Những chính sách có hiệu lực từ ngày 15/5/2015

Kể từ ngày 15/5/2015, nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực thi hành. Để bạn đọc tiện theo dõi, trangtinphapluat.com hệ thống và giới thiệu một số văn bản quan trọng sau:

1. Quy trình thực hiện một cửa, một cửa liên thông mới

Ngày 25/3/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg về Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, thay thế cho Quyết định 93/2007/QĐ-TTg và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2015.

1. So với Quyết định 93 thì Quyết định 09 quy định cụ thể, rõ ràng quy trình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính.

Quy trình thực hiện cơ chế một cửa một cửa liên thông
Quy trình thực hiện cơ chế một cửa một cửa liên thông

* Đối với cơ chế một cửa thì quy trình tiếp nhận hồ sơ:

– Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính, nộp trực tuyến ở những nơi có quy định nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, nhận hồ sơ trực tuyến;

– Công chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ:

Trường hợp hồ sơ không thuộc phạm vi giải quyết thì hướng dẫn để cá nhân, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cụ thể theo mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

– Công chức tiếp nhận hồ sơ nhập vào Sổ theo dõi hồ sơ theo mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này và phần mềm điện tử (nếu có); lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

– Trường hợp công chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được phân công giải quyết hồ sơ thì nhập vào Sổ theo dõi hồ sơ và phần mềm điện tử (nếu có):

Đối với hồ sơ quy định giải quyết và trả kết quả ngay, không phải lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả: Công chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức;

Đối với hồ sơ quy định có thời hạn giải quyết: Công chức lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả; thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức.

* Đối với quy trình thực hiện cơ chế một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính được chia thành 2 hình thức:

– Liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp: Giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đặt tại huyện; giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh;

– Liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp: Giữa Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đặt tại huyện; giữa Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh; giữa Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh; giữa cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

2. Điểm mới nữa là người làm việc tại bộ phận một cửa phải là công chức. Trước đây quy định là cán bộ, công chức. Quyết định cũng quy định rõ trách nhiệm của công chức tại Bộ phận 1 cửa:

– Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy chế hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả;

– Tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch hành chính;

– Hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính đầy đủ, rõ ràng, chính xác đảm bảo cá nhân, tổ chức chỉ phải bổ sung hồ sơ một lần;

– Tiếp nhận hồ sơ hành chính của cá nhân, tổ chức theo quy định;

– Chủ động tham mưu, đề xuất sáng kiến cải tiến việc thực hiện thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay đổi hoặc hủy bỏ, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính không khả thi hoặc không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;

– Mặc đồng phục trong quá trình thực thi nhiệm vụ;

– Thực hiện các quy định khác của pháp luật.

3. Quyết định 09 cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan trung ương, địa phương trong việc phối hợp thực hiện quy chế một cửa, một cửa liên thông.

2. Quy định mới về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết luận thanh tra

 Ngày 27/3/2015 của Chính phủ đã ban hành Nghị định 33/2015/NĐ-CP quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2015 đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết luận thanh tra, cụ thể:

Thực hiện kết luận thanh tra
Thực hiện kết luận thanh tra

1. Nội dung theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra gồm:

– Quá trình tổ chức chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước hoặc thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

– Tiến độ và kết quả thực hiện các nội dung trong kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra;

– Nắm bắt khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Nội dung đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra gồm:

– Các nội dung được nêu ở phần trên;

– Nhắc nhở việc thực hiện nội dung được ghi trong kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nhưng chưa được thực hiện;

– Yêu cầu báo cáo giải trình nguyên nhân chưa hoàn thành việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;

– Áp dụng biện pháp để kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được thực hiện.

3. Nội dung kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra gồm:

– Các nội dung được quy định tại Khoản 1;

– Việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;

– Kết quả thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, bao gồm nội dung đã hoàn thành, chưa hoàn thành và tiến độ thực hiện;

– Nắm bắt khó khăn khách quan và chủ quan trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;

– Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;

– Trách nhiệm của chủ thể có liên quan và nguyên nhân chưa hoàn thành việc thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *