- Thông tư liên tịch Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
Ngày 02/6/2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch số: 2162/VBHN-BLĐTBXH Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Thông tư liên tịch này hướng dẫn thủ tục chuyển mức và hệ số đối với đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội; chế độ hỗ trợ đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp được nhận chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; mẫu hồ sơ, kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp xã hội; nội dung và mức chi cho công tác quản lý đối tượng; thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội và trách nhiệm của các cơ quan.
Thông tư áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, gia đình và cá nhân sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
- Tăng trợ cấp đối với người có công
Ngày 06/6/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2017/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định này được tăng từ 1.318.000 đồng lên 1.417.000 đồng.
Cụ thể, Nghị định số 70/2017/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, mức phụ cấp, trợ cấp của một số đối tượng người có công như sau: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 diện thoát ly mức trợ cấp 1.583.000 đồng/tháng, phụ cấp 268.000/1 thâm niên; diện không thoát ly mức trợ cấp 2.688.000 đồng/tháng. Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 từ trần 1.417.000 đồng/tháng.
Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 được trợ cấp 1.465.000 đồng/tháng. Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 từ trần là 795.000 đồng/tháng.
Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là 1.417.000 đồng/tháng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ là 2.834.000 đồng/tháng; đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên, mức trợ cấp là 4.251.000 đồng/tháng; trợ cấp tiền tuất đối với vợ hoặc chồng liệt sỹ lấy chồng hoặc lấy vợ khác (diện không hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng) là 1.417.000 đồng/tháng.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ như trên) được hưởng phụ cấp 1.188.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp đối với người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình là 1.417.000 đồng/tháng.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng trợ cấp 1.188.000 đồng/tháng.
Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được trợ cấp thương tật từ 955.000 đồng/tháng – 4.543.000 đồng/ tháng tùy tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.
Thương binh loại B được trợ cấp thương tật từ 788.000 đồng/tháng đến 3.759.000 đồng/tháng tùy tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2017.
Nghị định số 20/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017.
Các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01/7/2017.
- Quyết định số 2003/QĐ – UBND ngày 05/06/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam về Ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Nhằm tăng cường công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật, ngày 05/6/2017, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2003/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính (QLXLVPHC) và theo dõi tình hình thi hành pháp luật (TDTHTHPL) trên địa bàn tỉnh.
Quy chế quy định các nguyên tắc, nội dung, hình thức, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác QLXLVPHC và TDTHTHPL trên địa bàn tỉnh.
* Nguyên tắc phối hợp: Tuân thủ quy định của pháp luật; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời và hiệu quả nhằm thực hiện tốt công tác QLXLVPHC và TDTHTHPL; Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, kịp thời phát hiện các quy định không còn phù hợp, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ; Hoạt động phối hợp dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan và không làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của các cơ quan có liên quan.
* Hình thức phối hợp: Trao đổi ý kiến bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì và theo nội dung tại Quy chế này; Tổ chức họp liên ngành, hội thảo, hội nghị chuyên đề, sơ kết, tổng kết;Thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra, khảo sát và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
* Nội dung phối hợp: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về XLVPHC và TDTHTHPL; Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; thanh tra, kiểm tra; xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC; điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; xây dựng kế hoạch; thống kê, báo cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, Quy chế còn quy định trách nhiệm cụ thể của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên; TAND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trong việc triển khai và phối hợp triển khai thực hiện công tác QLXLVPHC và TDTHTHPL theo các nội dung của Quy chế này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 05/6/2017.
- Quyết định số 2002/QĐ – UBND ngày 05/6/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam về Ban hành Chương trình hành động về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 – 2020 nhằm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04/11/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ Năm (khóa XXI)
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ Năm (khóa XXI) về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; ngày 05/6/2017, tại Quyết định số 2002/QĐ-UBND, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 với những nội dung chính như sau:
Chương trình hành động được ban hành nhằm nâng cao hiểu biết về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác, chế biến, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang (sau đây gọi tắt là CBCC), doanh nghiệp và nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và hành động để cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư cùng tham gia tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, giám sát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; Các hành vi vi phạm của doanh nghiệp được cấp phép; thăm dò, khai thác khoáng sản (sau đây gọi tắt là KTKS) trái phép; bao che, tiếp tay hoặc cho phép thăm dò, KTKS, thuê đất, sử dụng đất để tập kết, kinh doanh khoáng sản không đúng quy định pháp luật đều được phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời; Đến năm 2018, 100% các nhà máy chế biến khoáng sản trên địa bàn sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp; kiểm soát được sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các doanh nghiệp được cấp phép; thu đầy đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, tiền thuê đất phát sinh từ hoạt động KTKS.
Với quan điểm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị; trong đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và nhân dân nơi có khoáng sản giữ vai trò nòng cốt; Việc quy hoạch, cấp phép, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản phải bảo đảm nguyên tắc: Hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, bảo vệ được môi trường, cảnh quan, di tích, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên khác; bảo đảm quốc phòng – an ninh; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; Tập trung chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản phải trở thành quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vì sự phát triển lâu dài của tỉnh…UBND tỉnh đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện: Xác định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản; Nâng cao trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị về quản lý, bảo vệ khoáng sản; Hoàn thiện văn bản pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản và lĩnh vực khác có liên quan; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tập huấn pháp luật khoáng sản và văn bản khác có liên quan; Hoàn thành công tác khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; Rà soát các quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản và các khu vực không đấu giá quyền KTKS đã được UBND tỉnh phê duyệt để điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật hiện hành; Thực hiện nghiêm quy định đấu giá quyền KTKS, thu tiền cấp quyền KTKS, cấp phép hoạt động khoáng sản; Tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến đến chấm dứt tình trạng KTKS trái phép Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của hoạt động khoáng sản được cấp phép…
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện Chương trình hành động này đạt kết quả. Định kỳ hằng năm, các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo tình hình thực hiện Chương trình hành động về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 15/12 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện nội dung nào cần điều chỉnh, bổ sung thì chủ động báo cáo UBND tỉnh để xem xét, quyết định. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt Chương trình hành động này đến các Phòng, Ban và UBND các xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động, định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/12 để theo dõi, chỉ đạo.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 05/6/2017.
- Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 08/06/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam về Ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước trong quản lý chất lượng thi công công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Quyết định áp dụng đối với các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực; UBND xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Quyết định quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị trong quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng. Trong đó Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thực hiện.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 18/6/2017. Bãi bỏ công văn số 995/UBND-KTN ngày 16/3/2015 của UBND tỉnh về việc thực hiện Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 3117/QĐ-UBND ngày 09/10/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo tuphaptamky.gov.vn