Một số vướng mắc về xử phạt hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng

Thời gian qua, các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc trong việc hiểu và áp dụng quy định về xử phạt đối với hành vi sử dụng đất khai hoang trước ngày 05/01/2020 (ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành). Theo cách hiểu của cơ quan chuyên môn thì Nghị định 91 quy định xử phạt tất cả các trường hợp lấn, chiếm đất trước ngày 05/01/2020 và kể từ ngày 05/01/2020, dẫn đến các trường hợp người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận mà nguồn gốc đất là đất hoang, sử dụng trước ngày 15/10/1993 hay trước 01/7/2014 đều phải xử phạt vi phạm hành chính rồi mới làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  hay như trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì trường hợp người dân sử dụng đất hoang trước ngày 01/7/2014 cũng yêu cầu phải xác định hành vi vi phạm trong nguồn gốc đất thì mới thực hiện các thủ tục về bồi thường.

Chúng tôi cho rằng, cách hiểu và áp dụng Nghị định 91 để xử phạt các trường hợp người dân đã sử dụng đất trước ngày 05/01/2020 – ngày Nghị định 91 có hiệu lực thi hành rồi mới thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy, bồi thường khi nhà nước thu hồi đất là chưa phù hợp với pháp luật và thực tiễn, bởi lẽ:

+ Thứ nhất, các Nghị định 102/2014/NĐ-CP, Nghị định 105/2009/NĐ-CP quy định về  xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, không có điều khoản quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 tại khoản 2 Điều 165 còn khuyến khích người dân đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng. Do đó, việc xử lý các hành vi lấn, chiếm đất trước ngày Nghị định 91 có hiệu lực thi hành là không phù hợp với pháp luật tại thời điểm mà người dân thực hiện hành vi khai hoang đất đai để sử dụng.

+ Thứ hai, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì:

  • Tại khoản 1 Điều 2 quy định: Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
  • Tại điểm d khoản 1 Điều 3 quy định: Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định
    Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ : Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
    Một số vướng mắc về xử phạt hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng

Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì để xác định là vi phạm hành chính thì phải có pháp luật quy định và phải bị xử phạt, trong khi đó các hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng trước ngày 05/01/2020 pháp luật không quy định xử phạt vi phạm hành chính nên không có cơ sở để xác định là hành vi vi phạm pháp luật.

+ Thứ ba, một trong những nguyên tắc áp dụng pháp luật theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.”

Như vậy, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ áp dụng hồi tố đối với các hành vi xảy ra trước ngày có hiệu lực của một văn bản mới nếu nó có lợi cho người vi phạm, còn gây thiệt hại hơn so với quy định trước đó thì không áp dụng. Do đó, căn cứ vào nguyên tắc ngày thì tại thời điểm trước ngày 05/01/2020 pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng nên không thể xác định họ có hành vi vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 05/01/2020.’

+ Thứ tư, Theo khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì: Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó

Tại Điều 42 Nghị định 91 quy định về điều khoản chuyển tiếp thì chỉ quy định xử lý đối với trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính.

Như vậy, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 42 Nghị định 91 thì chỉ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi từ ngày Nghị định 91 có hiệu lực thi hành, không có quy định áp dụng hiệu lực trở về trước đối với hành vi chưa lập biên bản vi phạm hành chính.

+ Thứ năm, thực tiễn sử dụng đất thường xuyên thay đổi chủ sử dụng đất. Có trường hợp người dân khai hoang đất từ những năm 1980, sử dụng thời gian sau đó để lại cho con cháu tiếp tục sử dụng (1990) và thời gian sau những người này tiếp tục chuyển nhượng lại cho người khác sử dụng (2015) . Như vậy, nếu thực hiện theo cách hiểu là áp dụng Nghị định 91 để xử phạt hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng thì XỬ PHẠT đối tượng nào cho đúng? Đối tượng khai hoang đầu tiên hay là người sử dụng đất sau cùng?. Và Thời điểm xác định hành vi lấn, chiếm là thời điểm nào để xử phạt?  là thời điểm bắt đầu khai hoang sử dụng đất hay là thời điểm người sử dụng đất đang sử dụng?

Trangtinphapluat.com giới thiệu thêm để bạn đọc tham khảo về ý kiến trả lời của Tổng cục quản lý đất đai về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với sử dụng đất bằng chưa sử dụng trước 01/7/2014. Nội dung trả lời được đăng trên mục hỏi đáp, cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Câu hỏi:

Kính thư quý Bộ! Tôi là luật sư hiện đang tham gia tư vấn pháp lý cho 1 trường hợp có đơn yêu cầu xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất khai hoang theo khoản 4 điều 22 Nghị định 43. Trường hợp này khai phá đất bằng chưa sử dụng từ năm 2001 để sản xuất nông nghiệp, đã được UBND xã xác nhận sử dụng ổn định trước ngày 1/7/2004 và phù hợp với quy hoạch. Trong quá trình nghiên cứu quy định pháp luật tôi nhận thấy có điều chưa rõ, cụ thể: tại khoản 4 điều 22 Nghị định 43 này đã quy định rất cụ thể về việc xử lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với đất khai hoang. Tuy nhiên, tại Nghị định 91 thì lại xác định hành vi lấn chiếm đất bằng chưa sử dụng thì được xác định là hành vi phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Tôi xin quý Bộ giải thích rõ trường hợp này phải bị xử phạt trước khi cấp giấy chứng nhận hay là chỉ áp dụng khoản 4 điều 22 Nghị định 43 để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải xử phạt. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Tổng cục Quản lý đất đai ( 8/9/2022 10:56:06 AM )

Về Câu hỏi của Quý Công dân hỏi, Tổng Cục Quản lý đất đai trả lời như sau:

Khoản 4 điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt, không có tranh chấp thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; nếu vượt hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì diện tích vượt hạn mức phải chuyển sang thuê” thuộc trường hợp quy định việc xử lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014. Cụ thể ở đây hành vi sử dụng đất đã cấu thành hành vi chiếm đất theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP và phải bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 5 Điều 14 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.

Theo khoản 1 Điều 170 của Luật Đất đai năm 2013 quy định thì nghĩa vụ của người sử dụng đất: “…tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Do đó, người sử dụng đất trước khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận quyền sử dụng đất thì phải có nghĩa vụ chấp hành việc xử phạt vi phạm hanh chính đối với hành vi vi phạm của mình.

Trangtinphapluat.com rất mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung trên. Ý kiến ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết.

rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *