công trình nhà bảo tàng được xây dựng mới, khi triển khai các dự án xây dựng thì nguồn kinh phí đầu tư cho trưng bày bảo tàng chưa được chú trọng, còn khá phổ biến tình trạng chỉ chú trọng đầu tư cho phần xây “vỏ” ngôi nhà, chưa đầu tư thỏa đáng cho phần trưng bày và việc chuẩn bị cho trưng bày chưa được đi trước một bước.

– Vẫn còn tình trạng còn trùng lặp về nội dung trưng bày ở một số bảo tàng, hiện vật chưa phong phú, nội dung trưng bày chưa thực sự khoa học, hấp dẫn và hiệu quả hoạt động chưa cao.

– Mức đầu tư kinh phí cho công tác đầu tư xây dựng nhà bảo tàng, cải tạo nâng cấp trụ sở và kinh phí dành tổ chức hoạt động chuyên môn, thường xuyên của bảo tàng còn thấp.

– Hệ thống bảo tàng trong nhiều năm qua vẫn ở tình trạng mất cân đối về loại hình. Hiện tại, hầu hết bảo tàng ở Việt Nam là bảo tàng thuộc loại hình lịch sử xã hội, còn quá ít các bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng chuyên ngành về khoa học kỹ thuật.

– Thiếu đội ngũ chuyên gia và cán bộ giỏi trong lĩnh vực chuyên môn bảo tàng. Công tác đào tạo bảo tàng học trong 20 năm qua dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động bảo tàng, công tác đào tạo cơ bản ở nhà trường và trong bảo tàng còn chậm đổi mới. Các kiến thức về quản lý thiết chế bảo tàng, nghiên cứu xây dựng nội dung trưng bày bảo tàng; ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong bảo tàng, xây dựng và tổ chức các chương trình tham quan, giáo dục, marketing bảo tàng, bảo quản phục chế…. chưa được hình thành rõ nét.

– Xã hội hoá hoạt động bảo tàng chưa được đẩy mạnh: Cho đến nay, hầu như vẫn chưa xuất hiện việc các doanh nghiệp, thông qua việc tài trợ cho hoạt động bảo tàng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh của mình. Chính sách về thuế, tạo điều kiện cho “quan hệ” này được thúc đẩy trong môi trường thuận lợi, vẫn chưa có những điều chỉnh cụ thể và phù hợp.

4. Trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu

– Bên cạnh các thành quả đạt được, trong thực tiễn cho thấy, di sản tư liệu còn là vấn đề mới mẻ, hiện nay chưa được quy định trong Luật Di sản văn hóa, cũng như ở bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam; chức năng, nhiệm vụ quản lý về di sản tư liệu cũng chưa được chính thức giao cho một cơ quan đầu mối ở Trung ương quản lý, đòi hỏi trong thời gian tới cần quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản tư liệu.

– Trên thực tế cho thấy, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu chỉ thực sự triển khai nghiêm túc, quyết liệt sau khi di sản được ghi danh và được công bố rộng rãi giá trị tiêu biểu cho toàn xã hội. Việc xây dựng quy định pháp lý, quy trình cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu cũng chưa được cụ thể hóa từ trung ương đến địa phương.

– Đối với di sản văn hóa thuộc Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO các tiêu chí về nhận diện, quy trình, thủ tục lập hồ sơ đưa vào các Danh mục di sản tư liệu cấp tỉnh và quốc gia còn chưa được xây dựng cụ thể và quy trình thực hiện còn chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan.

5. Trong hoạt động hợp tác quốc tế

– Luật Di sản văn hóa và các Nghị định quy định/hướng dẫn thi hành Luật nhìn chung vẫn chưa theo kịp một số vấn đề phát sinh khi triển khai trong thực tiễn; một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật được ban hành dưới hình thức Thông tư, nên bị hạn chế về hiệu lực trong hoạt động hợp tác quốc tế về di sản văn hóa.

– Hoạt động trưng bày di sản văn hóa Việt Nam tại nước ngoài chủ yếu phụ thuộc nhiều vào khả năng kinh phí và nhu cầu của đối tác quốc tế, trong khi nguồn kinh phí trong nước rất hạn chế.

6. Trong công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

– Công tác xã hội hóa chưa đạt nhiều kết quả, một số ít diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực tu bổ di tích.

– Công tác vận động để tranh thủ các nguồn lực gặp khó khăn do thiếu cơ chế, quy định cụ thể.

– Các doanh nghiệp cũng ít quan tâm đến lĩnh vực văn hóa do lợi nhuận không cao, nhiều rủi ro khi đầu tư, khó thu hồi vốn cũng là trở ngại rất lớn trong công tác vận động, thu hút nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ.

– Quy định chi tiết về những hành vi bị cấm; về trình tự, thủ tục hủy bỏ xếp hạng, ghi danh di sản, hủy bỏ công nhận bảo vật quốc gia; thủ tục điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích; quy trình tiếp nhận giao nộp, phân chia, quản lý hiện vật, di vật, cổ vật sau khi khai quật khảo cổ; quy trình tiếp nhận, loại bỏ hiện vật vào di tích; quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật trong bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích và đối tượng kiểm kê di tích; quy trình thẩm quyền cấp Bằng chứng nhận bảo vật quốc gia, chế độ đặc biệt đối với việc bảo vệ và bảo quản bảo vật quốc gia; Quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương (Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp).

– Vấn đề quản lý các di sản, mô hình quản lý di tích của các địa phương hiện nay rất đa dạng, chưa thống nhất nên khó quản lý, khó xác định trách nhiệm khi có sai phạm trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do di sản nước ta đa dạng về loại hình, chủ sở hữu, trong khi các tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích là đơn vị sự nghiệp công lập, không có chức năng quản lý nhà nước, nên bị hạn chế về nhiệm vụ thi hành pháp luật tại địa điểm bảo vệ di sản, chỉ có thể báo cáo và chuyển giao cho các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước để xử lý những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa, dẫn tới sự chậm trễ, ảnh hưởng tới hoạt động bảo vệ di sản.

Trích Báo cáo tổng kết Luật Di sản văn hóa của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *