Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc về tình hình bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay, thực trạng và nguyên nhân của bạo lực gia đình. Bài viết được trích từ dự thảo Báo cáo Kết quả 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
1. Tình hình bạo lực gia đình ở Việt Nam
Hiện nay, việc tổng hợp thông tin về bạo lực gia đình (BLGĐ) được thực hiện theo ngành dọc. Mỗi cơ quan, tổ chức có cách tổng hợp theo đối tượng và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan/tổ chức nhưng chưa có sự chia sẻ số liệu giữa các ngành dẫn đến sự rời rạc và không thể khái quát được số liệu chung cho tình hình BLGĐ ở nước ta hiện nay. Ví dụ, các cơ quan như: Tòa án, Công an, Y tế, Ủy ban nhân dân (thông qua ngành VHTTDL), Tư pháp cùng tổng hợp, báo cáo. Song, có những vụ bạo lực chỉ có 1 hoặc 2 hoặc 3 trong số 5 cơ quan nêu trên tổng hợp. Thực trạng này dẫn đến sự trùng lặp số liệu rất lớn giữa các ngành. Bên cạnh đó, các số liệu của 5 cơ quan nêu trên có thể chỉ phản ánh được về bề nổi. Tổng hợp số liệu từ các cuộc điều tra về BLGĐ trong những năm gần đây cho thấy, có 30% số hộ gia đình tham gia trả lời cho biết trong 12 tháng gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi được xác định là hành vi BLGĐ (theo quy định của Luật PCBLGĐ).
Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009-2021, tổng số vụ BLGĐ các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 19.274 vụ trong năm 2015 và 4.967 vụ trong năm 2021 (Xem Phụ lục 2).
Tuy nhiên, theo thống kê của ngành tòa án, từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018 Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ có nguyên nhân từ BLGĐ hoặc liên quan đến BLGĐ (chiếm 76,6%). Báo cáo của ngành Tư pháp cho thấy năm 2014 tiếp nhận hòa giải 31.528 vụ việc BLGĐ, năm 2015 là 33.966 vụ[1]. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của các địa phương thì tổng số vụ BLGĐ trên cả nước năm 2014 và 2015 lần lượt là 21.848 và 19.274 vụ. Điều này cho thấy sự không đồng nhất trong việc thống kê, báo cáo vụ việc BLGĐ giữa các ngành, các cấp.’
Mặt khác, theo kết quả điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 (công bố năm 2020)[1] cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời và tỷ lệ bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua) là 31,6%. Điều tra cũng cho biết hơn một nửa phụ nữ từng có chồng/bạn tình (52,9%) đã phải chịu đựng tí nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục và/hoặc tinh thần do chồng/bạn tình hiện tại hoặc trước đây gây ra. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu với tổng số 5.976 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã được điều tra viên phỏng vấn trực tiếp. Trước đó, kết quả điều tra quốc gia về Bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 (với cỡ mẫu là 4838 phụ nữ ở độ tuổi từ 18 – 60 đại diện cho phụ nữ trong các nhóm tuổi trên cả nước)[2] cho thấy 58% phụ nữ đã từng kết hôn từng bị ít nhất một trong 3 loại bạo lực trong cuộc đời (thể xác, tình dục và tinh thần) và 27% cho biết họ từng bị cả ba loại trên trong vòng 12 tháng trước điều tra. Số liệu BLGĐ từ kết quả hai cuộc điều tra quốc gia cao hơn khá nhiều so với số liệu báo cáo của 63 tỉnh thành.
Những dữ kiện trên cho thấy sự khác biệt trong báo cáo số liệu vụ việc BLGĐ giữa các cơ quan, tổ chức. Số liệu mà 63 tỉnh, thành tổng hợp, báo cáo có thể chưa phản ánh đúng tình hình BLGĐ ở Việt Nam hiện nay. Những con số về vụ việc BLGĐ giảm dần đều qua các năm trên cả nước từ tổng hợp báo cáo của các địa phương chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng chìm bạo lực gia đình, không phản ánh đúng thực trạng vấn đề. Vấn đề này xuất phát từ những bất cập, thiếu hợp lý của các quy định trong Luật PCBLGĐ hiện hành cũng như quá trình tổ chức thi hành Luật.
2. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực
Theo kết quả điều tra, tổng hợp của Bộ VHTTDL từ 63 tỉnh/thành, có 14 nguyên nhân chính (trực tiếp hoặc gián tiếp) dẫn đến BLGĐ gồm:
1) Nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ chê cười;
2) Nhận thức pháp luật của cán bộ, chính quyền, đoàn thể còn hạn chế;
3) Kinh tế khó khăn;
4) Tệ nạn xã hội (rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập);
(Tải slide bài giảng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia)
5) Tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới;
6) Người dân thiếu kỹ năng ứng xử trong gia đình;
7) Người dân ít hợp tác, dĩ hoà vi quý;
8) Thiếu cán bộ chuyên trách cấp xã/phường, thiếu cộng tác viên; 9) Cán bộ thiếu kỹ năng tư vấn, hoà giải, truyền thông;
10) Các cấp, các ngành chưa phối hợp hiệu quả;
11) Cộng đồng, chính quyền, đoàn thể thiếu quan tâm, coi BLGĐ là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi gây ra hậu quả nghiêm trọng;
12) Kinh phí cho hoạt động PCBLGĐ còn hạn chế, chế độ cho người hoạt động PCBLGĐ chưa thoả đáng;
13) Chế tài chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm, chưa hợp lý, thiên về hòa giải, phê bình, góp ý;
(Những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình)
14) Một số văn bản dưới luật chưa phù hợp với thực tiễn. Trong số những nguyên nhân nêu trên, Bộ VHTTDL lựa chọn 3 nguyên nhân cơ bản nhất theo vùng miền để làm rõ và so sánh cho kết quả như sau:
Nguyên nhân BLGĐ theo nhận định của địa phương
Vùng miền | Nguyên nhân |
Trung du và miền núi phía Bắc | 1. Nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ chê cười. 2. Tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới. 3. Kinh tế khó khăn và tệ nạn xã hội. |
Đồng bằng sông Hồng | 1. Tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới. 2. Kinh phí cho hoạt động PCBLGĐ còn hạn chế, chế độ cho người hoạt động PCBLGĐ chưa thoả đáng; 3. Cán bộ thiếu kỹ năng tư vấn, hoà giải, truyền thông; |
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung | 1. Nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ chê cười. 2.Cộng đồng, chính quyền, đoàn thể thiếu quan tâm, coi BLGĐ là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. 3. Kinh tế khó khăn và tệ nạn xã hội. |
Vùng Tây Nguyên | 1.Kinh tế khó khăn. 2. Nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ chê cười. 3. Tệ nạn xã hội. |
Đông Nam Bộ | 1.Kinh tế khó khăn và tệ nạn xã hội. 2.Nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, tư tưởng gia trưởng. 3.Cán bộ thiếu kỹ năng tư vấn, hòa giải, truyền thông |
Đồng bằng sông Cửu Long | 1.Kinh tế khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế; 2.Tệ nạn xã hội; tư tưởng gia trưởng; 3. Cộng đồng, chính quyền, đoàn thể thiếu quan tâm, coi BLGĐ là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. |