Tình huống thực hành hòa giải ở cơ sở năm 2023

Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc các tình huống thực hành hòa giải ở cơ sở; quy trình thực hiện hòa giải và gợi ý các câu hỏi trong quá trình hòa giải vụ việc ở cơ sở.

  • Tổng hợp tiểu phẩm hòa giải ở cơ sở hay nhất

VÍ DỤ CỤ THỂ ÁP DỤNG QUY TRÌNH HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
Nội dung vụ việc:
Bà H đã ngoài 70 tuổi, có hai người con là anh P (con trai cả) và chị K. Khi chị K đi lấy chồng, bà H sống cùng với vợ chồng anh P (vợ P là chị S). Trong thời gian sống cùng, vợ chồng anh P, chị S thường ngược đãi và đối xử không tốt với bà H nên chị K muốn đón bà H về ở với vợ chồng chị để chị tiện chăm sóc. Khi
chị K tới nói chuyện thì vợ chồng anh P đã phản đối và cho rằng chị K đón bà H về nuôi là mong sau này bà để lại cho chị K thừa kế ngôi nhà mà vợ chồng anh P đang ở. Chị S còn khoá trái cửa buồng bà H lại, không cho bà ra ngoài gặp chị K. Mâu thuẫn, bất đồng giữa vợ chồng anh P và bà H, chị K ngày càng căng thẳng. Chị K đã nhờ Tổ hòa giải ở cơ sở trong thôn can thiệp, giúp chị giải quyết mâu thuẫn này.

1. Chuẩn bị hòa giải
– Hòa giải viên tiếp nhận vụ việc hòa giải, xác định vụ việc thuộc phạm vi được hòa giải ở cơ sở.
– Hòa giải viên gặp gỡ, tiếp xúc với các bên mâu thuẫn là bà H, chị K và anh P, chị S để nắm bắt các tình tiết của vụ việc, quan điểm, ý kiến, mong muốn của các bên, tức là tiến hành thu thập thông tin để có cơ sở tiến hành hòa giải.
– Nguồn thu thập thông tin: Thu thập thông tin có thể từ hàng xóm, con cháu, người họ hàng của các bên mâu thuẫn.
– Mục đích của việc thu thập thông tin: Làm sáng tỏ nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của mỗi bên; nắm được tính cách, thái độ, đặc điểm cá nhân, hành vi ứng xử của từng bên trong cuộc sống hàng ngày. Xác định vợ chồng anh P có hành vi, thái độ đối xử ngược đãi với bà H không? Bà H có tâm tư, nguyện vọng như thế nào, bà mong muốn ở với ai? Cần thu thập thêm thông tin từ những người xung quanh như họ hàng, hàng xóm để có chứng cứ khách quan cho việc giải quyết mâu thuẫn.
– Nghiên cứu, xác định các văn bản pháp luật có liên quan là cơ sở pháp lý giải quyết mâu thuẫn.

Tình huống thực hành hòa giải ở cơ sở năm 2023
Tình huống thực hành hòa giải ở cơ sở năm 2023

Với nội dung vụ việc trên, hòa giải viên cần xác định một số vấn đề chính sau:
 Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa chị K với vợ chồng anh P; cốt lõi của mâu thuẫn là gì?

 Hành vi của anh P, chị S có trái pháp luật và đạo đức không?
 Bà H có tâm tư, nguyện vọng, mong muốn gì?
 Chị K có quyền đưa mẹ đẻ về chăm sóc không?
 Hướng giải quyết mâu thuẫn và tác động của việc giải quyết mâu thuẫn đối với vợ chồng anh P, chị K và bà H?
 Điều gì có ý nghĩa lớn nhất khi các bên hiểu và thỏa thuận được với nhau về cách giải quyết mâu thuẫn?…
Lựa chọn địa điểm tiến hành buổi hòa giải
Trong vụ việc trên, việc lựa chọn địa điểm hòa giải có thể do các bên tranh chấp đề nghị hoặc do hòa giải viên đề nghị (địa điểm phải thuận lợi trong việc đi lại của các bên và thoải mái nhất cho các bên). Có thể là nhà của bà H và vợ chồng anh P đang ở.
Thành phần hòa giải
Xác định thành phần tham gia buổi hòa giải: Hòa giải viên, bà H, chị K, vợ chồng anh P, chồng chị K (nếu có) và trưởng họ hoặc người có uy tín trong họ…
2. Tiến hành hòa giải
Bước 1: Bắt đầu buổi hòa giải
Hòa giải viên chủ trì buổi hòa giải, nêu mục đích của buổi hòa giải: Nhằm hàn gắn tình cảm gia đình giữa mẹ với các con và giữa anh chị với em; xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh tiên tiến, trên thuận, dưới hòa.
Bước 2: Các bên trình bày nội dung sự việc
Hòa giải viên mời các bên trình bày nội dung vụ việc bằng cách đưa ra các câu hỏi hoặc gợi mở với từng bên liên quan, ví dụ như dưới đây:

– Hòa giải viên mời chị K trình bày sự việc: Vì sao chị K muốn đưa bà H về nhà chị chăm sóc?
– Hòa giải viên mời anh P, chị S trình bày sự việc: Anh P chị S cần thông tin một cách chân thành, thẳng thắn về việc chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ. Vì sao anh P, chị S không đồng ý cho chị K đón bà H về chăm sóc?
– Hòa giải viên mời bà H, đề nghị bà H cho biết nguyện vọng muốn ở với con nào? Mời bà H bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những cảm xúc, suy nghĩ của bà trước hành vi xử sự của các con. Nhằm giáo dục thiết thực và sâu sắc đối với vợ chồng anh P, chị S và chị K.
– Hòa giải viên mời chồng chị K (nếu có) phát biểu ý kiến, đặc biệt là việc đón bà H về ở cùng gia đình.
Bước 3. Phân tích vụ việc, dẫn chiếu các quy định pháp luật
– Hòa giải viên phân tích đạo đức xã hội, phong tục, tập quán của địa phương liên quan mối quan hệ mẫu – tử: Đó là đạo hiếu lễ của con cái đối với cha mẹ, trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già; anh chị em trong nhà nên yêu thương nhau, không nên vì vật chất, của cải mà đánh mất tình anh em ruột thịt (gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau, anh em như thể tay chân…). Tình cảm gia đình giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em là điều thiêng liêng, đáng quí và trân trọng nhất, cần giữ gìn.

– Xác định mâu thuẫn: Do vợ chồng anh P đối xử không lễ độ, không tốt, có hành vi ngược đãi đối với mẹ làm chị K bức xúc muốn đón mẹ về để tiện chăm sóc, phụng dưỡng mẹ khi già yếu, ốm đau. Vợ chồng anh P không đồng ý cho chị K đón mẹ về chăm vì do lòng tham sợ mất ngôi nhà anh chị đang ở.
– Căn cứ pháp lý:
+ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Khoản 2 Điều 70 quy định: “Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”; khoản 2 Điều 71 quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”.
+ Luật Người cao tuổi, Điều 3 quy định: “Người cao tuổi được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe; quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn”; Điều 10 quy định: “Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
+ Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 610 quy định: “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”…

Hòa giải viên đề nghị các bên trình bày quan điểm của mình về phương án giải quyết và thỏa thuận thống nhất cách thức thực hiện cụ thể đối với từng phương án.
– Hòa giải viên gợi ý các bên về những vấn đề sau:
1. Nếu bà H chuyển đến sống với chị K thì cần chuẩn bị những gì (dự đoán trước những việc cần phải làm như di chuyển bà H, đồ đạc của bà H; nhà chị K đã chuẩn bị chỗ ở cho bà H như thế nào? Các con chị K và chồng chị K có vui vẻ chấp nhận việc bà H về ở cùng không?…). Anh P sẽ chu cấp chăm nuôi mẹ như thế nào…?
2. Tiếp tục sống với vợ chồng anh P: Có những gì cần thay đổi để tránh tiếp tục phát sinh mâu thuẫn? Anh P, chị S cần rút kinh nghiệm trong việc cư xử với mẹ như thế nào? Chị K có quyền thăm nom, chăm sóc bà H và sẽ thực hiện quyền đó như thế nào? Chị K có phải đóng tiền cấp dưỡng hàng tháng cho bà H không?
3. Yêu cầu/mong muốn của bà H?
– Hòa giải viên phân tích vụ việc: Anh P, chị K đều là con của bà H nên cả hai anh em đều có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Anh P không có quyền cấm chị K đón mẹ về ở chung, cũng như không có quyền cản trở bà H về ở chung với chị K. Việc chị S khóa cửa buồng, không cho bà H gặp chị K là hành vi trái pháp luật, vi phạm quyền tự do của cá nhân. Nếu vợ chồng anh P không thay đổi cách chăm sóc, đối xử với bà H, thì phải đồng ý cho bà H về ở chung với chị K để chị chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Còn tài sản của bà H, bà muốn cho ai là quyền của bà. Nếu vợ chồng anh P không đồng ý thì sẽ vi phạm quy định của Luật Người cao tuổi, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự và vi phạm về đạo đức xã hội, phong tục, tập quán của địa phương.
Bước 4. Thỏa thuận và kết thúc hòa giải
Sau khi nghe hòa giải viên phân tích, vợ chồng anh P đã hiểu những việc làm không đúng của mình đối với mẹ, quyền và trách nhiệm theo pháp luật cũng như đạo lý của con cái đối với cha mẹ. Vợ chồng anh P mong bà H tha thứ và hứa sẽ chăm sóc, phụng dưỡng bà nếu bà tiếp tục chung sống với vợ chồng anh chị. Trường hợp bà H muốn đến nhà chị K sống, vợ chồng anh chị sẽ đồng ý để chị K đón bà H về chăm sóc.

Bà H đồng ý tha thứ cho vợ chồng anh P, song bà muốn về ở chung với chị K một thời gian để thay đổi không khí. Bà H, vợ chồng anh P và chị K đều cảm thấy hài lòng với kết quả hòa giải và thống nhất thực hiện theo mong muốn của bà H.
Với kết quả trên, hòa giải viên tuyên bố hòa giải thành, các bên có thể đề nghị lập văn bản thỏa thuận hòa giải thành theo quy định tại Điều 24 Luật Hòa giải ở cơ sở để làm cơ sở thực hiện.
Hòa giải viên giải thích cho các bên trách nhiệm tự giác thực hiện các thỏa thuận đã cam kết trong buổi hòa giải. Trong quá trình thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, nếu một bên vì sự kiện bất khả kháng không thể thực hiện được thì có trách nhiệm trao đổi, thỏa thuận với bên kia và thông báo cho hòa giải viên.
Hòa giải viên có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết; kịp thời thông báo cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Trưởng ban công tác Mặt trận những vấn đề phát sinh trong quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện.

TÌNH HUỐNG 1.
Thời gian gần đây, anh Q hay uống rượu, sau mỗi lần uống rượu anh lại mắng chửi chị D (vợ anh). Q chửi mà chị D im lặng thì cho là chị D xem thường mình, còn chị D nói lại thì Q cho là hỗn láo phải “dạy” cho bài học. Sau mỗi lần như vậy, Q đều đe dọa đuổi chị D ra đường, không cho tiền điều trị bệnh cho mẹ vợ… nếu để người ngoài biết chuyện. Cao điểm, Q đã đánh chị D thâm tím tay chân. Biết chuyện, tổ hòa giải thôn X đã đến nhà Q để hòa giải.
Tại đây, hòa giải viên M đã hỏi anh Q: “Có phải anh đánh đập vợ không?”
Anh Q trả lời: “Ai bảo các ông/bà vậy? Cháu yêu thương cô ấy còn chả hết nữa là… Không tin, ông/bà cứ hỏi cô ấy xem.” Vừa nói, Q vừa vòng tay ra sau lưng vợ tỏ vẻ tình cảm nhưng đầu ngón tay thì bấm chặt vào người chị D, cấu chị D. Cựa mình để tránh cái ghì tay của chồng, chị D trả lời: “Dạ, do cháu không cẩn thận khi xuống cầu thang, trượt chân ngã ạ.”

CÂU HỎI GỢI Ý TÌNH HUỐNG 1:

1. Trường hợp này có thuộc phạm vi được hòa giải ở cơ sở không?
2. Những vấn đề giới nào cần lưu ý khi hòa giải?
3. Anh/chị có nhận xét gì về cách thức tổ chức hòa giải của tổ hòa giải thôn X:
 Cách tìm hiểu thông tin về xung đột, mâu thuẫn khi có cả hai vợ chồng có hợp lý không? Tại sao?
 Cách đặt câu hỏi của hòa giải viên M như thế nào? Có phù hợp trong hoàn cảnh này không?
 Tại sao chị D lại trả lời không đúng sự thật như vậy?
4. Anh/chị nghĩ sao nếu tại buổi hòa giải đó, tổ hòa giải thôn X hòa giải cho vợ chồng anh Q, chị D theo hướng “đóng cửa bảo nhau”, khuyên chị D nín nhịn để giữ gìn hôn nhân và để con cái có cả cha lẫn mẹ?

Lưu ý: Một số lầm tưởng của hòa giải viên khi hòa giải: (i) quan niệm “bát đũa còn có lúc xô” nên vợ chồng mâu thuẫn, xô xát với nhau là chuyện bình thường, người vợ cần nhẫn nhịn, khéo léo chiều chồng; (ii) mục tiêu cao nhất trong hòa giải các mâu thuẫn vợ – chồng là giúp gia đình không bị tan vỡ, không ly hôn; (iii)không quan tâm đến tính bền vững của kết quả hòa giải thành.
5. Nếu được giao hòa giải vụ việc này, anh/chị sẽ hòa giải như thế nào?
 Gặp gỡ riêng chị D để tìm hiểu thông tin, những vướng mắc, uẩn khúc khó sẻ chia trong cuộc sống vợ chồng anh chị (việc gặp gỡ này cần và nên được thực hiện bởi hòa giải viên là nữ).
 Tìm hiểu thêm thông tin từ cha mẹ, con cái, anh chị em, người thân, họ hàng làng xóm xung quanh.
 Tìm hiểu các quy định của pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân để có cơ sở hướng dẫn, giải thích, phân tích cho các bên:
+ Pháp luật: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; chế tài (hành chính và hình sự) xử lý đối với người có hành vi bạo lực gia đình…
 Chỉ tổ chức buổi hòa giải khi có mặt đủ cả hai vợ chồng và hòa giải viên đã nắm rõ các thông tin liên quan.
 Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên nên sử dụng cách nói trung lập, tránh việc anh Q hiểu thông tin hòa giải viên được biết do chị D cung cấp (Ví dụ: Theo thông tin từ những người hàng xóm xung quanh, chúng tôi được biết vào hồi… giờ, ngày… họ đã trông thấy anh đánh vợ ở hiên nhà…); phân tích cho anh Q biết được hành vi đánh chị D như vậy là vi phạm pháp luật, các chế tài về hành chính, hình sự có thể được áp dụng đối với anh nếu anh không chấm dứt hành vi vi phạm. Hòa giải viên cần tạo ra một bầu không khí thân thiện, cởi mở, gần gũi để cả hai vợ chồng đều có thể chia sẻ, giãi bày nhữngtâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình…
Nếu hòa giải thành công, cần tiếp tục thường xuyên trao đổi, trò chuyện với chị D để tìm hiểu về cuộc sống thực của chị, tránh tình trạng tiếp tục diễn biến hành vi bạo lực dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.

TÌNH HUỐNG 2.
Năm 1990, Nguyễn Mạnh Th theo gia đình đi xây dựng kinh tế mới tại huyện X, tỉnh Gia Lai. Năm 2001, anh Th quen và kết hôn với chị Rơmah Mơly, dân tộc Rơ Măm và sinh sống tại nhà vợ. Do vợ chồng chịu khó, thuận hòa, nên chỉ với 2 ha đất rẫy ban đầu được bố mẹ vợ cho, đến nay vợ chồng anh chị đã sở hữu diện tích lớn đất trồng tiêu, cà phê và một số cây có giá trị khác đem lại thu nhập hàng năm lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, vừa qua chị Mơly bị tai nạn giao thông và qua đời. Theo tập tục cuê nuê-nối dây, bố mẹ vợ anh Th muốn anh tái hôn với người cháu gái là con chú ruột chị Mơly, nếu không đồng ý thì anh sẽ phải rời đi với hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, anh Th không đồng ý. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

CÂU HỎI GỢI Ý TÌNH HUỐNG 2

1. Trường hợp trên có thuộc phạm vi được hòa giải ở cơ sở không?
2. Có vấn đề giới trong tình huống trên không?
3. Nếu được phân công hòa giải, anh/chị sẽ hòa giải vụ việc như thế nào?
Gợi ý:
 Xác định vấn đề giới trong vụ việc.
 Tìm hiểu nguyên nhân xung đột, mâu thuẫn.
 Mối quan hệ giữa quy định pháp luật thực định và phong tục tập quán điều chỉnh mâu thuẫn, xung đột (quy định về điều kiện kết hôn, tài sản chung của vợ chồng trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định pháp luật dân sự về thừa kế tài sản… với quy định về tài sản, hôn nhân gia đình trong luật tục của người Rơ Măm).
 Xác định thành phần tham gia hòa giải (già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, người phiên dịch (nếu cần)…).
4. Đề xuất một số giải pháp đảm bảo tính nhạy cảm giới cho trường hợp trên?

TÌNH HUỐNG 3
Con gái Giàng S là Giàng Thị D – 15 tuổi, đang học trường nội trú dưới huyện. Một hôm, Giàng S bàn với vợ về chuyện gả chồng cho con gái. S quả quyết: “Tôi thấy thằng Ch trong thôn này là xứng đáng nhất, nó vừa to khoẻ lại con nhà giàu, bố mẹ nó có nhiều trâu, bò, lúa gạo. Bố mẹ nó đã gặp tôi để xin con mình về làm vợ thằng Ch rồi”. Nghe vậy, vợ Giàng S nói rằng: “Không được đâu, con D nhà mình còn nhỏ lắm, với lại nó đang học dưới huyện. Nó nói với tôi sau này sẽ đi học làm cô giáo mà”. Thấy vợ phản đối, Giàng S nổi cáu: “Tôi đã quyết rồi, con gái học nhiều làm gì, cái chữ có ăn được không?
Con gái như quả bom nổ chậm ấy, lo lắm, nó phải lấy thằng Ch. Con gái trước sau chẳng đi lấy chồng, cần gì phải học nhiều!”
Do bất đồng ý kiến về việc bắt cháu D mới 15 tuổi đi lấy chồng, hai vợ chồng Giàng S đã xảy ra mâu thuẫn.

CÂU HỎI GỢI Ý TÌNH HUỐNG 3

1. Mâu thuẫn giữa vợ chồng anh Giàng S có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở không?
2. Mâu thuẫn giữa vợ chồng anh Giàng S là về vấn đề gì?
3. Nguyên nhân chính làm phát sinh mâu thuẫn giữa hai vợ chồng là gì?
4. Trong vụ việc trên, có vấn đề gì về giới phát sinh? Vấn đề giới đó ảnh hưởng trực tiếp đến ai? Ảnh hưởng theo hướng nào, tiêu cực hay tích cực? Vì sao?
5. Căn cứ pháp lý áp dụng để hòa giải trong vụ việc này?
6. Hòa giải viên cần xác định phương hướng hòa giải và cách giải quyết các vấn đề giới trong vụ việc trên như thế nào?

TÌNH HUỐNG 4
Năm 2013, anh Nguyễn Văn N kết hôn với chị Nguyễn Thị Đ và chung sống với nhau tại địa phương. Anh N được cha ruột là ông Nguyễn Văn B cho phần đất ở có diện tích 176m2. Phần đất này được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 01/4/2014 đứng tên vợ chồng anh N, chị Đ. Thời điểm cấp giấy chứng nhận, trên phần đất có căn nhà với diện tích 54m2, kết cấu cột bê tông, mái tôn, nền gạch tàu, vách tôn. Từ năm 2015, vợ chồng anh N và chị Đ thường xuyên đi làm ăn xa, ít khi về nhà, nên ông B nói chị P là chị ruột của anh N qua ở, quản lý và sử dụng. Ngày 19/5/2018, anh N chết, chị Đ cùng các con trở về quê sinh sống và tiến hành sửa chữa lại căn nhà của vợ chồng được cho trên. Tuy nhiên, chị P cản trở, không cho chị Đ thực hiện sửa chữa nhà vì cho rằng nhà này do chị quản lý, sử dụng từ lâu, hiện anh N đã chết nên chị Đ không có quyền gì đối với căn nhà và đất này. Hai bên phát sinh tranh chấp.

CÂU HỎI GỢI Ý TÌNH HUỐNG 4

1. Trường hợp vụ việc này có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở không?
2. Vụ việc này có phát sinh vấn đề giới không? Đó là vấn đề gì?
3. Mâu thuẫn cốt lõi trong vụ việc này là gì?
4. Xác định cơ sở pháp lý để giải quyết mâu thuẫn?
5. Hướng giải quyết mâu thuẫn này? Cách giải quyết mâu thuẫn đó ảnh hưởng thế nào đến các bên tranh chấp?

TÌNH HUỐNG 5
Anh Tiến và chị Vân kết hôn từ năm 2015. Hai anh chị có hai con chung. Anh Tiến làm giám đốc một doanh nghiệp nên thu nhập khá cao. Chị Vân làm nhân viên văn phòng nên thu nhập ở mức trung bình. Hai vợ chồng có một khoản tiết kiệm 600 triệu đồng, gửi ngân hàng đứng tên chị Vân. Khi mẹ bị ốm nặng phải vào bệnh viện cấp cứu, chị Vân đã rút 100 triệu từ sổ tiết kiệm để lo chữa bệnh cho mẹ nhưng không nói cho anh Tiến biết. Một thời gian sau, anh Tiến hỏi đến tiền tiết kiệm mới biết việc này. Anh Tiến rất bực mình vì cho rằng chị Vân đã tự tiện tiêu tiền, không hỏi ý kiến anh, không  coi anh ra gì. Còn chị Vân cho rằng đấy là tiền chung của vợ chồng nên chị cũng có quyền chi tiêu. Hai anh chị đã cãi nhau và phát sinh mâu thuẫn.
Tổ hòa giải sẽ giải quyết vụ việc này như thế nào?

CÂU HỎI GỢI Ý TÌNH HUỐNG 5

1. Vụ việc trên có thuộc phạm vi hòa giải cơ sở không?
2. Vụ việc trên có vấn đề giới không?
3. Nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn giữa hai bên trong vụ việc này?
4. Mâu thuẫn chính của vụ việc này là gì?
5. Cơ sở pháp lý để giải quyết mâu thuẫn?
6. Hòa giải viên giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?

TÌNH HUỐNG 6
Gia đình bác P sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái). Năm 2019, vợ bác P ốm đau và qua đời. Bác P ở và sống chung với người con cả là anh S. Năm nay đã 80 tuổi, bác P muốn để lại tài sản là 30 ha đất rừng (trồng cây keo đã được cấp sổ lâm bạ) cho các. Anh S thì cho rằng: “bố ở với tôi thì tài sản thuộc về tôi, vì tôi có công chăm sóc bố”. Hai anh con trai còn lại có ý kiến: “là con trai thì chúng tôi phải được chia đều, còn M và Y là con gái đã đi lấy chồng thì không được hưởng tài sản”. Bác P chưa biết xử lý thế nào, do vậy các con trai và con gái của bác P thường xuyên cãi vã nhau, ảnh hưởng tới tình cảm anh, chị, em trong gia đình và trật tự của thôn.
Bác P muốn nhờ tổ hòa giải can thiệp để giải thích cho các con của bác hiểu và giữ gìn hòa thuận và bình yên trong gia đình. Vậy tổ hòa giải sẽ giải quyết vụ việc này như thế nào?

CÂU HỎI GỢI Ý TÌNH HUỐNG 6

1. Vụ việc này có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở không?
2. Trong tình huống trên có phát sinh vấn đề về giới không? Đó là vấn đề gì?
3. Mâu thuẫn giữa các con của bác P là gì? Nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn?
4. Quan hệ pháp luật trong vụ việc này là gì?
5. Xác định căn cứ pháp lý giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong vụ việc trên?
6. Hòa giải viên sẽ giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn giữa các con bác P như thế nào

TÌNH HUỐNG 7
Đất của nhà anh Q và đất của nhà chị B liền kề nhau. Năm 2008 anh Q xây một căn nhà cấp 4 trên nền đất nhà mình, nhưng cách với ranh giới đất nhà chị B khoảng 1m. Năm 2012, chị B làm nhà 3 tầng sát với ranh giới đất nhà anh Q. Năm 2019, khi anh Q phá dỡ nhà cấp 4 để xây lại nhà thì phát hiện móng của nhà chị B làm sau đã lấn sang nền đất của nhà anh Q khoảng 10 cm, kéo dài theo chiều dài thửa đất giữa hai nhà và theo móng nhà của nhà chị B là 10m. Từ phần tường xây nổi lên trên mặt đất vẫn trong ranh giới đất của nhà chị B nên anh Q không biết là chị B đã lấn sang phần đất nhà anh 10cm khi xây móng nhà. Anh Q rất bức xúc, hai bên lời qua tiếng lại cãi nhau gay gắt, không bên nào chịu bên nào. Cả anh Q và chị B cùng yêu cầu tổ hòa giải của thôn giải quyết tranh chấp.

CÂU HỎI GỢI Ý TÌNH HUỐNG 7

1. Vụ việc trên có thuộc phạm vi của hòa giải ở cơ sở không?
2. Trong vụ việc trên có vấn đề giới không?
3. Mâu thuẫn chính giữa hai bên trong vụ việc này là gì? Nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn?
4. Quan hệ pháp luật trong vụ việc trên là gì?
5. Xác định các căn cứ pháp lý là cơ sở giải quyết tranh chấp trên?
6. Hòa giải viên có thể có những cách giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trên như thế nào?

TÌNH HUỐNG 8
Ông O, 76 tuổi và bà T, 75 tuổi là chị em con bá con dì, hai nhà liền nhau. Buổi chiều, cô E là con dâu út của bà T trồng mấy chục cây cà giống, đến sớm hôm sau đột nhiên mất hết không còn lấy một mầm. Vốn không ưa nhau từ trước, cô E ngờ cô B – dâu trưởng của ông O nhổ phá. Lúc đầu họ chỉ chửi bóng gió, sau đó người nhà bà T đắp cái rãnh thoát nước ao nhà ông O chảy qua đất bà T. Rãnh đắp vào, khơi ra mấy bận rồi bịt hẳn. Một hôm, sau khi đi dự đám cưới về, cô B rảo chân vượt qua bà T, nhổ nước miếng xuống đường.
“A, con này láo, mày nhổ vào mặt tao hử!?” – Bà T gào lên. “Mặt bà là cái nõ gì mà tôi nhổ!” – Cô B lầm bầm bỏ đi. Tin trên nhanh chóng lan truyền, khắp họ kéo đến hình thành hai phe xông vào nhau, gây mất trật tự thôn xóm.
Trường hợp này, khi nhận được thông tin vụ việc, hòa giải viên sẽ giải quyết như thế nào?

CÂU HỎI GỢI Ý TÌNH HUỐNG 8

1. Xác định nội dung tranh chấp trong vụ việc trên? Nguyên nhân phát sinh tranh chấp?
2. Vụ việc trên có phát sinh vấn đề giới không?
3. Căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp trên?
4. Các phương án giải quyết tranh chấp trong vụ việc trên?

Trích từ Bộ Tài liệu tập huấn “Bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở”

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *