Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc các văn bản pháp luật quan trọng có hiệu lực trong tháng 7/2021 như: Luật Cư trú, Luật Phòng, chống thiên tai; chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội; quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường…
1. 6 nhóm đối tượng được cấp miễn phí thuốc kháng HIV
Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020, có hiệu lực 01/7/2021, theo đó Nhà nước cấp miễn phí thuốc kháng HIV cho các đối tượng sau đây:
+ Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;
+ Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế;
+ Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tham gia cứu nạn;
+ Phụ nữ và trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;
+ Trẻ em dưới 06 tuổi nhiễm HIV;
+ Người nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác”.
2. Thẩm quyền ký thỏa thuận quốc tế
Luật Thỏa thuận quốc tế 2020, có hiệu lực 01/7/2021, theo đó Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ như sau:
+ Chủ tịch nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ.
3. Quy định mới về tách hộ để đăng ký thường trú
Luật cư trú 2020, có hiệu lực 01/7/2021, theo đó Thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;
+ Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này (Địa điểm không được đăng ký thường trú mới).
4. Quy định về lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã
Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020, có hiệu lực 01/7/2021, theo đó Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này: (a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai;b) Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền), bao gồm dân quân ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu; dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương.
5. Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho đối tượng bảo trợ xã hội
Ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực 01/7/2021, theo đóHỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở như sau:
+Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40.000.000 đồng/hộ.
+ Hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức tối thiểu 30.000.000 đồng/hộ.
+ Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối thiểu 20.000.000 đồng/hộ.
6. Quy định mới về thẩm quyền xử phạt hành chính lĩnh vực môi trường
Ngày 24/5/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực 10/7/2021, theo đó: Người không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định này thì không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tương ứng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm đó.
7. Giảm 50% lệ phí cấp căn cước công dân
Ngày 24/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47/2021/TT-BTC quy định về mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có hiệu lực 01/7/2021 và hết hiệu lực 31/12/2021, theo đó: Lệ phí cấp Căn cước công dân Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.
Rubi