Tại Khoản 4 Điều 92 và Khoản 1 Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn
Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Vướng mắc phát sinh ở đây là nếu trong 6 tháng đối tượng vi phạm 02 lần trộm cắp tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chỉ bị xử phạt hành chính 1 lần hoặc chưa bị xử phạt hành chính lần nào thì có bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo Khoản 4 Điều 92 và Khoản 1 Điều 94 hay không?
Nhiều ý kiến cho rằng để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn hay áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì hành vi vi phạm trong 6 tháng đó phải bị xử phạt vi phạm hành chính, lúc đó mới có cơ sở xác định họ vi phạm pháp luật, thời điểm và hành vi vi phạm.
Một số ý kiến cho rằng: Tại khoản 4 Điều 92 và Khoản 1 Điều 94 chỉ quy định chung chung là trong 6 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo…nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường; biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Như vậy, trong trường hợp đối tượng có hành vi vi phạm nêu trên từ 2 lần trở lên trong 6 tháng không nhất thiết phải bị xử phạt vi phạm hành chính hay chưa đều có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, để có cơ sở xác định hành vi vi phạm của đối tượng thì cơ quan có thẩm quyền phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ thể hiện trong vòng 6 tháng đối tượng đã thực hiện 2 lần hành vi trộm cắp, lừa đảo…
Người viết đồng tình với quan điểm thứ nhất, tức là hành vi vi phạm phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bởi lẽ tại Khoản 4 Điều 92 và Khoản 1 Điều 94 đều nói rõ “hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Quy định này có nghĩa là hành vi đó ở mức vi phạm hành chính và phải bị xử phạt. Tại Khoản 1 Điều 2 Luật XLVPHC quy định: Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, trường hợp các đối tượng có 2 lần vi phạm trở lên trong 6 tháng nhưng có 1 lần chưa bị xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính (vì vẫn còn thời hiệu) để đảm bảo mọi hành vi vi phạm hành chính phải bị xử lý kịp thời, sau đó mới làm thủ tục giáo dục tại xã phường thị trấn hoặc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Như thế, vừa đảm bảo hành vi vi phạm hành chính phải bị xử lý, vừa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc (xác định rõ hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm, mức độ vi phạm) để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Quốc Sử