Vướng mắc: Khoản 4 Điều 3 Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt đất đai

Ngày 04/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai, có hiệu lực từ ngày 04/10/2024 thay thế cho Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;Nghị định 04/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.

Vi phạm trước 15/10/1993 không còn thời hiệu xử phạt

Theo đó, tại khoản 4 Điều 3 thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau: ” Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì không xử lý theo quy định tại Nghị định này.”

Hết thời hiệu vẫn xác định có vi phạm

Quy định nêu trên dẫn đến 02 cách hiểu khác nhau: Có ý kiến cho rằng hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà có hành vi vi phạm trên lĩnh vực đất đai thì xác định vẫn có vi phạm trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận hoặc hồ sơ phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, sẽ không áp dụng Nghị định 123/2024/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính.

Điểm mới của Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai
Vướng mắc: Khoản 4 Điều 3 Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt đất đai

Việc xác nhận có vi phạm pháp luật đất đai sẽ làm cơ sở để tính tiền sử dụng đất theo Điều 11 của Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 88/2024/NĐ-CP.

Trước 15/10/1993,  không xem là vi phạm

Tuy nhiên, đa số ý kiến lại cho rằng, theo quy định tại khoản 4 Điều 3 nêu trên thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà chưa có văn bản xử lý thì xem như không vi phạm pháp luật về đất đai, bởi vì:

Theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn

+ Theo Điều 239, Luật Đất đai 2024 quy định Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì:Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, vi phạm pháp luật đất đai phải bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

+ Theo điểm c khoản 2 Điều 122 Luật Đất đai 2024, quy định Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai hoặc có vi phạm quy định của pháp luật về đất đai nhưng đã chấp hành xong quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm đề nghị giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Việc xác định người sử dụng đất vi phạm quy định của pháp luật về đất đai áp dụng đối với tất cả các thửa đất đang sử dụng trên địa bàn cả nước.

Theo quy định trên thì không vi phạm hoặc vi phạm thì phải bị xử phạt và chấp hành xong quyết định xử phạt.

+ Tại điểm e, l khoản 1 Điều 28 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai, thì Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu, thì:

“Đối với người đang sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì hồ sơ gồm:

e) Giấy tờ liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với trường hợp có vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

l) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 6 Điều 25 của Nghị định này thì nộp Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó có thể hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký đất đai; chứng từ nộp phạt của người sử dụng đất”

Theo quy định trên thì trường hợp có vi phạm thì trong hồ sơ cấp giấy phải có giấy tờ liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.

Xác định vi phạm phải có hồ sơ xử lý

+ Nếu theo quan điểm thứ nhất thì chỉ cần trong xác nhận nguồn gốc đất nếu hộ gia đình, cá nhân có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 15/10/1993 thì ghi rõ có vi phạm. Cách hiểu này chưa phù hợp với Luật Đất đai và Luật Xử lý vi phạm hành chính, vì thẩm quyền xác định hộ gia đình, cá nhân có vi phạm pháp luật hay không là thuộc thẩm quyền cá nhân của Chủ tịch UBND cấp xã trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính, còn việc xác nhận nguồn gốc đất là của UBND cấp xã. Do đó, UBND cấp xã không có thẩm quyền và cơ sở để xác nhận hộ gia đình, cá nhân là có vi phạm pháp luật đất đai nếu không có hồ sơ xử lý vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cấp huyện hoặc cơ quan khác cung cấp.

Thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND theo Luật Đất đai 2024
Thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND theo Luật Đất đai 2024

Theo quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Theo Báo cáo số 189/BC-BTNMT ngày 18/6/2024 của Bộ TNMT về Đánh giá tác động chính sách của Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì:

2. Chính sách 2: Quy định vi phạm pháp luật đất đai nhưng không bị xử lý: Vi phạm pháp luật đất đai đã xảy ra trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 và chưa có văn bản ghi nhận hoặc xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm đó thì không bị xử phạt và không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

2.1. Xác định vấn đề

Đất đai có nguồn gốc rất phức tạp; chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; việc quy định các chính sách trong quản lý và sử dụng đất đai là vô cùng nhạy cảm và khó khăn vì các chính sách này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng người sử dụng đất.

Giải quyết các vấn đề xã hội là một trong những chủ trương và giải pháp lớn để phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Chính sách, pháp luật về đất đai với tầm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội đã có những đóng góp tích cực trong việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội;
Luật Đất đai năm 2013 cũng đã quy đinh đối với việc người dụng đất ổn định trước 15 tháng 10 năm 1993 mà có các giấy tờ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hoặc các giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo quyền cho người sử dụng đất. Nghị định số 43/2014/NĐ – CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ cũng đã quy định xử lý cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014. Tuy nhiên, tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai còn chưa có các quy định nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người sử dụng đất mà có vi phạm trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.

