Trangtinphapluat.com trân trọng giới thiệu một số văn bản quan trọng có hiệu lực trong tháng 8/2017:
- 8 đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp
Ngày 1/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2017/NĐ-CP điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo Nghị định ngày, từ ngày 15/8/2017, 8 nhóm đối tượng sẽ đươc tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng (so với tháng 6/2017). Cụ thể, 8 nhóm đối tượng bao gồm:
– Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg ngày 16.3.2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
– Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22.10.2009, Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21.10.2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23.1.1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
– Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4.8.2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6.5.2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
– Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20.6.1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13.10.1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
– Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27.10.2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06.5.2010 của Thủ tướng Chính phủ.
– Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20.8.2010 của Thủ tướng Chính phủ.
– Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9.11.2011 của Thủ tướng Chính phủ.
– Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
2. Hằng năm, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh đối thoại với thanh niên
Ngày 03/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 78/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 120/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật thanh niên (Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/8/2017).
Theo đó: hằng năm, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm định kỳ, đối thoại với thanh niên, tham vấn ý kiến của thanh niên về các vấn đề có liên quan cần giải quyết đối với thanh niên.
Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh phải lồng ghép chính sách phát triển thanh niên khi xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương hằng năm và từng giai đoạn; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên tại địa phương.
- Bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng
Ngày 03/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 77/2017/NĐ-CP quy định quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng (Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/8/2017)
Theo đó: tàu thuyền nhập cảnh, thuyền viên, hành khách đi trên tàu thuyền nhập cảnh khi vào khu vực biên giới biển Việt Nam phải làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu cảng đầu tiên nơi tàu thuyền đến.
Tàu thuyền nước ngoài xuất cảnh, thuyền viên hành khách đi trên tàu thuyền nước ngoài xuất cảnh, trước khi rời khỏi biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam phải làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu cuối cùng nơi tàu thuyền đi.
` Tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, thuyền viên, hành khách đi trên tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, trước khi rời khỏi vùng biển Việt Nam, phải làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu cảng cuối cùng nơi tàu thuyền đi.
- Năm 2018 sẽ chính thức lập dự toán theo kế hoạch tài chính trung hạn
Ngày 13/7/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 71/2017/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 và kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2018-2020 (Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/8/2017).
Theo đó, năm 2018 sẽ chính thức lập dự toán theo kế hoạch tài chính trung hạn.
Thông tư quy định, việc xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2018 với chủ trương triệt để là tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán. Mọi khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác phải được tổng hợp, phản ánh đầy đủ vào cân đối NSNN theo quy định của Luật NSNN.
Trên cơ sở đó, phấn đấu tỷ lệ huy động vào NSNN năm 2018 khoảng 21%/GDP. Loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách, dự toán thu nội địa bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 12-14% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017, dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5 – 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017
- Thay đổi quy định chế độ đối với giáo viên phổ thông
Từ 1/8/2017, Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ có hiệu lực, thay thế cho Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT. Theo đó, thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 2 tháng bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Luật Lao động, được hưởng nguyên lương và phụ cấp nếu có. Quy định này làm rõ vấn đề nghỉ thời gian 2 thán đã bao gồm nghỉ phép năm, nhằm phù hợp với Bộ Luật Lao động 2013 và đảm bảo chính sách đặc thù với giáo viên.
Bên cạnh đó, thông tư này cũng quy định thời gian làm việc là 42 tuần đối với GV trường dự bị Đại học (tương tự giáo viên tiểu học, giáo viên THCS và THPT) bao gồm: 28 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch năm học; 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học; 1 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; 1 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
- 6. Quy định mới về công khai ngân sách nhà nước
Ngày 15/6/2017 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 61/2017/TT-BTC về hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách Nhà nước hỗ trợ (Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/8/2017).
Đối với đơn vị dự toán ngân sách cấp trên, Thông tư quy định công khai dự toán thu – chi NSNN, kể cả phần điều chỉnh giảm hoặc bổ sung (nếu có) được cấp có thẩm quyền giao; nguồn kinh phí khác và phân bổ cho các đơn vị cấp dưới trực thuộc, các đơn vị được ủy quyền; công khai các căn cứ, nguyên tắc, định mức phân bổ dự toán ngân sách.
