Việc cải chính sai sót thông tin trong bản chính giấy chứng tử hiện nay có một số vướng mắc liên quan đến việc xác định thẩm quyền cải chính, bởi vì có sự không thống nhất giữa Luật Hộ tịch, NGhị định 123/2015/NĐ-CP và Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật Hộ tịch và Nghị định 123.
Quy định về cải chính hộ tịch
+ Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 của Luật Hộ tịch thì Cải chính hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch.
+ Theo khoản 2 Điều 7 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch thì:Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
(Đọc bài viết có được cải chính giấy chứng tử)
+ Theo Điều 17 của Thông tư 04/2020/TT-BTP thì: Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác.
Sai sót trong đăng ký hộ tịch là sai sót của người đi đăng ký hộ tịch hoặc sai sót của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Như vậy, việc cải chính hộ tịch chỉ được thực hiện khi có sai sót trong quá trình đăng ký và chỉ được thực hiện đối với sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch.
Thẩm quyền cải chính giấy chứng tử
+ Theo quy định tại Điều 27 của Luật Hộ tịch thì: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
+ Theo khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch thì: Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.
+ Theo khoản 3 Điều 17 của Thông tư 04/2020/TT-BTP thì: Việc cải chính nội dung đăng ký khai tử thuộc thẩm quyền của cơ quan đã đăng ký khai tử, theo đề nghị của người có trách nhiệm đăng ký khai tử quy định tại Điều 33 Luật hộ tịch.
Như vậy, theo Luật Hộ tịch thì thẩm quyền cải chính hộ tịch đối với bản chính giấy chứng tử là UBND cấp xã nếu cải chính cho trường hợp dưới 14 tuổi, trường hợp trên 14 tuổi do UBND cấp huyện thực hiện. Còn theo Thông tư 04 thì cơ quan nào đăng ký khai tử cơ quan đó thực hiện cải chính nội dung đăng ký khai tử không phân biệt độ tuổi của người được cải chính như Luật Hộ tịch quy định
Ví dụ: UBND cấp xã đã đăng ký khai tử thì UBND cấp xã thực hiện cải chính. UBND cấp huyện đăng ký khai tử thì UBND cấp huyện thực hiện cải chính.
Quy định của Thông tư 04 tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện cải chính nội dung khai tử cho người thân trong trường hợp có sai sót. Tuy nhiên, về thẩm quyền thì không phù hợp với quy định của Luật Hộ tịch.
+ Theo quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Như vậy, Luật có hiệu lực cao hơn Thông tư nên về nguyên tắc phải áp dụng theo Luật Hộ tịch để xác định thẩm quyền cải chính giấy chứng tử.
Trangtinphapluat.com cho rằng trong trường hợp cải chính sai sót trong giấy chứng tử thì nên áp dụng theo quy định của Thông tư 04/2020/TT-BTP để xác định thẩm quyền cải chính hộ tịch, cụ thể là cơ quan nào đăng ký giấy chứng tử thì cơ quan đó có trách nhiệm cải chính sai sót trong giấy chứng tử cũng như trong sổ hộ tịch.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc về thẩm quyền cải chính bản chính giấy chứng tử.
Rubi