Tổng hợp các văn bản quan trọng có hiệu lực trong tháng 11 năm 2017

Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc một số văn bản quan trọng có hiệu lực trong tháng 11/2017.

  1. Điều kiện hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội 

Ngày 12/09/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ,  về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội (có hiệu lực 01/11/2017), theo đó:

Cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực. Trong đó, cơ sở phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện, không khí trong lành; Diện tích đất bình quân 20m2/đối tượng ở khu vực nông thôn và 10m2/đối tượng ở khu vực thành thị; Diện tích phòng ở của đối tượng phải đạt tối thiểu 6m2/đối tượng; Cơ sở phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước; Các công trình, các trang thiết bị phải bảo đảm cho người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em sử dụng thuận tiện…

Nhân viên trợ giúp xã hội tại cơ sở phải có sức khỏe; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; Có kỹ năng để trợ giúp xã hội…

Một nội dung đáng chú ý khác của Nghị định này là quy định về các hành vi vi phạm của các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó có: Lợi dụng việc thành lập cơ sở để vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cộng đồng; Vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống và bản sắc dân tộc; Đánh đập, nhốt đối tượng, trói đối tượng; Không cho đối tượng ăn, uống hoặc ngủ; Buộc đối tượng mặc những loại quần áo dị thường hoặc không phù hợp; Dùng đối tượng này để kỷ luật đối tượng khác; đe dọa hoặc mắng nhiếc, xúc phạm đối tượng bằng những từ ngữ thiếu lịch sự, thô tục; Buộc đối tượng làm những việc quá sức…

  1. Không chủ động cứu người bị nạn trên sông, biển bị phạt đến 10 triệu đồng

Quy định mới về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 (có hiệu lực 01/11/2017).

Nghị định này chỉ rõ, hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện sẽ bị phạt từ 05 – 10 triệu đồng; trong khi trước đây, mức phạt đối với hành vi này chỉ từ 03 – 05 triệu đồng.

Không chủ động cứu người bị nạn trên sông, biển bị phạt đến 10 triệu đồng

Đặc biệt, Nghị định cũng tăng mức phạt đối với hành vi yêu cầu cấp cứu khẩn cấp nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ lên mức từ 20 – 40 triệu đồng, thay vì từ 10 – 20 triệu đồng như trước.

Bên cạnh đó, hành vi sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng hoặc thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời sẽ bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng. Hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện các hành vi này còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Với hành vi đóng thiếu vào Quỹ phòng, chống thiên tai, Nghị định quy định phạt tiền bằng số tiền phải đóng góp còn thiếu theo từng đợt; Với hành vi đóng chậm, mức phạt tiền gấp 1,5 lần mức phải đóng góp theo từng đợt; Với hành vi không đóng, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phải đóng góp theo từng đợt. Trong cả 03 trường hợp này, mức phạt tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa là 50 triệu đồng.

  1. Quy định mới về điều kiện bán lẻ rượu

Ngày 14/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2017, theo đó quy định về điều kiện bán lẻ rượu như sau:

Điều kiện kinh doanh mua bán rượu

– Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định  của pháp luật

– Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng

– Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu

– Rượu dự kiến kinh doanh phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định

– Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định.

– Trường hợp thương nhân tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ thì phải có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc giấp phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.

  1. Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề có điều kiện 

Tại Nghị định số 106/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá (có hiệu lực 01/11/2017), Chính phủ quy định kinh doanh thuốc lá sẽ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; trong khi trước đây, thuốc lá thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh.

Nghị định cũng cho phép thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá được mua sản phẩm thuốc lá từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá để bán tại các địa điểm được cấp phép, thay vì chỉ được mua từ các thương nhân bán buôn như quy định cũ.

Với các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá, sẽ được mua sản phẩm thuốc lá từ các Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá khác để bán cho các thương nhân mua bán sản phẩm thuốc lá hoặc bán tại các điểm bán lẻ của thương nhân trên phạm vi địa bàn được cấp phép.

Ngoài ra, Nghị định còn bãi bỏ một số điều kiện cấp Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá đã được quy điịnh trước đây. Cụ thể, với Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá và cấp Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá, bỏ yêu cầu về phương tiện vận tải. Với Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, bỏ yêu cầu diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải từ 03 m2 trở lên…

 5. Quy định trách nhiệm bảo vệ và quản lý di sản thế giới

Theo Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam (gọi chung là di sản thế giới – DSTG), có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2017, Theo đó, khu vực DSTG được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Vùng đệm của khu vực DSTG được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ II của di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với việc lập quy hoạch tổng thể DSTG theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về di sản văn hóa…

Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng DSTG. Cụ thể, tổ chức được giao quản lý, sử dụng DSTG có nhiệm vụ lập phương án và tổ chức triển khai thực hiện phương án bảo vệ và quản lý DSTG ngắn hạn, trung hạn và dài hạn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, tổ chức giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn của DSTG, kịp thời ngăn chặn hành vi xâm hại DSTG và báo cáo cơ quan có thẩm quyền những nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới DSTG

  1. Hoạt động của thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội

 

Ngày 04/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2017/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, có hiệu lực 20/11/2017, theo đó các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội gồm: Các cơ quan thanh tra nhà nước và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Cơ quan thanh tra nhà nước gồm: Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Thanh tra Bộ); Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Thanh tra Sở).

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Cục Quản lý lao động ngoài nước; Cục An toàn lao động.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ các nội dung thanh tra chuyên ngành về lao động, an toàn vệ sinh lao động; nội dung thanh tra chuyên ngành về việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; nội dung thanh tra chuyên ngành về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nội dung thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp; nội dung thanh tra chuyên ngành về người có công; nội dung thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực trẻ em và các chính sách xã hội khác.

  1. Tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe

Ngày 05/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2017/NĐ-CP quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, có hiệu lực từ 20/11/2017, theo đó quy định yêu cầu đối với cơ sở thực hành, trong đó, yêu cầu chung đối với cơ sở thực hành gồm: Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với chương trình đào tạo thực hành (a); có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hành theo yêu cầu của chương trình đào tạo thực hành (b) ; có người giảng dạy thực hành đáp ứng các yêu cầu chung đối với người giảng dạy thực hành nêu trên và có đủ thời gian hoạt động chuyên môn liên tục ở ngành/chuyên ngành hướng dẫn thực hành ít nhất là 12 tháng.

Yêu cầu đối với cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Có đủ các yêu cầu quy định tại (a), (b) nêu trên; có phòng học, phòng giao ban, phòng trực dành cho người học thực hành và người giảng dạy thực hành; có người giảng dạy thực hành đáp ứng yêu cầu quy định; tại cùng một thời điểm, mỗi khoa, phòng có không quá 3 người học thực hành trên 1 giường bệnh hoặc 1 ghế răng; tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 20% và tối đa là 80% của tổng thời lượng chương trình thực hành, trừ trường hợp quy định tại (c) dưới đây.

Cơ sở thực hành là cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm: Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành và chỉ được là cơ sở thực hành thuộc trường hợp cơ sở giáo dục có ngành, chuyên ngành đào tạo về khám bệnh, chữa bệnh phải ký hợp đồng hoặc có 1 cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện ít nhất 50% thời lượng của chương trình thực hành của không quá 2 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học, sau đại học và 1 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng (c).

  1. Chính sách với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam

Tại Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 06/10/2017, quy định về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975, có hiệu lực ngày 20/11/2017, theo đó: thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần, tính theo số năm thực tế tham gia thanh niên xung phong cơ sở. Trong đó, từ đủ 02 năm trở xuống, mức trợ cấp bằng 2,5 triệu đồng; từ trên 02 năm thì từ năm thứ 03 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.

Chính sách với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam

Trường hợp thanh niên xung phong có giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan nhưng không thể hiện cụ thể thời gian tham gia kháng chiến thì được hưởng 2,5 triệu đồng. Trường hợp thanh niên xung phong đã từ trần trước ngày 20/11/2017 thì thân nhân được hưởng mức trợ cấp 3,6 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định này, thanh niên xung phong không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa được xét trợ cấp hàng tháng với mức 540.000 đồng/tháng.

Ngoài chế độ trợ cấp nêu trên, thanh niên xung phong còn được hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh tại Ngân hàng Chính sách xã hội; Khi thanh niên xung phong từ trần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/11/2017.

 

  1. Đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất

Theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất, có hiệu lực 25/11/2018, theo đó yêu cầu chung để đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất, đối với nhà xưởng, kho chứa, nhà xưởng phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với tính chất, quy mô và công nghệ sản xuất, lưu trữ hóa chất.

Nhà xưởng, kho chứa phải có lối, cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng hiệu, đèn báo và được thiết kế thuận lợi cho việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.

Đối với bồn chứa ngoài trời phải xây đê bao hoặc các biện pháp kỹ thuật khác để đảm bảo hóa chất không thoát ra ngoài môi trường khi xảy ra sự cố hóa chất và có biện pháp cháy nổ, chống sét…

Về bao bì, vật chứa, Nghị định yêu cầu bao bì phải đảm bảo kín, chắc chắn, có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp, vận chuyển. Bao bì đã qua sử dụng phải bảo quản riêng. Trước khi nạp hóa chất, cơ sở thực hiện nạp phải kiểm tra bao bì, vật chứa hóa chất, làm sạch bao bì đã qua sử dụng để loại trừ khả năng phản ứng, cháy nổ khi nạp hóa chất. Các vật chứa, bao bì đã qua sử dụng nhưng không sử dụng lại được phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Vật chứa, bao bì chứa đựng hóa chất phải có nhãn ghi đầy đủ các nội dung theo quy định về ghi nhãn hóa chất. Nhãn của hóa chất phải đảm bảo rõ, dễ đọc và có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển.

  1. Thủ tục tàu bay xuất, nhập cảnh qua Cơ chế một cửa quốc gia

 

Ngày 26/9/2017, Thủ tướng Chính phủ  ban hành Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, có hiệu lực từ ngày 15/11/2017.

Về trách nhiệm thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, Quyết định quy định người làm thủ tục khai báo theo phương thức điện tử các thông tin, chứng từ sau thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia: Bản khai hàng hóa xuất khẩu bằng đường hàng không và vận đơn chủ đối với tàu bay xuất cảnh có vận chuyển hàng hóa xuất khẩu); danh sách hành khách đối với tàu bay xuất cảnh có vận chuyển hành khách; danh sách tổ bay;…

Người làm thủ tục phải nộp các chứng từ bản giấy (bản chính) sau cho các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không: Tờ khai chung hàng không (bao gồm khai báo y tế) nộp cho tổ chức kiểm dịch y tế biên giới; Giấy khai báo y tế thi thể, hài cốt, tro cốt (nếu có) nộp cho tổ chức kiểm dịch y tế biên giới; Giấy khai báo y tế mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người (nếu có) nộp cho tổ chức kiểm dịch y tế biên giới.

Người làm thủ tục phải xuất trình các chứng từ bản giấy (bản chính) sau cho cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực của hành khách; hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực của tổ bay xuất trình cho Công an cửa khẩu…

  1. Hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh

Ngày 27/9/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 96/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có hiệu lực 11/11/2017), theo đó: Sửa đổi, bổ sung  điểm h khoản 2 Điều 5 Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:

“Lệ phí đăng ký kinh doanh là khoản thu đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã”.

Các nội dung khác liên quan đến phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đề cập tại Thông tư này vẫn được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quy định mới thì lệ phí đăng ký kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này và mức thu đối với cá nhân, nhóm cá nhân được áp dụng theo mức thu lệ phí đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

  1. Tăng trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân xuất ngũ

Theo  Thông tư 242/2017/TT-BQP hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (có hiệu lực 20/11/2017), theo đó: từ ngày 01/7/2017, mức trợ cấp hàng tháng của các đối tượng quy định trên được điều chỉnh tăng thêm 7,44% so với mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2017, được thực hiện theo công thức sau:

Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng từ ngày 01/7/2017

= Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 6/2017

X 1,0744

Mức trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng trên sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau: Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 1.650.000 đồng/tháng.

Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 1.725.000 đồng/tháng.

Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 1.800.000 đồng/tháng.

Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 1.875.000 đồng/tháng.

Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 1.950.000 đồng/tháng.

  1. Quy định mới về thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật

Ngày 20/9/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg  Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, có hiệu lực từ ngày 04/11/2017, theo đó thành viên Hội đồng phối hợp cấp tỉnh, cấp huyện có sự thay đổi, cụ thể:

Ủy viên hội đồng là lãnh đạo cơ quan công an, cơ quan quân sự, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Đài phát thanh và truyền hình.

Mời lãnh đạo các cơ quan, tổ chức: Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự, Tuyên giáo, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ CHí Minh, Hội Luật gia, Hiệp hội doanh nghiệp làm ủy viên Hội đồng. Đối với địa phương có đường biên giới thì mời đại diện lãnh đạo cơ quan Bộ đội biên phòng làm Ủy viên Hội đồng.

Đối với Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh mời đại diện lãnh đạo Hội Luật sư tham gia ủy viên hội đồng.

So với Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg thì Quyết định 42/2017/QĐ-TTg mở rộng thành phần, không chỉ giới hạn một số cơ quan chuyên môn mà đã mở rộng tất cả các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện là Ủy viên hội đồng, bổ sung thêm các cơ quan Tư pháp ở địa phương (Viện Kiểm sát, Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự), Bộ đội biên phòng.

 

 

 

 

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *