So sánh những điểm mới của Luật Tố cáo năm 2018 và Luật Tố cáo 2011 (phần 2)

Luật Tố cáo năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Trangtinphapluat.com giới thiệu những điểm mới của Luật Tố cáo năm 2018 so với Luật Tố cáo năm 2011.

Tiếp theo phần 1, hôm nay trangtinphapluat tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Luật Tố cáo năm 2018.

Xem bài viết so sánh Luật Tố cáo 2018 -2011 phần 1

Xem bài viết so sánh Luật Tố cáo 2018 -2011 phần 3

Xem bài viết so sánh Luật Tố cáo 2018 -2011 phần 4

Điểm mới của Luật Tố cáo 2018
Điểm mới của Luật Tố cáo 2018
  1. Về trình tự giải quyết tố cáo

Luật Tố cáo năm 2011 quy định 5 bước giải quyết tố cáo:  Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo;  Kết luận nội dung tố cáo; Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo; Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Luật Tố cáo năm 2018 sửa quy định tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo thành thụ lý tố cáo, bỏ quy định công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo trong trình tự giải quyết tố cáo.

2. Về thụ lý tố cáo

Luật Tố cáo năm 2018 không quy định về thời hạn thụ lý tố cáo như Luật năm 2011. Luật Tố cáo 2018 quy định khi tố cáo có đủ điều kiện quy định thì thụ lý giải quyết . Bổ sung quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết.

(26 câu hỏi trắc nghiệm tìm hiểu Luật Tố cáo năm 2018)

3. THời hạn giải quyết tố cáo

Luật Tố cáo năm 2011 quy định thời hạn giải quyết là 60 ngày kể từ ngày thụ lý đơn, Luật Tố cáo 2018 giảm một nữa thời gian giải quyết chỉ còn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn.

Trường hợp đặc biệt phức tạp thì được gia hạn 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày,.  Như vậy, so với Luật Tố cáo năm 2011 thời hạn giải quyết tố cáo theo Luật mới giảm một nữa thời gian.

4. Về rút tố cáo

Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Tố cáo 2018, theo đó:

Quy định về rút tố cáo
Quy định về rút tố cáo

– Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

– Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật này; trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 34 của Luật này. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người tố cáo rút tố cáo thì tố cáo vẫn tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật này. Người đã rút tố cáo không được hưởng quyền và không phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 9 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

(Tải slide bài giảng tuyên truyền Luật Tố cáo năm 2018)

– Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.

– Người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

5. Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo

Đây là quy định mới của Luật Tố cáo 2018, theo đó:

– Người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi có một trong các căn cứ sau đây:

+ Cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan;

+ Cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại.

– Khi căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo không còn thì người giải quyết tố cáo ra ngay quyết định tiếp tục giải quyết tố cáo; thời gian tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo không tính vào thời hạn giải quyết tố cáo.

– Người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi có một trong các căn cứ sau đây:

+ Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này;

+ Người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo;

+Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

– Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo phải nêu rõ lý do, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và gửi đến người tố cáo, người bị tố cáo trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

Phần 3 sẽ được đăng tải vào ngày 19/7/2018, mời bạn đọc quan tâm đón xem.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *