Trangtinphapluat.com giới thiệu các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ giữa vợ và chồng, những thuận lợi và khó khăn, bất cập sau 3 năm thi hành Luật HNGĐ ( trích dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm thi hành Luật HNGĐ của Bộ Tư pháp)
1. Về quan hệ giữa vợ và chồng
1.1. Về đại diện
Luật đã quy định cụ thể hơn về các trường hợp đại diện giữa vợ và chồng để phù hợp với những đặc thù của quan hệ kinh doanh, bao quát hơn các trường hợp vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên xác lập, thực hiện, qua đó, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng và gia đình; quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba; sự an toàn trong giao dịch.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, việc đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh, Luật HNGĐ và các văn bản liên quan chưa làm rõ thế nào được hiểu là vợ chồng kinh doanh chung (phải lấy tài sản chung đem ra kinh doanh hay lấy tài sản riêng của một người, người kia góp công sức…)[1]; đồng thời, quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật HNGĐ chưa có sự thống nhất với Điều 136 BLDS bởi vì BLDS không ghi nhận việc đại diện đương nhiên giữa vợ và chồng và BLDS cũng không có quy định mở rộng “các trường hợp khác theo quy định của luật”. Do đó, không có cơ sở để áp dụng[2].
1.2. Về chế độ tài sản của vợ chồng
Luật HNGĐ đã bổ sung quy định vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc theo luật định, qua đó, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau và của vợ chồng đối với gia đình; tôn trọng quyền tự do cá nhân của vợ, chồng; bảo đảm an toàn pháp lý và sự ổn định trong các giao dịch, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba…. Tuy nhiên, một số vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện làm rõ hơn, như :
– Cơ chế công khai về thỏa thuận của vợ chồng trong xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận.
(Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân – UBND xã có được chứng thực?)
Các loại tài sản khác, các quan hệ nghĩa vụ, hợp đồng được quy định tại các luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể về đất đai, chứng khoán, vốn góp tại doanh nghiệp, đối tượng sở hữu trí tuệ… cần được quy định cụ thể hơn về sở hữu của vợ chồng trong quan hệ liên quan.
(So sánh Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 và Luật Hôn nhân gia đình năm 2000)
– Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình, liên quan đến chia tài sản chung các khoản thu được từ việc khai thác tài sản riêng, chung của vợ chồng trong lĩnh vực cụ thể trong một số trường hợp chưa rõ ràng nên khó khăn trong việc xác định khối tài sản chung để phân chia; cơ chế lấy ý kiến thỏa thuận trong trường hợp vợ chồng có thời gian không sống chung với nhau mà mỗi bên có quản lý tài sản chung của vợ chồng; cơ chế vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới trong thực hiện nghĩa vụ với người thứ ba nếu giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện, không phải đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình (ví dụ: nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch đầu tư, kinh doanh, hụi, họ, cho vay…); cơ chế xác định người thứ ba ngay tình và bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng; cơ chế xử lý mối liên hệ giữa việc thực hiện quyền đối với tài sản, ví dụ quyền của bên thế chấp, quyền của bên nhận thế chấp với bảo đảm về nơi ở của vợ chồng; làm rõ hơn một số thuật ngữ dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau như: “tài khoản ngân hàng”, “tài khoản chứng khoán”, “tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”, “nguồn sống duy nhất của gia đình”, “không vì nhu cầu của gia đình”…[3]
(Tải slide bài giảng Luật Hôn nhân và gia đình)
3.3. Về ly hôn
Luật HNGĐ đã có những quy định minh bạch, đầy đủ, cụ thể hơn về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, về cơ chế giải quyết ly hôn, về quyền, nghĩa vụ của vợ chồng khi ly hôn và của cha mẹ và con khi ly hôn, cơ chế xử lý tài sản của vợ chồng khi ly hôn liên quan đến người thứ ba, liên quan đến tài sản đưa vào kinh doanh, qua đó, bên cạnh bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, con thì cũng bảo đảm sự ổn định của các quan hệ xã hội có liên quan. Tuy nhiên, để bảo đảm hơn tính khả thi của quy định này thì một số vấn đề pháp lý về ly hôn cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn, như:
– Pháp luật về đầu tư, kinh doanh cần cụ thể hóa quy định của Luật HNGĐ về chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh, nhất là các vấn đề về góp vốn, quyền của người góp vốn trong công ty, xác định tư cách cổ đông, quyền hưởng lợi tức cổ đông…
(Quy định về kết hôn trong Luật Hôn nhân gia đình và những vướng mắc)
– Cần có hướng dẫn cụ thể hơn về những nội dung mang tính chất trung tính, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, như “thật sự tự nguyện ly hôn”, “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”, “người mẹ không đủ điều kiện”… để tránh việc áp dụng không thống nhất, phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người có thẩm quyền, như thẩm phán, kiểm sát viên.
– Cần có cơ chế pháp lý để bảo vệ hiệu quả hơn quyền, lợi ích của các bên liên quan trong thực hiện quyền lưu cư của vợ chồng khi ly hôn, quyền của con dâu, con rể khi sống chung với gia đình nhà chồng, nhà vợ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con…[4] Clip bài giảng Luật hôn nhân và gia đình
3.4. Về ly thân
Luật HNGĐ chưa quy định về chế định ly thân nhưng thực tế hiện tượng này vẫn xảy ra. Do đó, một số Bộ, ngành, địa phương đề nghị nghiên cứu ghi nhận chế định ly thân trong Luật. Việc quy định chế định ly thân sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi của các con, các thành viên khác trong gia đình; minh bạch hóa các giao dịch dân sự, kinh tế do một bên vợ, chồng thực hiện… Bên cạnh đó, ly thân còn là một biện pháp giúp các bên vợ, chồng tránh tình trạng bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho vợ chồng có thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến tới quyết định ly hôn…[5] Trường hợp chưa ghi nhận chế định độc lập về ly thân thì cần nghiên cứu bổ sung ly thân là một căn cứ cho ly hôn.[6]
[1] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
[2] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
[3] Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; UBND các tỉnh: Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hải Dương
[4] Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; TW Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; UBND các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bình Dương, Khánh Hòa, Tiền Giang, Đồng Nai, Bạc Liêu, Đăk Lăk, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ; Sở Tư pháp Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình
[5] Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; UBND tỉnh Thái Nguyên
[6] Tòa án nhân dân tối cao; UBND tỉnh Đồng Nai, Cần Thơ, Quảng Nam
Rubi