- Bổ sung 15 chất ma túy dùng hạn chế trong y tế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất.
Theo đó, bổ sung 15 chất vào Danh mục II “Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền” gồm: 25B-NBOMe; 25C-NBOMe; 25I-NBOMe; 2C-H; 5-Meo-DiPT; 5-MeO-MiPT; AH-7921; AM-2201; JWH-018; JWH-073; JWH-250; MDPV; Mephedrone; Methylone; XLR-11.
Bên cạnh đó, bổ sung 2 chất: Alpha-phenyl acetoacetonitrile (APAAN) và Gamma-butyro lactone (GBL) vào Danh mục IV “Các tiền chất”.
Sửa tên Danh mục III thành “Các chất ma túy (quy định cũ là các chất hướng thần) được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.
- Quy định về quản lý hoạt động bay
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay. Theo đó, đường hàng không quốc tế, đường hàng không nội địa được thiết lập trên cơ sở: Nhu cầu giao lưu hàng không quốc tế; yêu cầu hoạt động bay nội địa; yêu cầu, khả năng cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; yêu cầu, khả năng quản lý và bảo vệ vùng trời; bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; phù hợp với quy hoạch phát triển ngành hàng không dân dụng Việt Nam và kế hoạch không vận của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
- Trợ cấp 1 lần đối với chuyên gia sang giúp Lào, Campuchia
Đây là nội dung tại Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg ngày 14/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Campuchia. Quyết định này quy định chế độ trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia tại Lào đến hết ngày 31/12/1988 và tại Campuchia đến hết ngày 31/8/1989.
Theo Quyết định mới, đối tượng được hưởng chế độ là những người làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Campuchia theo yêu cầu của bạn và công nhân viên đi làm nhiệm vụ phục vụ chuyên gia trên đất bạn gồm: Người đã nghỉ hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động nhưng chưa được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Quyết định số 87-CT ngày 1/3/1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chế độ, chính sách đối với cán bộ sang giúp Lào và Campuchia. Người đang công tác hoặc nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí hoặc người đã thôi việc.
Về hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp, cần có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về thời gian thực tế của đối tượng được cử sang làm chuyên gia tại Lào, Campuchia đối với đối tượng thiếu giấy tờ (Quyết định cử sang làm chuyên gia tại Lào, Campuchia; Quyết định về nước) hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao (kèm theo bản chính để đối chiếu) lý lịch Đảng viên hoặc lý lịch cán bộ, công chức, viên chức khai trước ngày 1/1/1995, mà trong đó có khai thời gian được cử làm chuyên gia tại Lào và Campuchia theo quy định.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/2/2016.
- Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất
Đây là một trong những nội dung được quy định trong Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg về Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất của Chính phủ mới ban hành. Nội dung này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016.
Theo Quyết định, đối tượng áp dụng là người lao động bị thu hồi đất gồm: 1- Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi (người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp); 2- Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở (người lao động bị thu hồi đất kinh doanh).
Các đối tượng trên sẽ được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm khi có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phải trong độ tuổi lao động. Cụ thể, người lao động bị thu hồi đất tham gia đào tạo nghề được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Đối với đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng thì được hỗ trợ học phí cho một khóa học. Mức học phí được hỗ trợ bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo quy định của pháp luật.
Người lao động còn được vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách quy định.
Về hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, Quyết định quy định người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm dịch vụ việc làm; đồng thời, được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Người lao động bị thu hồi đất kinh doanh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ như người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Cùng với đó, người lao động bị thu hồi đất còn được vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Quyết định cũng quy định rõ, người lao động bị thu hồi đất thuộc huyện nghèo được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của chính sách hỗ trợ các huyện nghèo. Người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài một lần theo chính sách quy định.
- NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn cho vay nhà ở xã hội
NHNN ban hành Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 09/12/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi đã có thay đổi, NHNN sẽ xác định và đề nghị mức lãi suất theo từng thời kỳ.
Cụ thể, theo Thông tư số 25/2015/TT-NHNN, lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định và công báo trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của NHNN trong từng thời kỳ.
Mức cho vay đối với xây dựng nhà ở xã hội để (i) cho thuê, mức cho vay tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư dự án, phương án vay và không vượt quá 80% giá trị tài sản đảm bảo; (ii) cho thuê mua, bán, mức cho vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư dự án, phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo.
Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà.
Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình, mức cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt 70% giá trị tài sản đảm bảo.
Về thời hạn cho vay, đối với khách hàng thuộc đối tượng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, thời hạn cho vay là 15 – 20 năm; thời hạn cho vay tối thiểu là 10 – 15 năm với khách hàng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, thời hạn; thời hạn 5 – 10 năm đối với khách hàng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán. Đối với khách hàng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm.
Thông tư 25 có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2015./.
- Quy định mới về cho vay bằng ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn như sau:
a- Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;
b- Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;
c- Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31/3/2016;
d- Cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn ngoài quy định trên thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định tại các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị và các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản theo trình tự, thủ tục quy định đối với từng trường hợp cụ thể.
Thông tư nêu rõ, khách hàng vay bằng ngoại tệ nào thì phải trả nợ gốc và lãi vốn vay bằng ngoại tệ đó. Trường hợp trả nợ bằng ngoại tệ khác, thì thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.
Trường hợp khi đến hạn trả nợ vay bằng ngoại tệ, do nguyên nhân khách quan dẫn đến nguồn ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay bị chậm thanh toán, khách hàng vay chưa có đủ ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc nguồn thu ngoại tệ hợp pháp khác để trả nợ vay và được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thẩm định, xác nhận bằng văn bản, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay bán ngoại tệ cho khách hàng để trả nợ vay và khách hàng vay cam kết khi nhận được ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ bán số ngoại tệ đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Đồng thời, bãi bỏ Thông tư số 43/2014/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.
- Quy định phương pháp tính, thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền sử dụng khu vực biển
Quy định phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền sử dụng khu vực biển vừa được Bộ Tài chính – Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn hành Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-TNMT ngày 07/12/2015 gồm có 3 chương 13 điều, Thông tư này có hiệu lực thi hành ngày 20/01/2016.
Quy định này hướng dẫn cụ thể: Phân loại các hoạt động sử dụng biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải nộp tiền sử dụng khu vực biển; diện tích phải nộp tiền sử dụng khu vực biển; khung giá áp dụng và mức thu tiền sử dụng khu vực biển; Phương thức thu và xác định số tiền sử dụng khu vực biển; trình tự, thủ tục thu nộp tiền sử dụng khu vực biển; chế độ quản lý, sử dụng tiền sử dụng khu vực biển và kinh phí cho nhiệm vụ giao khu vực biển; xử lý đối với các trường hợp gia hạn, trả lại khu vực biển, thu hồi khu vực biển; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác tính, thu, nộp tiền sử dụng khu vực biển.
Đối tượng áp dụng quy định này gồm: Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để khai thác,sử dụng tài nguyên biển theo quy định tại Nghị định số 51/2014/NĐ-CP; cơ quan quản lý nhà nước, cấp có thẩm quyền giao khu vực biển; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
- Quy định mới về đo đếm điện năng
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Thông tư số 42/2015/TT-BCT quy định đo đếm điện năng trong hệ thống điện; Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 18/01/2016 và bãi bỏ các nội dung quy định tại Chương IX Thông tư số 12/2010/TT-BCT và Chương II, Chương III và Chương IV Thông tư số 27/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định đo đếm điện năng trong thị trường phát điện cạnh tranh.
Thông tư áp dụng đối với các đối tượng sau: Đơn vị phát điện; Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia); Đơn vị bán buôn điện; Đơn vị truyền tải điện; Đơn vị phân phối điện; Đơn vị phân phối và bán lẻ điện; Đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến đo đếm điện năng (bao gồm: Đơn vị thí nghiệm, kiểm định; Đơn vị quản lý số liệu đo đếm); Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Khách hàng sử dụng điện.
Khách hàng sử dụng điện có trách nhiệm: Tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với bên bán điện trong việc lắp đặt, nghiệm thu, kiểm định, xử lý sự cố, thay thế, nâng cấp, cải tạo Hệ thống đo đếm, Hệ thống thu thập số liệu đo đếm (nếu có) phục vụ bán điện cho Khách hàng sử dụng điện; Phối hợp với bên bán điện hoặc Đơn vị quản lý lưới điện ghi chỉ số công tơ đo đếm, tổng hợp sản lượng điện năng giao nhận làm căn cứ đối chiếu và xác nhận điện năng thanh toán; Không tự ý thay đổi, can thiệp trái phép Hệ thống đo đếm; phối hợp với bên bán điện bảo vệ Hệ thống đo đếm trong phạm vi quản lý của khách hàng. Thông báo kịp thời cho bên bán điện hoặc Đơn vị quản lý lưới điện tình trạng sự cố và hoạt động bất thường của Hệ thống đo đếm.
Tổng hợp