8 vướng mắc của Nghị định 16/2022/NĐ-CP xử phạt lĩnh vực xây dựng

Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc những vướng mắc trong quá trình thi hành Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tế và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan.

1. Về xác định hành vi vi phạm

a) Về xác định hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 16:

– Khoản 3 Điều 16 quy định xử phạt đối với hành vi không thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng là không cần thiết vì thực chất hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp thì đương nhiên chưa điều chỉnh giấy phép xây dựng (quy định tại Khoản 4 và Khoản 6 Điều 16).

– Việc xác định hành vi hành vi vi phạm đối với trường hợp không xin phép xây dựng theo khoản 7 Điều 16 và xây dựng trên đất không đúng mục sử dụng đất theo khoản 11 Điều 16 chưa được quy định rõ ràng, cụ thể nên dễ nhầm lẫn trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính.

– Tại khoản 9 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định “Xử phạt đối với hành vi xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị” nêu chưa được cụ thể, rõ ràng còn mang tính chung chung. Do đó trong quá trình thực hiện rất khó áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này.

Quy trình xử phạt hành chính lĩnh vực trật tự xây dựng
Những vướng mắc của Nghị định 16/2022/NĐ-CP xử phạt lĩnh vực xây dựng

– Tại Khoản 11 Điều 16 quy định: “11. Đối với các công trình xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì xử phạt theo quy định tại nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”.

Quy định như vậy dẫn đến lúng túng trong việc xác định  01 công trình xây dựng trên 01 phần đất ở, 01 phần đất nông nghiệp thì xử lý 01 hành vi hay 02 hành vi…). Đồng thời, đối với trường hợp xây dựng công trình trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì việc xác định mục đích sử dụng đất gặp khó khăn nên các địa phương lúng túng trong việc xác định mục đích sử dụng đất để lập hồ sơ xử lý.

– Đối với công trình sai phép (mà hành vi vi phạm đã kết thúc) áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là không cho điều chỉnh giấy phép, buộc phá dỡ công trình, phần công trình vi phạm (điểm c khoản 15 Điều 16), trong khi đối với công trình sai phép đang thi công thì biện pháp khắc phục hậu quả là điều chỉnh giấy phép (khoản 16 Điều 16). Theo quy định này, để kéo dài thời gian khắc phục hậu quả, người vi phạm có khả năng đối phó bằng cách công trình cơ bản hoàn thành nhưng không lắp đặt một vài hạng mục công trình (như lát gạch, cửa, lan can…) để được xem là công trình chưa hoàn thành, từ đó có điều kiện điều chỉnh giấy phép.

– Theo quy định tại khoản 17 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP có thể được hiểu là các trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng thì bị coi là hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp. Đồng thời, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 98 Luật Xây dựng năm 2014 quy định: “Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính”. Trên thực tế có nhiều công trình xây dựng giảm về diện tích, số tầng so với GPXD được cấp trong khu vực khu dân cư tự chỉnh trang không có quy chế quản lý kiến trúc.

– Tại khoản 17 Điều 16 quy định: “Trường hợp xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp nhưng không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng thì không bị coi là hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp”.  Thực tế có hành vi xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp (ví dụ xây dựng diện tích nhỏ hơn, thấp tầng hơn, giảm chiều cao) nhưng thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 98 Luật Xây dựng mà không điều chỉnh thì bị coi là hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.

Quyết định 24/2021/QĐ-UBND Về việc Quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Quy định về cấp giấy phép xây dựng

– Thực tế các địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, xử lý các trường hợp nhà ở riêng lẻ đang thi công xây dựng, có dấu hiệu ngăn phòng, chuyển đổi công năng sử dụng một phần hoặc toàn bộ thành cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, lưu trú;

b) Về xác định hành vi trong các quy định khác của Nghị định 16

– Trên thực tế có dự án được cấp giấy phép xây dựng cho nhiều hạng mục công trình, trong quá trình triển khai chủ đầu tư thi công nhiều hạng mục không phép, sai phép. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 quy định: “Tổ chức, cá nhân thực hiện cùng một hành vi vi phạm hành chính tại nhiều công trình, hạng mục công trình thuộc một dự án mà chưa bị xử phạt và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nay bị phát hiện thì bị coi là vi phạm hành chính nhiều lần. Vi phạm hành chính nhiều lầ thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”. Do đó cần quy định rõ hơn trường hợp này là xử lý vi phạm một hành vi đối với dự án hay xử lý nhiều hành vi đối với từng hạng mục công trình.

 2. Mức xử phạt

– Mức xử phạt đối với một số hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ có vi phạm tương đối cao nên gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi xử lý vi phạm.

– Đối với công trình xây dựng cấp II do Sở Xây dựng cấp phép và quản lý trật tự xây dựng. Tuy nhiên mức xử phạt đối với hành vi không phép, sai phép, sai quy hoạch đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng vượt thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở gây khó khăn cho việc xử phạt vi phạm hành chính không kịp thời.

– Quy định về thẩm quyền xử phạt tiền vi phạm hành chính đối với chức năng Chủ tịch UBND xã, phường còn thấp dẫn đến trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

 3. Về các biện pháp xử phạt bổ sung

Cần bổ sung biện pháp ngăn chặn (tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm) quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều 16 để đảm bảo khả năng thực thi quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

4. Các biện pháp khắc phục hậu quả

– Còn một số hành vi chưa quy định biện pháp khắc phục hậu quả (khoản 2 Điều 8; khoản 1, khoản 3 Điều 15; điểm đ khoản 4 Điều 17…) hoặc có trường hợp chỉ quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình xây dựng chưa khởi công hoặc đang thi công;

– Điểm c khoản 15 Điều 16 quy định biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8 Nghị định 16 trong trường hợp công trình đã được tổ chức thi công hoàn thành (hành vi vi phạm đã kết thúc) là buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.Tuy nhiên, trên thực tế công trình vi phạm đã hoàn thành nhưng phù hợp với các quy định về quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng, đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng nhưng vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; sau khi phá dỡ xong thì chủ đầu tư lại có thể tiếp tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh, dẫn đến gây lãng phí cho xã hội.

Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm
Cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả

– Một số biện pháp khắc phục hậu quả theo hướng yêu cầu đối tượng vi phạm hoàn tất các thủ tục nhưng trường hợp quá thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả mà đối tượng vi phạm chưa thực hiện xong quyết định thì không có quy định hướng dẫn thực hiện cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đó.

– Tại “Điều 14. Vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị” có quy định xử phạt đối với Chủ đầu tư dự án khu đô thị không thực hiện giám sát, kiểm tra kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp người dân tự xây dựng nhà ở trong khu đô thị trái phép; sử dụng công trình sai công năng và vi phạm các quy định về sử dụng nhà ở theo Luật Nhà ở; tuy nhiên tại khoản “3.3 Biện pháp khắc phục hậu quả”, quy định chưa gắn trách nhiệm của Chủ đầu tư.

– Khoản 5 Điều 16 và khoản 2 Điều 31 Nghị định số 16 chưa có quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận hoặc gây sụp đổ hoặc có nguy cơ sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng của người khác.

– Khoản 3 Điều 54 Nghị định số 16 quy định như sau “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép”. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 54 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 lại không quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này.

5 Về biện pháp thi hành quy định tại Điều 81

– Đối với một số công trình xây dựng mà vi phạm đã kết thúc, hoàn thành thi công xây dựng; mặc dù thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng, đồng thời phù hợp với các quy hoạch có liên quan; tuy nhiên không được quy định thời hạn để tổ chức, cá nhân đề nghị bổ sung, điều chỉnh giấy phép, thiết kế xây dựng mà buộc tháo dỡ công trình vi phạm ngay. Việc này gây khó khăn trong quá trình xử lý, lãng phí nguồn lực cho các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; đặc biệt đối với các công trình nhà ở riêng lẻ thì việc buộc phá dỡ công trình có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, đời sống của người dân và chưa có hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm dẫn đến khó khăn trong quá trình thực thi của cơ quan chuyên môn tại địa phương.

– Tại điểm c, khoản 15, Điều 16, quy định buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với các hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8 mà hành vi đã kết thúc. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định xử lý những trường hợp đang thi công xây dựng và không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép điều chỉnh (công trình xây dựng nằm trong khu vực đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện nhưng chưa có quyết định thu hồi đất) nên đã gây khó khăn trong việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

– Điều 81 Nghị định số 16 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện các trường hợp đang thi công mà vi phạm quy định về trật tự xây dựng và không được quy định là một hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 Nghị định 16 không phải là biện pháp khắc phục hậu quả, do đó khi tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo mẫu biên bản số 01 và khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo mẫu số 02 (biểu mẫu được ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021) 02 biểu mẫu nêu trên không có mục thể hiện để yêu cầu người vi phạm tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 Nghị định 16.

– Các hành vi vi phạm về kinh doanh bất động sản, quản lý, phát triển nhà mà có chiếm dụng tiền của khách hàng như: hành vi quy định tại điểm đ khoản 1, điểm đ khoản 3 và điểm đ khoản 4 Điều 58; điểm đ khoản 2 Điều 59; điểm c khoản 4 Điều 67…: đa số số lượng vốn chiếm dụng bất hợp pháp là rất lớn trong trường hợp quy mô dự án lớn. Mức phạt tiền quy định trong Nghị định chưa đủ sức răn đe.

– Đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chánh Thanh tra Sở ban hành có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm. Khi chủ thể vi phạm không tự thực hiện tháo dỡ, Thanh tra Sở phải tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt. Thực trạng rất khó thực hiện vì lực lượng ít, không đầy đủ điều kiện các lĩnh vực cần thiết để thực hiện cưỡng chế mà phải cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương như: y tế, công an, mặt trận, các Hội, Đoàn thể.

 6. Các nội dung khác

– Về thẩm quyền

+ Tại khoản 2, Điều 72 quy định “2. Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định này”. Về mặt nội dung, quy định rõ, chỉ “công chức” thuộc UBND các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng thì mới có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính mà không quy định đối với thành phần “viên chức” thuộc các cơ quan, đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ kiểm tra. Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện (Đội Quản lý trật tự giao thông, xây dựng và môi trường huyện) có chức năng, nhiệm vụ về công tác quản lý trật tự giao thông, xây dựng và môi trường, do đó việc quy định công chức mới có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính dẫn đến viên chức được giao nhiệm vụ kiểm tra không được lập biên bản.

+ Tại khoản 3, Điều 72 quy định “3. Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra”. Về mặt nội dung, quy định công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng mà không quy định công chức, Thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra hành chính các cấp; dẫn đến, trong quá trình triển khai thực hiện, cơ quan thanh tra hành chính (Thanh tra huyện) khi phát hiện vi phạm không đủ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính mà chỉ lập biên bản ghi nhận sự việc, sau khi ban hành Kết luận thanh tra mới kiến nghị Cơ quan chuyên môn về quản lý xây dựng cùng cấp, lập biên bản và tham mưu Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc tiến hành theo quy trình như trên, đồng nghĩa với việc vi phạm về thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính (Khoản 2, Điều 12, Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính là 02 ngày làm việc, kể từ khi phạt hiện hành vi vi phạm hành chính).

+ Thẩm quyền xử phạt của các chức danh chưa cao dẫn đến phải chuyển hồ sơ xử lý đến cấp có thẩm quyền làm tăng thủ tục hành chính và không kịp thời trong việc xử lý.

– Khoản 2 Điều 83 chưa phù hợp với khoản 2 Điều 84, bởi khoản 2 Điều 83 quy định “Trường hợp đang thực hiện hoặc chưa thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì tiếp tục thực hiện theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định cưỡng chế đã ban hành”, nhưng khoản 2 Điều 84 lại quy định “người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng…thay thế biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp”.

 7. Việc áp dụng Điều 81 về trình tự thực hiện quy định tại khoản 16 Điều 16:

– Khoản 1 Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định: “…Trong thời hạn 90 ngày đối với dự án đầu tư xây dựng, 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh và có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh.”.

Tuy nhiên, trên thực tế một số trường hợp vi phạm, để thực hiện các quy định trên phải thực hiện một số thủ tục có liên quan (chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, môi trường…) làm cơ sở để thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định. Do đó, việc yêu cầu khắc phục đảm bảo thời hạn nêu trên là không thể thực hiện được, dẫn đến khó khăn trong việc thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

– Tại khoản 1 Điều 81 chỉ đề cập thời hạn xử lý đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng và nhà ở riêng lẻ mà chưa quy định thời hạn hoàn thành hồ sơ đối với công trình xây dựng khác (công trình không thuộc đối tượng có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, công trình không thuộc đối tượng có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và không phải là nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân).

8. Về các nội dung chuyển tiếp quy định tại Điều 84 Nghị định số 16

– Trường hợp chủ đầu tư xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2013 và đến năm 2022 mới được phát hiện; công trình vi phạm đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 84, Nghị định số 16.

Đến thời điểm bị phát hiện hành vi vi phạm, chủ đầu tư không có năng lực tài chính để thực hiện việc nộp lại số lợi bất hợp pháp và có cam kết tự tháo dỡ công trình vi phạm trả lại hiện trạng ban đầu, nếu không thực hiện theo cam kết thì các ngành chức năng sẽ tiến hành xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 84, Nghị định số 16 và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 chỉ hướng dẫn việc nộp lại số lợi bất hợp pháp để được cơ quan nhà nước cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng mà không quy định việc chủ đầu tư tự tiến hành tháo dỡ công trình vi phạm.

– Tại khoản 5 quy định đối tượng vi phạm lập hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng sau khi hoàn thành các nghĩa vụ nộp lại số lợi bất hợp pháp, kiểm định chất lượng công trình là không cần thiết. Bởi lẽ, theo khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng thì giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình; trong khi đó các công trình vi phạm này đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cấp giấy phép xây dựng, giấy phép điều chỉnh nếu công trình vi phạm đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 1 Điều 84 là không phù hợp, vì các công trình vi phạm đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng, trong khi đó mục đích của việc cấp giấy phép xây dựng là để làm căn cứ cho việc xây dựng.

– Điều 84 chưa quy định trình tự, thủ tục xử lý đối với các công trình xây dựng hoàn thành vào thời điểm từ ngày 04/01/2008 trở về trước. Có nhiều trường hợp vi phạm xảy ra trước ngày Nghị định 118/2020/NĐ-CP có hiệu lực, đã lập thủ tục xử lý vi phạm hành chính (biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính,…) không đúng quy định, nên không thể thực hiện các bước xử lý tiếp theo được. Vì trước thời điểm Nghị định 118/2020/NĐ-CP có hiệu lực không có quy định cho phép xác minh lại và thu hồi, hủy bỏ, ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung, đính chính lại các quyết định xử phạt đã ban hành không đúng quy định.

9. Về xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

– Theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 16 thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động xây dựng là 02 năm kể từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 5, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động xây dựng được tính từ ngày bàn giao công trình, hạng mục công trình theo quy định. Tuy nhiên, thực tế có một số vi phạm thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm có thể xảy ra trước ngày bàn giao công trình, hạng mục công trình theo quy định (năng lực của các đơn vị tham gia thực hiện dự án; các vi phạm về lập hồ sơ thiết kế, dự toán …).

Thời hiệu xử phạt VPHC lĩnh vực đất đai
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

– Tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 16 quy định về thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động xây dựng được tính từ ngày bàn giao công trình, hạng mục công trình theo quy định. Đối với nhà ở riêng lẻ: “thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày hoàn thành công trình được ghi hợp đồng thi công xây dựng công trình (nếu có) hoặc ngày đưa công trình vào sử dụng”. Tuy nhiên, thực tế nhiều công trình nhà ở riêng lẻ không có hợp đồng thi công hoặc có hợp đồng thi công nhưng tại thời điểm ngày hoàn thành công trình được ghi trong hợp đồng thi công, công trình chưa xây dựng xong, chưa đưa vào sử dụng; hoặc chủ đầu tư đưa vào sử dụng nhưng không có biên bản nghiệm thu, bàn giao giữa các bên, không có hồ sơ chứng minh ngày đưa công trình vào sử dụng. Ngoài ra, ngày công trình đưa vào sử dụng chủ yếu dựa trên lời khai của chủ đầu tư, chưa có hướng dẫn là có xác nhận của Tổ trưởng tổ dân phố hay UBND cấp xã nơi có công trình xây dựng.

Rubi

Trích từ báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *