Trangtinphapluat.com biên soạn, tổng hợp giới thiệu tới bạn đọc những văn bản quan trọng có hiệu lực trong tháng 12/2018 như: Hướng dẫn bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ…
1. Thời hạn thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đối với học sinh, sinh viên
Ngày 17/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018, theo đó Thời hạn thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đối với học sinh, sinh viên quy định như sau:
+ Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hằng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó:
– Đối với học sinh lớp 1: Giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 01 tháng 10 năm đầu tiên của cấp tiểu học;
– Đối với học sinh lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 9 của năm đó.
+ Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hằng năm cho học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó:
– Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng;
– Đối với học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
2. Bổ sung đối tượng được miễn học phí
Ngày 16/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 145/2018/NĐ-CP bổ sung Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, có hiệu lực 01/12/2018, theo đó bổ sung đối tượng được miễn học phí như sau:
Trẻ em học lớp mẫu giáo 05 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.
3. Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Ngày 15/10/2018, CHính phủ ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có hiệu lực 01/12/2018, theo đó:
+ Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
+ Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
3. Quy định mới về tiêu chuẩn Giáo viên dạy thực hành lái xe
Ngày 08/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 138/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, có hiệu lực 01/12/2018, theo đó giáo viên dạy thẹ hành lái xe phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
+ Có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2;
+ Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 03 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển;
+ Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Thời hạn thanh toán quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
Ngày 24/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động, có hiệu lực ngày 15/12/2018, theo đó thời hạn thanh toán quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt, thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
+ Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;
+ Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo Điều 44 của Bộ luật lao động hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo Điều 45 của Bộ luật lao động.”
5. Chính sách lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 2018-2021
Ngày 07/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP Quy định chính sách điều chỉnh lương hưuđối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, có hiệu lực từ ngày 24/12/2018, theo đó:
Lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng tùy thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, mức lương hưu được điều chỉnh bằng mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014cộng với mức điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 153/2018/NĐ-CP.
Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 153/2018/NĐ-CP thì: Mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, cụ thể như sau:
Chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 2018-2021
Thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội | Tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu: | |||
Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | |
20 năm | 7,27% | 5,45% | 3,64% | 1,82% |
20 năm 01 tháng – 20 năm 06 tháng | 7,86% | 5,89% | 3,93% | 1,96% |
20 năm 07 tháng – 21 năm | 8,42% | 6,32% | 4,21% | 2,11% |
21 năm 01 tháng – 21 năm 06 tháng | 8,97% | 6,72% | 4,48% | 2,24% |
21 năm 07 tháng – 22 năm | 9,49% | 7,12% | 4,75% | 2,37% |
22 năm 01 tháng – 22 năm 06 tháng | 10,00% | 7,50% | 5,00% | 2,50% |
22 năm 7 tháng – 23 năm | 10,49% | 7,87% | 5,25% | 2,62% |
23 năm 01 tháng – 23 năm 06 tháng | 10,97% | 8,23% | 5,48% | 2,74% |
23 năm 07 tháng – 24 năm | 11,43% | 8,57% | 5,71% | 2,86% |
24 năm 01 tháng – 24 năm 06 tháng | 11,88% | 8,91% | 5,94% | 2,97% |
24 năm 07 tháng – 25 năm | 12,31% | 9,23% | 6,15% | 3,08% |
25 năm 01 tháng – 25 năm 06 tháng | 10,91% | 8,18% | 5,45% | 2,73% |
25 năm 07 tháng – 26 năm | 9,55% | 7,16% | 4,78% | 2,39% |
26 năm 01 tháng – 26 năm 06 tháng | 8,24% | 6,18% | 4,12% | 2,06% |
26 năm 07 tháng – 27 năm | 6,96% | 5,22% | 3,48% | 1,74% |
27 năm 01 tháng – 27 năm 06 tháng | 5,71% | 4,29% | 2,86% | 1,43% |
27 năm 07 tháng – 28 năm | 4,51% | 3,38% | 2,25% | 1,13% |
28 năm 01 tháng – 28 năm 06 tháng | 3,33% | 2,50% | 1,67% | 0,83% |
28 năm 07 tháng – 29 năm | 2,19% | 1,64% | 1,10% | 0,55% |
29 năm 01 tháng – 29 năm 06 tháng | 1,08% | 0,81% | 0,54% | 0,27% |
6. Sửa đổi quy định về cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện
Ngày 07/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 150/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, có hiệu lực 24/12/2018.
Theo đó quy định vềcấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện như sau:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện bằng tiếng Việt (trường hợp hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch sang tiếng Việt được công chứng) gửi Bộ Thông tin và Truyền thông gồm có: Đơn đề nghị cấp giấy phép; văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận nhà xuất bản, tổ chức phát hành xuất bản phẩm đang hoạt động hợp pháp tại nước đặt trụ sở chính; bản sao có chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu bằng tốt nghiệp đại học trở lên, phiếu lý lịch tư pháp và sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ chứng minh được phép thường trú tại Việt Nam của người đứng đầu văn phòng đại diện do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
7. Mức hỗ trợ tập huấn, thi đấu đối với vận động viên
Ngày 07/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 152/2018/NĐ-CP quy định về chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu, có hiệu lực 24/12/2018.
Theo đó tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu đối với vận động viên đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng tiền hỗ trợ theo ngày thực tế tập huấn, thi đấu như sau:
+ Vận động viên đội tuyển trẻ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 75.000 đồng/người/ngày;
+ Vận động viên đội tuyển năng khiếu ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 55.000 đồng/người/ngày.
8. Quy định về tham gia phiên tòa của người đại diện khi xét xử có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi
Ngày 21/9/2018, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Theo đó Việc tham gia phiên tòa của người đại diện, nhà trường, cơ quan, tổ chức được quy định như sau:
+ Những người sau đây phải có mặt tại phiên tòa theo quyết định của Tòa án:
– Người đại diện của người dưới 18 tuổi;
– Đại diện nhà trường nơi người dưới 18 tuổi học tập;
– Đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi lao động, sinh hoạt.
+Trường hợp những người nêu trên vắng mặt lần thứ nhất hoặc vắng mặt lần thứ hai vì lý do bất khả kháng, do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa.
Trường hợp những người nêu trên vắng mặt lần thứ hai không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhưng để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể hoãn phiên tòa.
8. Mức chi cho nhiệm vụ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Ngày 30/10/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 97/2018/TT-BTC hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có hiệu lực 15/12/2018.
Theo đó một số mức chi cụ thể như sau:
+ Chi viết, biên soạn và dịch tài liệu:
– Chi viết, biên soạn tài liệu: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC ngày 17/8/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
– Chi biên dịch tài liệu từ tiếng việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại: Thực hiện theo mức chi dịch thuật quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10/8/2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.
+ Chi hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, chi công tác phí đi chỉ đạo, kiểm tra, giám sát: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
+ Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình: Thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
9. Quyền của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Ngày 27/11/2018, UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành Quyết định 14/2018/QĐ-UBND Quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, có hiệu lực 10/12/2018.
Theo đó, Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có các quyền sau đây:
+ Sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích khai thác và khu vực được phép khai thác;
+ Tiến hành khai thác khoáng sản theo nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp;
+ Được thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong phạm vi diện tích, độ sâu được phép khai thác, nhưng phải thông báo khối lượng, thời gian thăm dò nâng cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trước khi thực hiện;
+ Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản đã khai thác theo quy định của pháp luật;
+ Đề nghị gia hạn, trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản;
+ Đề nghị chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản;
+ Khiếu nại, khởi kiện quyết định thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ đã được phê duyệt;
+ Quyền khác theo quy định của pháp luật
10. Quy định về quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập ở Quảng Nam
Ngày 22/11/2018, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 13/2018/QĐ-UBND Ban hành quy định về quản lý viên chức, lao động hợp động trong đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức Hội thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, có hiệu lực ngày 10/12/2018.
Theo đó, thẩm quyền tiếp nhận, điều động, luân chuyển, biệt phái viên chức quản lý, viên chức; ký, chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động được quy định như sau:
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
– Quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Hội được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập, Giám đốc, Phó Giám đốc bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến khu vực và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thuộc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm.
– Quyết định cử người làm đại diện giữ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhà nước.
+ Giám đốc Sở Nội vụ
– Thẩm định hồ sơ các đối tượng nêu trên, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
– Quyết định tiếp nhận viên chức công tác tại các địa phương, đơn vị ngoài tỉnh về làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.
– Quyết định điều động viên chức từ Sở, huyện, thị xã, thành phố này sang Sở, huyện, thị xã, thành phố khác hoặc đến công tác tại các địa phương, đơn vị ngoài tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (trừ những đối tượng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh).
11. Quy định về quản lý cán bộ, công chức, người lao động của tỉnh Quảng Nam
Ngày 22/11/2018, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND Về quản lý cán bộ, công chức, lao động hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước và người quản lý doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, có hiệu lực 10/12/2018.
Theo đó, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền:
– Quyết định nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương trở xuống (trừ Quyết định nâng bậc lương trước thời hạn, nâng bậc lương thường xuyên và phụ cấp thâm niên vượt khung, chuyển ngạch đối với Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở và tương đương, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện).
– Quyết định xếp lương, chuyển xếp ngạch, bậc lương đối với cán bộ, công chức cấp xã.
– Tiến hành trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức và lao động hợp đồng thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định…
rubi