Những chính sách quan trọng được ban hành trong đầu tháng 01/2016

1. Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ

Chính sách đối với dân quân tự vệ được quy định rõ tại Nghị định 03/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ.

Theo Nghị định, mức phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ được tính và chi trả theo tháng, bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số quy định cụ thể: Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng: 0,10; Trung đội trưởng, Thôn đội trưởng: 0,12; Đại đội phó, Chính trị viên phó đại đội, Hải đội phó, Chính trị viên phó hải đội: 0,15; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội, Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội, Trung đội trưởng dân quân cơ động: 0,20; Tiểu đoàn phó, Chính trị viên phó tiểu đoàn, Hải đoàn phó, Chính trị viên phó hải đoàn: 0,21; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn, Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn, Chỉ huy phó, chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Chỉ huy phó, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở: 0,22; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy phó, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương: 0,24; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương: 0,25.

Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ
Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ

Thời gian được hưởng phụ cấp trách nhiệm tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến khi có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp trách nhiệm của tháng đó.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cán bộ chiến sĩ dân quân tự vệ nếu bị chết, hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ được xem xét, xác nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

  1. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 04/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Trong đó, Nghị định bổ sung quy định điều kiện đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc một trong các loại hình: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên…

  1. Mức quà tặng cho các đối tượng có công với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016

Chủ tịch nước vừa ký Quyết định số 28/QĐ-CTN về việc tặng quà cho các đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016.

Cụ thể, mức quà 400.000 đồng tặng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thân nhân hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31 tháng 12 năm 1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Mức quà 200.000 đồng tặng: Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31 tháng 12 năm 1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; Đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, chồng, con, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ); Đại diện gia đình thờ cúng liệt sĩ (anh, em, người được họ tộc ủy nhiệm việc thờ cúng Liệt sĩ); Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

  1. Tăng mức cho vay đối với HSSV

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định điều chỉnh mức cho vay quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV). Theo đó, từ ngày 9/1/2016, mức cho vay tối đa đối với HSSV sẽ tăng từ 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV lên 1,25 triệu đồng/tháng/HSSV.

  1. VĂN BẢN ĐỊA PHƯƠNG
  2. Khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người

Theo Quyết định 46/2015/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người ,cấm ghi âm, hi hình, hụp ảnh và tổ chức thực hiện việc đặt các biển báo trên địa bàn tỉnh, theo đó

* Khu vực bảo vệ

Trụ sở các cơ quan, tổ chức trên địa bàn gồm: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh, Chi nhánh ngân hàng nhà nước, Đài phát thanh – truyền hình tỉnh.

Các khu vực khác do Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định bao gồm:

– Khu vực đang diễn ra thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

– Khu vực đang xảy ra những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

– Khu vực đang diễn ra các nghi lễ, hội nghị, hội thảo, cuộc họp lớn do các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức có yêu cầu cần bảo vệ.

* Khu vực cấm tập trung đông người

Khu vực cấm tập trung đông người trên địa bàn tỉnh gồm:

– Cấp tỉnh:

+ Trụ sở Tỉnh ủy: Bao gồm toàn bộ hành lang vỉa hè và lòng đường xung quanh trụ sở cơ quan (Phía cổng chính giáp đường Nguyễn Chí Thanh, chiều ngang 150m, hành lang vỉa hè và lòng đường 02 bên của trụ sở thuộc đường Trần Hưng Đạo và đường Trần Phú, dài 195m và lòng đường Đào Duy Từ phía sau trụ sở, chiều ngang 150m).

+ Trụ sở Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tỉnh: Tính từ cổng chính (đường Hùng Vương) đến hết hành lang vỉa hè trước cổng trụ sở cơ quan (bao gồm khu vực hàng cây xanh), chiều ngang: 200m, chiều dọc 41m, khu vực vỉa hè và lòng đường xung quanh trụ sở cơ quan (thuộc các đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt).

– Cấp huyện: Căn cứ tình hình cụ thể, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quy định cụ thể khu vực cấp tập trung đông người trên địa bàn theo quy định tại điểm đ, khoản 6, Điều 12 của nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/03/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng thì bị coi là vi phạm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

– Cấm tập trung từ 05 người trở lên tại các khu vực cấm tập trung đông người tại cấp tỉnh, cấp huyện. Trường hợp tập trung dưới 05 người nhưng có một trong các hành vi quy định tại Mục 2, Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05/9/2005 của Bộ công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/03/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng thì bị coi là vi phạm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

* Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh

Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trong các trường hợp sau:

– Những vụ việc, tài liệu, số liệu, địa điểm, thời gian, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc danh mục bí mật Nhà nước đã được Thủ tướng chính phủ và Bộ trưởng Bộ công an quy định.

– Khu vực đang xảy ra các vụ việc có ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và những vấn đề khác cần phải giữ bí mật cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định.

Các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật tại khu vực cấm, địa điểm cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh thì được phép ghi âm, ghi hình, chụp ảnh để củng cố tài liệu, chứng cứ. Việc giao nhiệm vụ phải được thể hiện bằng văn bản; dữ liệu ghi âm, ghi hình, chụp ảnh phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, nghiêm cấm việc tự ý cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

  1. Quy chế văn hóa công sở

Ngày 06/01/2016, UBND thành phố Tam Kỳ ban hành Quyết định số 56/QĐ-UBND  về quy chế văn hóa ở công sở tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố Tam Kỳ. Theo đó:

Đề án văn hóa công vụ
Đề án văn hóa công vụ

– Các hành vi bị cấm bao gồm:

+ Chơi games tại cơ quan, đánh bạc dưới mọi hình thức; truy cập trang website có nội dung không lành mạnh; hút thuốc lá nơi làm việc.

+ Vào cơ quan sau khi đã uống rượu, bia hoặc thức uống có cồn; trong giờ làm việc sử dụng thuốc uống có cồn. Trường hợp đặc biệt vào các dịp liên hoan, lễ, tết, tiếp khách (khách ngoại tỉnh) việc sử dụng đồ uống có cồn do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định.

+ Tổ chức quảng cáo thương mại trong khuôn viên công sở.

+ Thờ cúng, tổ chức ăn uống trong phòng làm việc và hoạt động mê tín dị đoan.

– Trang phục:

+ Nam: Mặc áo sơ mi, quần âu hoặc bộ comple, đi giày da hoặc dép có quai hậu;

+ Nữ: Mặc áo sơ mi, quần âu, váy công sở, áo dài truyền thống, đi giày da hoặc dép có quai hậu.

– Cán bộ, công chức khi thi hành công vụ, nhiệm vụ phải đeo thẻ theo quy định.

Ngoài ra, Quy chế còn quy định cụ thể về lễ phục, cách thức giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, bài trí cơ quan, đơn vị mình…

  1. Tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các công trình phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2016-2020

Ngày 17 tháng 12 năm 2015, Hội đồng nhân dân thành phố Tam Kỳ ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND về về quy định tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các công trình phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2016-2020. Cụ thể đối với 04 xã gồm: Tam Ngọc, Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng thì ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ là 35%, ngân sách thành phố, cấp xã phường và Nhân dân đóng góp là 65%, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ là 40%, ngân sách xã và Nhân dân đóng góp là 25%. Đối với các phường còn lại thì ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ là 35%, ngân sách thành phố, cấp xã phường và Nhân dân đóng góp là 65%, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ là 30%, ngân sách phường và Nhân dân đóng góp là 35%.

4.Tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo

Theo Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 08/01/2016 của UBND thành phố Tam Kỳ về việc Tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thì trách nhiệm của Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị và Chủ tịch UBND xã, phường như sau:

 – Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp công dân trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

– Tập trung kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể các vụ việc tồn đọng, kéo dài, có tính chất phức tạp, nổi cộm, đông người ở từng địa bàn, theo lĩnh vực; trên cơ sở đó tham mưu UBND thành phố giao trách nhiệm cho từng cơ quan chịu trách nhiệm chính, cơ quan phối hợp; Thủ trưởng các đơn vị có kế hoạch cụ thể, phân công lãnh đạo để giải quyết, tham mưu giải quyết dứt điểm từng vụ việc. Chủ động giải quyết kịp thời các tình huống khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người không để phát sinh thành “điểm nóng” đảm bảo giữ ổn định tình hình an ninh, chính trị tại địa phương, đơn vị.

– Nghiêm túc thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân; công khai lịch, địa điểm tiếp công dân định kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách thường xuyên để người dân biết; tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại, hòa giải, vận động, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu và làm theo các quy định của pháp luật; thực hiện chi trả chế độ bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư theo đúng quy định.

– Những địa phương có các dự án đầu tư phải thu hồi đất, cần phải dự báo tình hình phát sinh khiếu kiện có thể xảy ra; tuân thủ quy trình công khai các chế độ chính sách liên quan và có phương án thích hợp tổ chức tiếp công dân để thông tin về chủ trương đầu tư thực hiện dự án, giải thích kịp thời những phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *