Từ ngày 16-21/11/2015, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng, trangtinphapluat.com trân trọng giới thiệu một số văn bản nổi bật sau:
- Quốc hội thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
Sáng 20-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, với 83,2% đại biểu tán thành.
Theo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.
Ngoài nội dung biểu quyết toàn văn dự thảo, các đại biểu Quốc hội còn biểu quyết ba vấn đề riêng trong dự án luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Cụ thể:
– Với Điều 11 về các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, đã thông qua với tỷ lệ 84,62% đại biểu tán thành
– Với Điều 43, quy định việc giải trình của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đã thông qua với tỷ lệ 84,21% các đại biểu tán thành.
– Cuối cùng là Điều 57, về các hoạt động giám sát của HĐND, Quốc hội đã thông qua với 83,2% đại biểu tán thành.
- Quốc hội thông qua Luật an toàn thông tin mạng
Sáng ngày 19/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An toàn thông tin mạng với 85,83% số đại biểu có mặt tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016.
Xem bài giảng Luật An ninh mạng 2018
Luật An toàn thông tin mạng gồm 8 Chương, 54 Điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Cụ thể, Luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng. Hoạt động an toàn thông tin mạng của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tổ chức, cá nhân không được xâm phạm an toàn thông tin mạng của tổ chức, cá nhân khác.
Việc xử lý sự cố an toàn thông tin mạng phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân, thông tin riêng của tổ chức.
Nhà nước bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, nghiên cứu, phát triển và cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.
- Quốc hội thông qua Luật Kế toán (sửa đổi)
Chiều 20-11, với 391 đại biểu tán thành, chiếm 79,155 tổng số đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật Kế toán (sửa đổi).
Luật Kế toán (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 6 Chương, 74 Điều, quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán.
Theo quy định của Luật, Chứng từ điện tử được coi là chứng từ kế toán khi có các nội dung quy định về nội dung chứng từ kế toán của Luật này và được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hóa mà không bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính bảo mật và bảo toàn dữ liệu, thông tin trong quá trình sử dụng và lưu trữ; phải được quản lý, kiểm tra chống các hình thức lợi dụng khai thác, xâm nhập, sao chép, đánh cắp hoặc sử dụng chứng từ điện tử không đúng quy định. Chứng từ điện tử được quản lý như tài liệu kế toán ở dạng nguyên bản mà nó được tạo ra, gửi đi hoặc nhận nhưng phải có đủ thiết bị phù hợp để sử dụng.
Trường hợp khi chứng từ bằng giấy được chuyển thành chứng từ điện tử để giao dịch, thanh toán hoặc ngược lại thì chứng từ điện tử có giá trị để thực hiện nghiệp vụ kinh tế, tài chính đó, chứng từ bằng giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi và kiểm tra, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán.
Luật Kế toán có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017.
- Nghị định 122/2015/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng
Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Tăng mức lương tối thiểu vùng cụ thể như sau:
– Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015).
– Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015).
– Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015).
– Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).
Nghị định 122/2015/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016 và thay thế cho Nghị định 102/2014/NĐ-CP.
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch 2014.
Theo đó, việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử được thực hiện theo quy định sau:
– Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
– Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.
– Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.
– Trường hợp đăng ký lại khai sinh, kết hôn: Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh, kết hôn trước đây hoặc nơi người yêu cầu thường trú thực hiện đăng ký lại.
– Đối với trường hợp đăng ký lại khai tử: UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai tử trước đây thực hiện đăng ký lại
Nghị định 123/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
- Quy định mới về xử phạt vi phạm bán hàng đa cấp
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong đó, Nghị định sửa đổi xử phạt hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể:
– Thương nhân bán hàng đa cấp trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong một năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thì sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
– Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Cung cấp thông tin hàng hóa không không chính xác bị phạt 1- 3 triệu đồng
– Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp nộp tiền đặt cọc bị phạt 3-5 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực từ 05/01/2016.
- Ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, quy định rõ các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
– Với tiêu chí về thu nhập, Quyết định quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng.
– Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, Quyết định nêu rõ, các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
- Định mức trang bị máy móc, thiết bị của CQNN áp dụng từ 2016
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 58/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Cụ thể:
– Trường hợp một cán bộ giữ nhiều chức danh thì được áp dụng định mức trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến theo chức danh cao nhất. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà các máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến đã trang bị chưa đủ điều kiện thay thế theo quy định thì người mới được bổ nhiệm tiếp tục sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến đã trang bị cho người tiền nhiệm, không trang bị mới.
– Nghiêm cấm việc sử dụng máy móc, thiết bị vào việc riêng; bán, trao đổi, tặng cho, cho mượn, cầm cố, thế chấp hoặc điều chuyển cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– CBCCVC được trang bị 1 bộ máy vi tính tối đa 13 triệu đồng.
– Mỗi phòng làm việc được trang bị 1 bộ bàn ghế họp, tiếp khách, 1 máy in.
Đối với phòng làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện, tiêu chuẩn, định mức gồm: 1 bộ bàn ghế họp, tiếp khách mức giá tối đa 7 triệu đồng, 1 máy in mức giá tối đa 7 triệu đồng, 1 điện thoại cố định mức giá tối đa 300 nghìn đồng và các thiết bị khác (nếu cần) tối đa 10 triệu đồng.
Đối với phòng làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã, tiêu chuẩn, định mức gồm: 1 bộ bàn ghế họp, tiếp khách mức giá tối đa 5 triệu đồng, 2 tủ đựng tài liệu mức giá tối đa 6 triệu đồng/tủ, 1 máy in mức giá tối đa 7 triệu đồng, 1 điện thoại cố định mức giá tối đa 300 nghìn đồng và các thiết bị khác (nếu cần) tối đa 10 triệu đồng.
- Chính sách cho thanh niên tình nguyện
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 57/2015/QĐ-TTg ngày 16/11/2015 về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên. Quyết định này nêu rõ những chính sách đối với thanh niên trong quá trình hoạt động tình nguyện cũng như khi kết thúc hoạt động tình nguyện.
Theo Quyết định, chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên thực hiện chương trình, đề án, dự án gồm tiền lương, bảo hiểm; phương tiện làm việc; đào tạo; hỗ trợ ăn, ở; được hưởng chính sách như thương binh, liệt sỹ theo quy định; hỗ trợ mai táng nếu bị chết;… Chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên vì cộng đồng, xã hội gồm tiền bồi dưỡng; phương tiện làm việc; đào tạo; hỗ trợ ăn, ở; hỗ trợ khi bị thương, mai táng khi bị chết; được hưởng chính sách như thương binh, liệt sỹ theo quy định; … Cụ thể, thanh niên trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện sẽ được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động tình nguyện; được hưởng tiền bồi dưỡng trong thời gian hoạt động tình nguyện, được trang bị phương tiện làm việc, phương tiện bảo hộ cá nhân (nếu có) bảo đảm an toàn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hoạt động tình nguyện; được tham gia hoạt động đoàn thể; được bồi dưỡng, xét kết nạp vào Đoàn, kết nạp Đảng nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Thanh niên có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thì được UBND cấp xã nơi diễn ra hoạt động tình nguyện đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc quyết định được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Tổng hợp