Tìm hiểu về pháp luật dân sự – kỳ 1

Câu 1. Nội dung nào không thuộc nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự?

  1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản
  2. Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với các quy định của pháp luật được khuyến khích
  3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực
  4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác

Đáp án: 2 , vì theo Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định  Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì: 

1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

   Câu 2. Ai có thẩm quyền tuyên bố một người là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ cho người này?

  1. Uỷ ban nhân dân cấp xã
  2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện
  3. Tòa án nhân dân
  4. Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện

Đáp án: 3 vì, theo Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền, cụ thể:

1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

2. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

 Câu 3. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 đâu không phải là tài sản?

  1. Vật
  2. Giấy tờ không có giá
  3. Giấy tờ có giá và quyền tài sản
  4. Tiền

Đáp án: 2, vì theo khoản 1, Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản gồm:

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

 Câu 4. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về ai?

  1. Nhà nước
  2. Ủy ban nhân dân cấp xã
  3. Người phát hiện tài sản
  4. Người quản lý tài sản

Đáp án: 3 , vì theo  Điều 228 BLDS 2015 quy định xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, thì:

1. Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

Người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.

2. Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.

Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.

Sau 05 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

 Câu 5: Giao dịch dân sự có hiệu lực khi thỏa mãn điều kiện nào?

  1. Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập
  2. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện
  3. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội
  4. Khi thỏa mãn đủ cả 3 điều kiện nêu tại phương án A, B, C

Đáp án: 4, vì theo  Điều 117 BLDS 2015 thì Điều kiện có hiệu lực của  như sau:

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. 

Câu 6. Sau khi nhặt được chiếc máy tính xách tay do người khác bỏ quên, Bình đã bán cho An (chủ cửa hàng mua bán máy tính) với giá năm triệu đồng. Hùng đã đến cửa hàng của An mua chiếc máy tính đó với giá sáu triệu đồng. Giao dịch nào bị coi là vô hiệu?

  1. Giao dịch mua bán chiếc máy tính xách tay giữa Bình và An
  2. Giao dịch mua bán chiếc máy tính xách tay giữa An và Hùng
  3. Cả giao dịch mua bán chiếc máy tính xách tay giữa Bình với An và giữa An với Hùng đều vô hiệu
  4. Cả giao dịch mua bán chiếc máy tính xách tay giữa Bình với An và giữa An với Hùng đều không bị coi là vô hiệu

Đáp án: 1

Theo Điều 117 và Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật Dân sự.

Câu 7. Khi nào việc sử dụng hình ảnh cá nhân không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ?

Quy định về sử dụng hình ảnh cá nhân
  1. Hình ảnh được sử dụng trong các hoạt động xã hội vì cộng đồng
  2. Hình ảnh được sử dụng trong các hội nghị, hội thảo mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh
  3. Hình ảnh được sử dụng để quảng bá sản phẩm, dịch vụ
  4. Hình ảnh được sử dụng trong các tác phẩm báo chí xuất bản

  Đáp án: 2, vì theo khoản 2, Điều 32 BLDS 2015 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì:

 Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Câu 8. Việt nhặt được chiếc ví có 05 triệu đồng nhưng không biết của ai, vậy khi nào thì Việt được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó?

  1. Ngay tại thời điểm Việt nhặt được chiếc ví đó
  2. Sau 01 năm, kể từ thời điểm Việt nhặt được chiếc ví đó
  3. Không được xác lập quyền sở hữu mà phải sung công quỹ
  4. Sau 01 năm, kể từ ngày Việt thông báo công khai về việc nhặt được 05 triệu đồng mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận

Đáp án: 4, vì theo Điều 230 BLDS 2015 quy định xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên, như sau:

1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 230 BLDS năm 2015: Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì Việt sẽ được xác lập quyền sở hữu đối với chiếc ví đó do đây là tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Câu 9. Hưởng ứng khởi nghiệp sáng tạo, Nam (16 tuổi) có ý tưởng phát triển phần mềm. Là chỗ chị em thân thiết, Nam hỏi vay chị C số tiền 30 triệu đồng để đầu tư xây dựng phần mềm. Tin tưởng vào năng lực của Nam, chị C đã cho Nam vay 30 triệu đồng mà không hỏi ý kiến bố mẹ Nam. Do không bán được phần mềm nên đến hẹn, Nam không có khả năng trả chị C số tiền đã vay. Trường hợp này ai chịu trách nhiệm phải trả nợ khoản vay 30 triệu đồng cho chị C?

  1. Nam
  2. Bố mẹ Nam
  3. Cả Nam và bố mẹ Nam
  4. Cả Nam, bố mẹ Nam và chị C

Đáp án: 1, vì theo khoản 4, Điều 21 BLDS 2015 thì: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản giữa Nam và chị C là tiền, không phải là bất động sản, cũng không phải là động sản phải đăng ký và cũng không thuộc giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Vì vậy, Nam được tự mình xác lập, thực hiện hợp đồng vay tài sản với Chị C mà không cần sự đồng ý của bố mẹ A. Hơn nữa, khi cho Nam vay tài sản, Chị C cũng không hỏi ý kiến bố mẹ Nam mà vẫn cho Nam vay nên trong trường hợp này Nam phải chịu trách nhiệm trả nợ.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *