Xử lý hành vi Không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Tình trạng  không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự đã và đang diễn ra ở một số địa phương, gây khó khăn cho công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ, tạo sự bất bình đẳng giữa người chấp hành và người không chấp hành lệnh. Tuy nhiên, việc xử lý còn nhiều lúng túng.

Quy định về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Theo quy định tại Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì việc Khám sức khỏe cho công dân gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân thực hiện như sau:

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng khám sức khỏe theo đề nghị của phòng y tế cùng cấp.

– Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ; Trưởng Công an cấp huyện ra lệnh gọi khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Lệnh gọi khám sức khỏe phải được giao cho công dân trước thời điểm khám sức khỏe 15 ngày.

(Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực nghĩa vụ quân sự)

– Hội đồng khám sức khỏe cấp huyện tổ chức khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ và gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; trường hợp cần thiết, quyết định việc xét nghiệm cận lâm sàng, bao gồm xét nghiệm phát hiện ma túy, HIV; bảo đảm chính xác và chịu trách nhiệm về kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

– Thời gian khám sức khỏe từ ngày 01 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm. Thời gian khám sức khỏe gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai theo quy định tại Điều 33 của Luật này do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

– Kết quả phân loại sức khỏe phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 20 ngày.

Không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Quy định về xử phạt hành chính về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 (có hiệu lực 22/7/2022) thì hành vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

– Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

(66 biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực Quốc phòng)

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

+ Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

– Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Thực hiện nghĩa vụ quân sự là quyền và nghĩa vụ của công dân
Thực hiện nghĩa vụ quân sự là quyền và nghĩa vụ của công dân

Như vậy, theo Nghị định 120 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP thì hành vi Chống lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt rất cao từ 10 đến 35 triệu đồng. Tuy nhiên thực tế nhiều cá nhân vi phạm không chấp hành nộp phạt hoặc chấp hành nộp phạt nhưng không chấp hành quyết định khám sức khỏe lại dẫn đến Hội đồng nghĩa vụ quân sự các địa phương hết sức khó khăn, lúng túng trong việc xử lý. Tiếp tục xử phạt hành chính hay xử lý hình sự?

Thẩm quyền xử phạt hành vi chống lệnh khám sức khỏe

Với mức phạt của Nghị định 37/2022/NĐ-CP lên tới 35 triệu đồng thì thẩm quyền xử phạt là của Chủ tịch UBND cấp huyện, cụ thể  theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 Nghị định 120/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền xử phạt đến 37,5 triệu đồng, áp dụng tất cả các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 2b của Nghị định 37.

Tuy nhiên, để Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định xử phạt đối với Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự thì UBND cấp xã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ để Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định xử phạt theo quy định của Nghị định 37/2022/NĐ-CP.

Hướng dẫn xử lý hành vi không chấp hành Lệnh khám nghĩa vụ quân sự

Không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự có bị xử lý hình sự?

Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có giải thích: Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

Như vậy, hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Và tại Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015 thì Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị xử lý như sau:

“1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội.”

Theo phần giải thích từ ngữ của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên,  Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015 thì không quy định xử lý hình sự hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà chỉ xử lý hình sự hành vi  không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện.

Cần hình sự hóa hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe

Việc pháp luật chỉ quy định  hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự chỉ bị xử phạt hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đã gây khó khăn cho hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp. Bởi vì việc xử phạt vi phạm hành chính không đảm bảo tính răn đe, mặc dù có biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải khám lại sức khỏe nhưng thực tiễn là không thực hiện được.

(Bộ câu hỏi trắc nghiệm tìm hiểu về pháp luật nghĩa vụ quân sự)

Thiết nghĩ để xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cần sớm bổ sung hành vi này vào Bộ luật Hình sự.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *