Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, có hiệu lực 01/01/2025 với Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
- So sánh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008: Chương I những quy định chung
- So sánh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008: Chương 2. Quy tắc giao thông đường bộ
- So sánh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008 – Phần 3
- So sánh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Giao thông đường bộ 2008 – : Chương 5. Tuần tra kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Đề cương tuyên truyền Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024
Trong bài viết này, trangtinphapluat.com sẽ giới thiệu những điểm mới trong Chương 6. Chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Chương 7. Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ
1. Về trung tâm chỉ huy giao thông
Đây là quy định mới của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 (Luật 2024), theo đó: Trung tâm chỉ huy giao thông có nhiệm vụ thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu về tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ phục vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên đường bộ; cung cấp thông tin về tình trạng giao thông cho người tham gia giao thông đường bộ; phục vụ điều hành hoạt động giao thông đường bộ trật tự, an toàn, thông suốt.
2. Giải quyết tình huống đột xuất gây mất trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ
Lần đầu tiên Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định về giải quyết tình huống đột xuất gây mất trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ, theo đó: Tình huống đột xuất gây mất trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ bao gồm: ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông đường bộ; hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thiên tai, cháy, nổ gây mất an toàn giao thông đường bộ; tình huống phức tạp về an ninh, trật tự trên đường bộ.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện tình huống nêu trên kịp thời báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc cơ quan quản lý đường bộ; trường hợp phát hiện vụ tai nạn giao thông đường bộ phải báo ngay cho cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 81 của Luật này; trường hợp tình huống đột xuất có thể gây mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải thực hiện biện pháp cảnh báo an toàn ngay cho người tham gia giao thông đường bộ biết.
3. Quy định cụ thể sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường vào mục đích khác
Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định chung: Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, quy định cụ thể các hoạt động sử dụng vỉa hè lòng đường như: Trường hợp cần thiết sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phục vụ sự kiện chính trị, hoạt động văn hoá, thể thao và mục đích khác, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phải có phương án sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè và được cơ quan có thẩm quyền cho phép; cơ quan cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè gửi thông báo ngay cho cơ quan Cảnh sát giao thông.
Như vậy, so với Luật 2008, Luật 2024 đã bổ sung phải có phương án sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường và phải thông báo cho Cảnh sát giao thông biết.
4. Giải quyết khắc phục ùn tắc giao thông
Đây là quy định mới của Luật 2024, theo đó Khi xuất hiện ùn tắc giao thông, phải tiến hành các biện pháp sau đây:
+ Cơ quan Cảnh sát giao thông có phương án chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, phòng ngừa ùn tắc giao thông;
+ Cơ quan quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định nguyên nhân của ùn tắc giao thông; có biện pháp giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết;
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý đường bộ thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giải quyết, khắc phục ùn tắc giao thông.
5. Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông
Về cơ bản, Luật năm 2024 kế thừa các quy định của Luật 2008 về trách nhiệm của Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn; Người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ …
Bổ sung quy định Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông đường bộ, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ; Người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ chỉ được sử dụng phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ để đưa nạn nhân đi cấp cứu trong trường hợp không có phương tiện nào khác nhưng phải xác định vị trí phương tiện, vị trí nạn nhân tại hiện trường, không được làm thay đổi, mất dấu vết liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ. Trường hợp có người chết phải giữ nguyên hiện trường và che đậy thi thể.
6. Phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn giao thông đường bộ
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 bên cạnh kế thừa các quy định về trách nhiệm của cơ quan Công an, UBND cấp xã nơi xảy ra tai nạn, còn bổ sung trách nhiệm của Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện vụ tai nạn giao thông đường bộ phải báo ngay cho cơ quan Công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cứu ban đầu người bị tai nạn do tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất; thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn, chất ma túy hoặc các chất kích thích khác trong máu của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ điều kiện xét nghiệm, phải lấy mẫu máu bảo quản và chuyển mẫu máu theo đúng quy định đến cơ sở xét nghiệm.
Doanh nghiệp bảo hiểm đối với người, phương tiện, tài sản liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ khi nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông đường bộ phải cử người trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện của doanh nghiệp đến hiện trường phối hợp với đơn vị giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ.
7. Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ
Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, theo đó Nguyên tắc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ được quy định như sau:
+ Tất cả các vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra phải được điều tra, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, đúng quy định của pháp luật;
+ Người gây tai nạn giao thông đường bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;
+ Các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm phối hợp giải quyết…
Đối với tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm, việc điều tra, giải quyết thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự và pháp luật về tố tụng hình sự.
8. Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ
Đây là quy định mới của Luật năm 2024, theo đó Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ.
Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ được chi cho các hoạt động sau đây:
+ Hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân do tai nạn giao thông đường bộ gây ra; tổ chức, cá nhân giúp đỡ, cứu chữa, đưa người bị tai nạn giao thông đường bộ đi cấp cứu;
+ Hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ mà không được Nhà nước bảo đảm kinh phí.
Rubi