Theo quy định tại Điều 62 của Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì Bản chính Giấy khai sinh được cấp lại trong các trường hợp sau:
– Bản chính Giấy khai sinh bị mất, hư hỏng
– Bản chính Giấy khai sinh phải ghi chú quá nhiều nội dung do được thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch hoặc điều chỉnh hộ tịch mà Sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được
Như vậy khi công dân thỏa mãn các điều kiện trên thì được UBND cấp huyện nơi lưu trữ sổ đăng ký khai sinh căn cứ vào những thông tin trong sổ để cấp lại Bản chính Giấy khai sinh cho công dân. Quy định này sẽ không có gì phải bàn khi giữa bản chính Giấy khai sinh hoặc bản sao từ Bản chính giấy khai sinh trùng với các thông tin trong Sổ đăng ký khai sinh. Thực tế phát sinh trường hợp Bản chính Giấy khai sinh 1 đàng, sổ khai sinh một nẻo dẫn đến các giấy tờ hộ tịch khác của công dân chỉ trùng với bản chính giấy khai sinh hoặc chỉ trùng với sổ hộ tịch.
Sổ khai sinh bà bản chính giấy khai sinh không thống nhất
Ví dụ trường hợp của em Trương Thị Minh Thư, thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện PN tỉnh QN. Giấy khai sinh bản chính là ngày 10/01/1991 còn trong sổ đăng ký khai sinh là ngày 01/01/1991 nên khi em sao bản sao Giấy khai sinh từ bản chính thì ngày sinh các hồ sơ học từ cấp I đến cấp II, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác đều là ngày 10/01/1991. Mùa mưu bảo vừa qua làm Bản chính Giấy khai sinh bị rách, không sử dụng được nên gia đình đến phòng Tư pháp huyện PN xin cấp lại Bản chính Giấy khai sinh, cán bộ hộ tịch của phòng Tư pháp căn cứ vào sổ gốc khai sinh để cấp lại ngày 01/01/1991 dẫn đến ngày sinh trong Bản chính Giấy khai sinh được cấp lại “đá” với ngày sinh trong các giấy tờ trước đó, gây khó khăn cho việc làm hồ sơ, thủ tục nhập học.
Quy định cấp lại bản chính Giấy khai sinh dựa vào Sổ đăng ký khai sinh bất cập khi công dân còn các bản sao hợp lệ từ bản chính ( mà bản sao có chứng thực thì có giá trị như bản chính, khoản 1 Điều 3 NĐ 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký) hoặc còn bản chính nhưng rách, nát hư hỏng, ghi chú quá nhiều nhưng vẫn còn đọc được ngày, tháng năm sinh nhưng pháp luật lại không cho phép căn cứ vào những thông tin trong các giấy tờ này mà buộc phải căn cứ vào sổ gốc để cấp lại bản chính khai sinh dẫn đến rắc rối, khó khăn cho công dân khi ngày tháng năm sinh giữa Bản chính và Sổ gốc khai sinh không trùng nhau. Trong khi đó tại Điều 5 Nghị định 158 quy định “ Giáy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”.
Bên cạnh đó việc ghi thông tin về nơi thường trú phải ghi như trong sổ gốc, trong khi đó nơi thường trú của công dân đã có sự thay đổi do thay đổi địa giới hành chính hoặc tên địa danh thay đổi. Ví dụ trước đây công dân Trương Thị Minh Thư thường trú Thôn 9, Tam Thái, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nhưng tại thời điểm cấp lại là thôn Đại An, xã Tam Đại, Phú Ninh, Quảng Nam, nhưng bản chính cấp lại vẫn lấy địa danh cũ là không phù hợp với thực tế.
Để giải quyết các bất cập nêu trên, thiết nghĩ cần quy định việc cấp lại bản chính khai sinh căn cứ vào cả bản chính và sổ gốc, trường hợp có sự khác nhau thì ưu tiên sử dụng căn cứ nào có lợi cho công dân để thống nhất các loại giấy tờ, khỏi phải cải chính. Đồng thời phần nơi thường trú nếu có sự thay đổi thì bên cạnh việc ghi như nơi thường trú trước đây thì cần ghi chú sự thay đổi để thuận lợi cho công dân trong quá trình giao dịch liên quan đến giấy khai sinh.
Nguyễn Quốc Sử