Đối với đơn vị sử dụng ngân sách, công khai dự toán thu – chi NSNN, kể cả phần điều chỉnh giảm hoặc bổ sung (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền giao và nguồn kinh phí khác. ..
Báo cáo dự toán NSNN phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được đơn vị dự toán cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền giao đầu năm và điều chỉnh giảm hoặc bổ sung trong năm (nếu có).
Báo cáo tình hình thực hiện dự toán NSNN hằng quý, 6 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc quý và 6 tháng. Báo cáo tình hình thực hiện NSNN hàng năm được công khai chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày đơn vị báo cáo đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp.
- Điều chỉnh mức lương cơ sở theo ngạch
Ngày 30/6/2017 Bộ tài chính ban hành Thông tư số 67/2017/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24-4-2017 của Chính phủ và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 76/2017/NĐ-CP ngày 30-6-2017 của Chính phủ (thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8/2017)
Theo đó: Nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 47/2017/NĐ-CP cho các đối tượng nêu tại khoản 1 Điều này căn cứ vào mức tiền lương cơ sở tăng thêm; hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ; hệ số phụ cấp lương theo chế độ quy định; tỷ lệ các khoản đóng góp theo chế độ.
Nhu cầu điều chỉnh trợ cấp tăng thêm cho cán bộ xã nghỉ việc căn cứ vào số đối tượng thực có mặt tại thời điểm ngày 1/7/2017, mức trợ cấp tăng thêm quy định tại Điều 2 Nghị định số 76/2017/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 47/2017/NĐ-CP trong năm 2017 của các bộ, cơ quan TW, đối với các cơ quan HCNN, Đảng, đoàn thể thì nguồn thực hiện đến hết năm 2016 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2017. Đơn vị sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2017, sử dụng tối thiểu 40% chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ.
Từ ngày 1/7, tăng lương hưu, trợ cấp BHXH thêm 7,44%
- Hạn mức bảo hiểm tiền gửi được nâng lên 75 triệu đồng
Theo quyết định 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 10/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được điều chỉnh tăng lên 75 triệu đồng (quy định hiện hành tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP là 50 triệu đồng). Hạn mức chi trả này đã bao gồm cả gốc và lãi.
Từ 5/8 tới đây, nếu tổ chức tín dụng nào bị phá sản, người gửi tiền tiết kiệm sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng, thay vì mức 50 triệu đồng đã áp dụng hơn 12 năm qua. Trước đó, hạn mức bảo hiểm tiền gửi này áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng và đến năm 2005 tăng lên 50 triệu đồng.
9 . Quy định mới về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi
Ngày 26/6/2017, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 08/2017/TT-BCT quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, có hiệu lực từ ngày 05/8/2017, theo đó mức giá bán lẻ của các thương nhân phải được niêm yết và không được vượt quá mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký. Mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký là cơ sở để cơ quan tiếp nhận đăng ký giá và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về giá và công bố cho người tiêu dùng. Thươsng nhân sản xuất, nhập khẩu sữa có thể thực hiện đăng ký các mức giá bán lẻ khuyến nghị phù hợp với từng khu vực địa lý nhất định.
Đối với việc thực hiện đăng ký giá, thương nhân lập Biểu mẫu đăng ký giá và gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận theo một trong các hình thức sau: Gửi trực tiếp: hai (02) bản tại Văn phòng cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu (kèm 01 phong bì có dán tem, ghi rõ: tên, địa chỉ của thương nhân, họ tên và số điện thoại của người trực tiếp có trách nhiệm của đơn vị); Gửi qua đường công văn: hai (02) bản cho cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu (kèm 01 phong bì có dán tem, ghi rõ: tên, địa chỉ của thương nhân, họ tên và số điện thoại của người trực tiếp có trách nhiệm của đơn vị); Gửi qua thư điện tử kèm chữ ký điện tử hoặc kèm bản scan Biểu mẫu có chữ ký và dấu theo địa chỉ đã được cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu thông báo hoặc gửi qua fax và đồng thời gửi bổ sung 01 bản chính thức qua đường công văn để cơ quan tiếp nhận lưu hồ sơ.
10. Hướng dẫn cách tính lương hưu, trợ cấp hàng tháng
Ngày 30/6/2017, Bộ Lao động thương binh và xã hội ban hành Thông tư 18/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 8 Điều 1 Nghị định 76/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/8/2017. Theo đó, từ ngày 1/7/ 2017, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này được tăng thêm 7,44% so với mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng tại tháng 6 năm 2017.
Kể từ ngày 01/7/2017, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của một số đối tượng nghỉ hưu được tính theo công thức sau:
Mức hưởng từ tháng 07/2017 = Mức hưởng tháng 06/2017 X 1.0744
Ví dụ 1: Ông B là cán bộ xã nghỉ việc, hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP có mức trợ cấp tháng 6 năm 2017 là 1.970.000 đồng/tháng.
Mức trợ cấp hàng tháng của ông B từ tháng 07/2017 = 1.970.000 đồng/tháng x 1,0744 = 2.116.568 đồng/tháng
Ví dụ 2: Bà C, nghỉ việc hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, có mức trợ cấp tháng 6 năm 2017 là 2.000.000 đồng/tháng.
Mức trợ cấp mất sức của bà C từ tháng tháng 07/2017 = 2.000.000 đồng/tháng x 1,0744 = 2.148.800 đồng/tháng.
11. Hướng dẫn tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu điện
Ngày 23/6/2017, Bộ Thông tin truyền thông ban hành Thông tư 17/2017/TT-BTTTT quy định nội dung và biện pháp thi hành Quyết định 45/2016/QĐ-TTg về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích , có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, theo đó: Đối tượng áp dụng gồm”. Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính (sau đây gọi là cơ quan có thẩm quyền). Tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân . Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Bưu điện các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thông tư quy định việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả được thực hiện qua các dịch vụ sau đây: Dịch vụ nhận gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Dịch vụ nhận gửi hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Thông tư cũng quy định Thời hiệu khiếu nại là 06 tháng, kể từ ngày kết thúc thời gian toàn trình. Và thời hạn giải quyết khiếu nại được quy định như sau: Đối với dịch vụ nội tỉnh: Tối đa 05 ngày làm việc. Đối với dịch vụ liên tỉnh: Tối đa 07 ngày làm việc. Việc bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả được thực hiện theo Điều 14 Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg và quy định của pháp luật về bưu chính.
12. Quy định mới về cơ chế tài chính của Ban Thanh tra nhân dân
Ngày 19/6/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 63/2017/TT-BTC quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, theo đó quy định rõ về mức chi bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân:
Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, chi công tác phí: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể thêm một số mức chi như sau: Chi bồi dưỡng báo cáo viên trong hội họp; chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân trực tiếp thực hiện công tác thanh tra theo kế hoạch công tác được duyệt hoặc trong hoạt động phối hợp với tổ chức thanh tra nhà nước khi thanh tra tại địa phương, đơn vị: Mức chi 100.000 đồng/người/ngày.
Chi mua sắm văn phòng phẩm, cước điện thoại, cước bưu phẩm, các khoản chi khác: Theo thực tế phát sinh, theo hóa đơn thực tế và trong phạm vi kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được giao, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và tiết kiệm, hiệu quả.
13. Định mức giáo viên trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập
Ngày 12/7/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập , có hiệu lực từ 28/8/2017, theo đó: Định mức giáo viên đối với trường phổ thông cấp tiểu học, mỗi trường có 01 hiệu trưởng.
Về số Phó hiệu trưởng: Trường tiểu học có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí 02 phó hiệu trưởng.
Trường tiểu học có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 01 phó hiệu trưởng.
Trường tiểu học có từ 05 điểm trường trở lên ngoài điểm trường chính thì được bố trí thêm 01 phó hiệu trưởng.
Về số lượng giáo viên, Thông tư quy định, trường tiểu học dạy học 1 buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,20 giáo viên trên một lớp.
Trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,50 giáo viên trên một lớp.
Phương Thảo