Theo quy định tại Điều 236 Bộ Luật Dân sự thì người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Do đó, tại khoản 4 Điều 3 của Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bổ sung quy định vi phạm pháp luật đất đai đã xảy ra trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 và chưa có văn bản ghi nhận hoặc xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm đó thì không bị xử phạt và không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

2.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề

– Thể chế đầy đủ Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất

– Rà soát các quy định của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng   năm 2019 và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai 2024.

Bài giảng Luật Đất đai năm 2024
Luật Đất đai 2024

– Nhằm cắt đứt các vi phạm đã tồn tại trong lịch sử trước khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực và phù với quy định của pháp luật về dân sự.

2.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề

a) Giải pháp 1: Giữ như quy định của Nghị định số Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

b) Giải pháp 2: Quy định giải quyết chấm dứt các vi phạm đã tồn tại trong lịch sử trước khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực và phù với quy định của pháp luật về dân sự, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho người sử dụng đất từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.

2.4. Đánh giá tác động của các giải pháp

2.4.1. Giải pháp 1: Giữ như quy định của Nghị định số Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

a) Tác động về kinh tế, xã hội:
Đối với Nhà nước: khó khăn trong công tác hoạch định chính sách để quản lý và xác định hành vi vi phạm đối với các vi phạm trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.

Đối với người đang sử dụng đất: gây khó khăn, phức tạp cho người sử dụng đất đối với những trường hợp đất đã sử dụng từ lâu 30 năm và đất của cha ông để lại. Hiện nay, tình trạng vướng mắc ở những hồ sơ xử phạt và cấp Giấy nhận quyển sử dụng đất cho người sử dụng đất là rất nhiều.

b) Tác động về giới: Giải pháp không phát sinh các vẫn đề liên quan đến giới

c) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.

d) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ dẫn đến các quy định của Nghị định cũ không phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024, Bộ Luật Dân sự năm 2015.

2.4.2. Giải pháp 2: Quy định vi phạm pháp luật đất đai nhưng không bị xử lý: Vi phạm pháp luật đất đai đã xảy ra trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 và chưa có văn bản ghi nhận hoặc xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm đó thì không bị xử phạt và không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

a) Tác động về kinh tế, xã hội:

Đối với Nhà nước: Giải pháp này giúp tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Đất đai năm 2024. Quy định giải quyết chấm dứt được các vi phạm đã tồn tại trong lịch sử trước ngày 15 tháng 10 năm 1993… giải quyết được tình trạng vướng mắc ở những hồ sơ xử phạt và cấp Giấy nhận quyền sử dụng đất còn tồn đọng ở các địa phương là rất nhiều…

Đối với nhân dân: Tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, phức tạp cho người sử dụng đất đối với những trường hợp đất đã sử dụng từ lâu (30 năm) và đất của cha ông để lại.

b) Tác động về giới: Giải pháp không phát sinh các vẫn đề liên quan đến giới.

c) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.

d) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất đối với quy định của pháp luật về đất đai và phù với quy định của pháp luật về dân sự…

2.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn

– Trên cơ sở phân tích và đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chon giải pháp 2 vì giải pháp này nhằm cắt đứt các vi phạm đã tồn tại trong lịch sử trước khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực và phù với quy định của pháp luật về dân sự (chiếm hữu ngay tình 30 sẽ được pháp
luật thừa nhận)..

Thực tế lịch sử đã tồn tại rất nhiều trường hợp đang sử dụng đất do khai hoang, do lấn, chiếm, mua bán… nhưng do pháp luật đất đai quy định còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp; các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai được ban hành nhiều nhưng còn thiếu đồng bộ, có mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất giữa pháp Luật đất đai với các pháp luật khác. Việc phân cấp thẩm quyền trong quản lý đất đai chưa đi đôi với quy định cơ chế bảo đảm quản lý thống nhất của Trung ương; mặt khác chưa phù hợp với năng lực thực hiện pháp luật của địa phương. Chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai còn thiếu và chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

– Thẩm quyền quyết định chính sách là Chính phủ

Trên đây là những cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, liên quan đến hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà  chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày 01/8/2024.

Trangtinphapluat.com rất mong nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Ý kiến góp ý vui lòng để ở mục bình luận bên dưới bài viết.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *