Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực nghĩa vụ quân sự

Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì từ ngày 01/11 đến ngày 31/12 hằng năm thì thực hiện khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Trangtinphapluat.com biên soạn, hướng dẫn cho bạn đọc trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hành vi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và một số hành vi phạm trên lĩnh vực quân sự thường gặp để UBND cấp xã nghiên cứu lập biên bản và xử lý các hành vi vi phạm đối với công dân không chấp hành các quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

1. Cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính

– Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020

Nghị định 118/2021/NĐ_CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính nghĩa vụ quân sự
Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính nghĩa vụ quân sự

– Nghị định 120/2013NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu. Nghị định 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Thông tư 07/2023/TT-BQP hướng dẫn thực hiện Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu và Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam do Bộ Quốc phòng ban hành (có hiệu lực từ 14/3/2023)

2. Hành vi vi phạm và thẩm quyền xử phạt

2.1. Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

a) Theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 120/2013/NĐ-CP được sửa bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự bị xử phạt như sau:

“Điều 6. Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”

b) Theo quy định tại Điều 37 của Nghị định 120/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thì Chủ tịch UBND cấp xã  được phạt tiền đến 5.000.000đ trên lĩnh vực Quốc phòng  và Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 2b Nghị định này (a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; b) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng giấy phép; c) Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh).

  Như vậy, theo mức phạt từ 10 đến 35 triệu đồng nên không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã (Quy định cũ của Nghị định 120 thì mức phạt tiền dưới 5 triệu nên thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã), do đó căn cứ vào Điều 52 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Điều 8 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định về nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì thẩm quyền xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thuộc Chủ tịch UBND cấp huyện.

2.2. Đối với hành vi cản trở thực hiện nghĩa vụ quân sự: Đây cũng là hành vi vi phạm phổ biến của gia đình có thanh niên trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự như: Không giao giấy báo khám sức khỏe, lệnh gọi nhập ngũ; không phối hợp với người có thẩm quyền trong việc nhận thông báo, lệnh khám sức khỏe, lệnh gọi nhập ngũ (hành vi thường là: không biết con mình làm ở đâu, đang ở đâu nên không thể giao Lệnh khám sức khỏe,lệnh nhập ngũ…). Trường hợp này thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý về   hành vi cản trở người có trách nhiệm thi hành nhiệm vụ về đăng ký nghĩa vụ quân sự, sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, thực hiện lệnh gọi nhập ngũ, với mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 120/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, Theo Nghị định 37/2022/NĐ-CP thì đã bỏ xử lý các hành vi này.

   2.3. Đối với các hành vi: Vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự (Điều 4);  Vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự (Điều 5);  Vi phạm quy định về nhập ngũ (Điều 7);  Vi phạm quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ (Điều 8)  và vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự (Điều 9) Nghị định 120/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP thì  thẩm quyền xử phạt và áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả là của Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh.

Bộ câu hỏi trắc nghiệm tìm hiểu Luật Nghĩa vụ quân sự
Xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực nghĩa vụ quân sự

          2.3. V “Lý do chính đáng” quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 11, Điều 12 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, khoản 9, khoản 12, khoản 13 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP.

 UBND cấp xã cần phải nghiên cứu kỹ các quy định này để áp dụng trường hợp nào là lý do chính đáng để không ban hành quyết định xử phạt; trường hợp nào là gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình...

Điều 4. “Lý do chính đáng” quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 11, Điều 12 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP , được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, khoản 9, khoản 12, khoản 13 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP

1. “Lý do chính đáng” là một trong các trường hợp sau:

a) Người phải thực hiện việc kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (sau đây viết gọn là người thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng bị ốm đau, tai nạn hoặc trên đường đi bị ốm đau, tai nạn phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

b) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ hoặc cha chồng, mẹ chồng; cha nuôi, mẹ nuôi; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm đau, tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

c) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại điểm b khoản này chết nhưng chưa tổ chức tang lễ hoặc tang lễ chưa kết thúc.

d) Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại điểm b khoản này nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

đ) Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; hoặc có nhận được lệnh, nhưng trong lệnh không ghi rõ thời gian, địa điểm do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm, hoặc do người khác có hành vi cản trở được quy định tại Điều 7 Thông tư này.

2. Trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã điều trị hoặc trạm y tế cấp xã nơi cư trú; trường hợp quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú; trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Điều 5. Hành vi vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP , được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP

1. Hành vi “Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP , được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là việc công dân không trực tiếp đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự (sau đây viết gọn là Nghị định số 13/2016/NĐ-CP).

2. Hành vi “Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP , được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là việc công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, khi đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 03 tháng liên tục trở lên không trực tiếp đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã làm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự chuyển đi hoặc chuyển đến theo quy định tại Điều 7 Nghị đnh số 13/2016/NĐ-CP .

3. Hành vi “không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP , được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là việc công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, khi đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 03 tháng trở lên không đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, phường, thị trấn đã đăng ký nghĩa vụ quân sự để trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 13/2016/NĐ-CP .

Điều 6. Hành vi “gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6; khoản 2 Điều 7 và điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP , được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, khoản 9, khoản 12 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP

1. Hành vi “gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình” quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là một trong các trường hợp sau:

a) Sử dụng các biện pháp cố tình làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân ngay trước hoặc trong quá trình khám sức khỏe nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự và đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận đó là hành vi gian dối, như: Sử dụng các loại thuốc, chất kích thích, chất cấm; tự gây thương tích, tổn hại sức khỏe của bản thân, hoặc biện pháp khác làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân.

b) Sửa chữa kết quả phân loại sức khỏe của bản thân trong thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

c) Nhờ người khác kiểm tra hoặc khám sức khỏe thay.

2. Hành vi “gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ” quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là hành vi sử dụng các hình thức hoặc biện pháp làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân so với kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đã được Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự xác nhận đủ điều kiện để nhập ngũ.

Điều 7. Hành vi “cản trở” quy định tại khoản 2 Điều 21, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP , được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16, khoản 17, khoản 18 và khoản 19 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP

1. Hành vi “cản trở” quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP , được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là hành vi biểu hiện bằng lời nói hoặc hành động như ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần để người có trách nhiệm trong việc tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ không thực hiện được nhiệm vụ của mình đối với việc thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ.

2. Hành vi “cản trở” quy định tại khoản 17 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là hành vi biểu hiện bằng lời nói hoặc hành động như ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần để người khác không dám, hoặc không thể tham gia dân quân tự vệ.

3. Hành vi “cản trở” quy định tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là hành vi biểu hiện bằng lời nói hoặc hành động như ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần để việc tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ không thực hiện được theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền hoặc làm cho người được triệu tập tham gia huấn luyện dân quân tự vệ không thực hiện được nhiệm vụ huấn luyện theo quy định.

4. Hành vi “cản trở” quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP , được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là hành vi biểu hiện bằng lời nói hoặc hành động như ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, hoặc thực hiện quyết định điều động dân quân tự vệ làm nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.Về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

3.1. Lập Biên bản vi phạm hành chính:

+ Thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính quy định tại Điều 43 Nghị định 120/2020NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 37, cụ thể:

“Điều 43. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng

1.Những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều 42 của Nghị định này.

(Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

2.  Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ

3. Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính trong những lĩnh vực quy định tại Nghị định này.”

   + Mẫu Biên bản vi phạm hành chính: Lập theo Biểu mẫu biên bản số 01 được ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.

   + Lưu ý khi lập Biên bản vi phạm hành chính: Biên bản phải có chữ ký của người vi phạm; trường hợp người vi phạm không ký thì phải có chữ ký của đại diện chính quyền địa phương cấp xã hoặc của 01 người chứng kiến; trường hợp không có chính quyền địa phương cấp xã, không có người chứng kiến thì biên bản phải ghi rõ lý do. Biên bản phải giao cho người vi phạm 01 bản, trường hợp người vi phạm không ký biên bản hoặc không nhận biên bản thì phải có biên bản về việc cá nhân không nhận biên bản vi phạm hành chính.

      3.2. Chuyển hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính

    Căn cứ Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 thì “Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”.

    Do đó, Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính, UBND xã, phường, thị trấn gửi hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xử phạt theo thẩm quyền, hồ sơ gồm: Biên bản vi phạm hành chính; Biên bản về việc cá nhân không nhận Biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp cá nhân không nhận biên bản; Văn bản đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định xử phạt; dự thảo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các tài liệu khác có liên quan.

3.3. Gửi và thi hành quyết định xử phạt

Sau khi Chủ tịch UBND cấp huyện ký Quyết định xử phạt,  UBND xã, phường nhận và giao Quyết định xử phạt cho người vi phạm trong thời hạn 02 ngày làm việc (Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết), đồng thời theo dõi, đôn đốc người vi phạm chấp hành Quyết định xử phạt. Trường hợp người vi phạm không chấp hành Quyết định xử phạt và biện pháp buộc khắc phục hậu quả (có biên bản làm việc thể hiện rõ chưa nộp tiền phạt, chưa chấp hành các biện pháp theo quyết định xử phạt) thì tham mưu người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành. Các hồ sơ xử phạt, cưỡng chế cần lưu trữ đảm bảo để làm cơ sở cho xử lý hình sự nếu còn tiếp tục vi phạm.

Trên đây là hướng dẫn của trangtinphapluat.com về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực nghĩa vụ quân sự. Bạn đọc có thắc mắc, vui lòng để lại ý kiến ở mục bình luận bên dưới bài viết, trangtinphapluat.com sẽ sớm phản hồi.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *