Giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn có phải là quyết định hành chính không? Trường hợp thông tin trên Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bị sai sót nhưng UBND cấp xã không chỉnh lại thông tin theo yêu cầu của người đề nghị thì người đó có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn không?
Trả lời:
Khoản 7 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Giấy chứng nhận kết hôn là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam nữ khi đăng ký kết hôn; nội dung Giấy chứng nhận kết hôn bao gồm các thông tin cơ bản quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này”
Khoản 1 Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân”.
Khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch”.
Như vậy, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn không phải là quyết định hành chính. Trường hợp thông tin trên Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch thì phải yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 7 Luật Hộ tịch năm 2014 thực hiện việc cải chính hộ tịch. Nếu Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền không thực hiện thì có quyền khởi kiện hành vi hành chính không đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch của Ủy ban nhân dân.
“Điều 7. Thẩm quyền đăng ký hộ tịch
1. Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau:
a) Đăng ký sự kiện hộ tịch quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 3 của Luật này cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;
b) Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung thông tin hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;
c) Thực hiện các việc hộ tịch theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 3 của Luật này;
d) Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam; khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này:
a) Đăng ký sự kiện hộ tịch quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật này có yếu tố nước ngoài;
b) Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc;
c) Thực hiện các việc hộ tịch theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật này.
3. Cơ quan đại diện đăng ký các việc hộ tịch quy định tại Điều 3 của Luật này cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài.
4. Chính phủ quy định thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con, khai tử quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.”
Trích: Công văn 207/TANDTC-PC: Công văn 207/TANDTC-PC ngày 30/10/2024 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính
Rubi