Thời hạn cá nhân, tổ chức vi phạm thi hành biện pháp khắc phục hậu quả là bao nhiêu ngày?

Theo quy định tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì: “cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó”.

Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả

Và tại Điều 85 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc trong quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả
Thời hạn thi hành biện pháp buộc khắc phục hậu quả

Như vậy, theo 2 điều luật trên thì thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, kể cả trong trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả một cách độc lập khi không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì thời hạn tối thiểu để cá nhân, tổ chức vi phạm tự thi hành phải là 10 ngày, không được thấp hơn. Tuy nhiên, 2 điều luật trên trong thực tế lại có cách hiểu và áp dụng không thống nhất.

Thời hạn khắc phục hậu quả còn nhiều cách hiểu khác nhau

Đa số ý kiến thống nhất với cách hiểu ở trên, vì phải dành thời gian tối thiểu 10 ngày để họ tự nguyện thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, quá thời hạn mà họ không thi hành thì mới cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn có thể yêu cầu thời gian người vi phạm chấp hành biện pháp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong thời gian dưới 10 ngày, tùy từng trường hợp, bởi những lý do sau:

Thứ nhất, tại Điều 85 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tại biểu mẫu 02 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì ở mục số 13 “Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (13)…. ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định này” Ghi cụ thể thời gian phù hợp để thực hiện từng biện pháp khắc phục hậu quả. Như vậy, có thể hiểu tùy từng biện pháp mà người có thẩm quyền xử phạt ấn mức thời gian cho phù hợp.

Cưỡng chế thi hành quyết định khắc phục hậu quả – Nhiều vướng mắc

Vướng mắc cưỡng chế quyết định khắc phục hậu quả
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

Chẳng hạn trong nhiều trường hợp biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục tình trạng ban đầu và người vi phạm chỉ trồng có vài cây chuối, dựng hàng rào tre…thì thời gian để họ tự tháo dở có thể trong ngày hoặc 2 , 3 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, chứ không nhất thiết phải là 10 ngày. Bên cạnh đó, có biện pháp khắc phục hậu quả là  khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh hoặc buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại thì phải thi hành ngay, nếu để 10 ngày có thể người vi phạm sẽ tẩu tán, tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh sẽ lan rộng, gây nguy hiểm cho xã hội.

(Thời hạn gửi quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là bao nhiêu ngày?)

Thứ hai, trong trường hợp hợp biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng một cách độc lập theo Điều 65 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì hiện nay Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định thời hạn thực hiện theo Quyết định áp dụng biện kháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không áp dụng xử phạt.

Theo mẫu số 15 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, tại mục 9 “Thời gian thực hiện: (9)…. <ngày/tháng>(*), kể từ ngày nhận được Quyết định này”, có hướng dẫn Ghi thời gian phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

(Tổng hợp biểu mẫu áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính mới nhất)

Như vậy, tùy từng trường hợp vi phạm, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm cần phải khắc phục mà người có thẩm quyền quyết định thời gian tự thực hiện khắc phục hậu quả cho phù hợp.

Quan điểm của người viết cho rằng, quan điểm thứ hai là  có cơ sở pháp lý và phù hợp với thực tế hơn. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi, phản hồi của bạn đọc.
Clip giải đáp vướng mắc trong áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả

Gửi quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả

– Về thời hạn gửi quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành hính cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể, các bạn xem bài viết thời hạn gửi quyết định khắc phục hậu quả tại đây.

– Về biểu mẫu biên bản trong trường hợp cá nhân, tổ chức cố tình không nhận quyết định buộc khắc phục hậu quả: Hiện nay Nghị định 118/2021/NĐ-CP chỉ có mẫu 02 Biên bản về việc cá nhân/tổ chức vi phạm không nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Biên bản về việc không nhận quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không có mẫu biên bản không nhận quyết định khắc phục hậu quả.

Theo khoản 3 ĐIều 41 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì: . Trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có thể ban hành các biểu mẫu khác, ngoài các biểu mẫu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, để sử dụng trong ngành, lĩnh vực mình, sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Như vậy, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền ban hành các biểu mẫu để phù hợp với địa phương như biểu mẫu cá nhân/tổ chức không nhận quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả; mẫu biên bản cá nhân nhận quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả….Tuy nhiên, trường hợp nếu chưa ban hành kịp thời các biểu mẫu thì có thể vận dụng biểu mẫu số 06, 07 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP để lập biên bản giao quyết định khắc phục hậu quả trong trường hợp cá nhân/tổ chức không nhận quyết định khắc phục hậu quả.

Trangtinphapluat.com cho rằng việc vận dụng biểu mẫu trên là phù hợp, vì mục đích cuối cùng là để xác định cá nhân/tổ chức vi phạm không nhận quyết định khắc phục hậu quả, làm cơ sở cho việc ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế sau này. Trong quá trình lập biên bản cần lưu ý phải có chữ ký của người chứng kiến hoặc đại diện của chính quyền địa phương.

Bạn đọc có thể thể hiện quan điểm của mình bằng cách gửi qua email kesitinh355 hoặc để lại bình luận dưới bài viết.

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

2 Bình luận

  1. Trần Việt Cường

    Chào chuyên gia> cho tôi hỏi về lĩnh vực đất đai
    Thời hiệu thi hành Quyết định xử phạt là 01 năm, quá thời gian đó có áp dụng quyết định xử phạt để buộc khắc phục hậu quả không? Xin cảm ơn

    • Được bạn nhé, đối với khắc phục hậu quả thì không tính thời hiệu, quá thời gian cá nhân, tổ chức phải chấp hành mà không tự nguyện chấp hành thì ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *