Một bạn đọc gửi mail tới trangtinphapluat.com với nội dung đề nghị hướng dẫn xác định việc xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần theo Nghị định 68/2025/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, câu hỏi như sau: Theo Khoản 3 Điều 1 Nghị định 68/2025 quy định:
“ 1a. Cá nhân, tổ chức tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã bị xử phạt hoặc chưa bị xử phạt đối với hành vi vi phạm được quy định ở các điểm trong cùng một khoản hoặc các khoản trong cùng một điều với mức độ vi phạm hoặc hậu quả gắn với mức phạt khác nhau, thì được coi là vi phạm cùng một hành vi để xác định tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần.
1b. Nếu vi phạm hành chính nhiều lần được quy định là tình tiết tăng nặng và thuộc trường hợp quy định tại khoản 1a Điều này thì áp dụng khung tiền phạt cao nhất, khung thời hạn đình chỉ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề dài nhất quy định đối với hành vi đó trong các lần vi phạm.”.
Trường hợp cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính, xác định một tổ chức đã vi phạm hành chính nhiều lần như sau:

Ngày thứ nhất: 3 lần vi phạm;
Ngày thứ hai : 4 lần vi phạm.
Hành vi vi phạm này được quy định tại một điều khoản xử phạt có quy định tình tiết vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng.
Như vậy tổ chức này bị xử phạt như thế nào?
Phương án thứ 1: xử phạt 1 hành vi vi phạm với khung hình phạt cao nhất do vi phạm hành chính nhiều lần;
Phương án 2: Hành vi vi phạm đầu tiên phạt trung bình khung, từ hành vi thứ hai trở đi được xác định là trường hợp vi phạm hành chính có tình tiết tăng nặng và xử phạt từng hành vi (tất cả 7 hành vi vi phạm).
Trangtinphapluat.com trả lời như sau:
1. Căn cứ trả lời
+ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020
+ Nghị định 68/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
2. Để hiểu và xác định mức phạt theo khoản 1a và 1b Điều 8 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 68/2025/NĐ-CP thì cần hiểu thế nào là vi phạm hành chính nhiều lần? thế nào là tái phạm.
a) Thế nào là tái phạm?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì:
“Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó”
Như vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ nói là thực hiện lại hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt chứ không nêu rõ hành vi đó được quy định ở các điểm trong cùng một khoản hoặc các khoản trong cùng một điều nên thực tế khi áp dụng tái phạm thường các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chỉ xác định tái phạm khi cùng thực hiện hành vi tại 1 điều khoản, điểm cụ thể của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính.
b) Thế nào là vi phạm hành chính nhiều lần?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì:
“Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý.”
Theo quy định trên thì cũng chỉ nêu chung chung là thực hiện lại hành vi vi phạm hành chính đã thực hiện, chứ không nêu rõ hành vi đó được quy định ở các điểm trong cùng một khoản hoặc các khoản trong cùng một điều nên thực tế khi áp dụng chỉ xử lý vi phạm hành chính nhiều lần khi cùng thực hiện 1 hành vi ở 1 điểm hoặc ở 1 khoản của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính.
Để làm rõ và hướng dẫn về “Tái phạm”, “vi phạm hành chính nhiều lần”, Nghị định 68/2025/NĐ-CP đã bổ sung quy định theo hướng là hành vi ở các điểm trong cùng một khoản hoặc các khoản trong cùng một điều để xác định tái phạm, vi phạm hành chính nhiều lần, theo đó:

“1a. Cá nhân, tổ chức tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã bị xử phạt hoặc chưa bị xử phạt đối với hành vi vi phạm được quy định ở các điểm trong cùng một khoản hoặc các khoản trong cùng một điều với mức độ vi phạm hoặc hậu quả gắn với mức phạt khác nhau, thì được coi là vi phạm cùng một hành vi để xác định tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần.
1b. Nếu vi phạm hành chính nhiều lần được quy định là tình tiết tăng nặng và thuộc trường hợp quy định tại khoản 1a Điều này thì áp dụng khung tiền phạt cao nhất, khung thời hạn đình chỉ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề dài nhất quy định đối với hành vi đó trong các lần vi phạm.”
c) Trong tình huống bạn nêu thì tổ chức thực hiện 7 lần hành vi vi phạm trong 2 ngày và Hành vi vi phạm này được quy định tại một điều khoản xử phạt có quy định tình tiết vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng.
Căn cứ vào khoản 1b Điều 8 Nghị định 118/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 68/2025/NĐ-CP thì trường hợp bạn nêu trên: Tổ chức sẽ bị phạt ở khung tiền cao nhất cũng như các biện pháp bổ sung ở mức cao nhất chứ không phạt hành vi vi phạm ở 7 lần trong 2 ngày.

Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com liên quan đến việc xử phạt đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 68/2025/NĐ-CP.
Rubi