- Nhà đầu tư nước ngoài nợ thuế không được cấp phép kinh doanh
Đây là thông tin từ Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/01/2018 quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài…
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước đã tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa sẽ được cấp Giấy phép kinh doanh nếu: Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên; Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh…
Đối với nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì ngoài điều kiện nêu trên còn phải đáp ứng thêm các tiêu chí: Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động; Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước; Mức độ đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Trường hợp hàng hóa kinh doanh thuộc nhóm hàng hóa Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường như gạo, đường, vật phẩm đã ghi hình, sách, báo và tạp chí, sẽ xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi.
Nghị định này có hiệu lực từ 15/01/2018.
- Nới lỏng quy định về lập website thương mại điện tử
Nghị định 08/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/01/2018, theo đó có rất nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được nới lỏng hơn.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Nghị định này quy định, thương nhân, tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân sẽ được thiết lập website thương mại điện tử, mà không cần phải có website với tên miền hợp lệ; thương nhân, tổ chức cũng không cần phải có chức năng, nhiệm vụ phù hợp như quy định trước đây.
Trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại, Nghị định này quy định thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi có hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã hoạt động ít nhất 01 năm. Như vậy, các điều kiện khác quy định trước đây như: Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền; Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không thuộc đối tượng cấm kinh doanh… đã được bãi bỏ.
Trong lĩnh vực xăng dầu, bỏ yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có đăng ký kinh doanh xăng dầu trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, theo Nghị định này, mọi doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật đều có thể kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu nếu đáp ứng các điều kiện khác liên quan, không còn bị yêu cầu về đăng ký kinh doanh ràng buộc.
Nghị định này được ban hành và có hiệu lực cùng ngày 15/01/2018.
3. Bãi bỏ hàng loạt ưu đãi về cơ chế, tài chính trong khu kinh tế cửa khẩu
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 01/2018/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 72/2013 của Thủ tướng quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu.
Theo quyết định mới của Thủ tướng, các dự án đầu tư đang được hưởng chính sách ưu đãi ghi trong giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư đã được cấp hoặc đang được hưởng mức ưu đãi theo quy định tại Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu tiếp tục thực hiện các ưu đãi đó cho thời gian còn lại của dự án.
Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới quy định mức ưu đãi cao hơn thì được lựa chọn hưởng chính sách ưu đãi cao hơn cho thời gian còn lại của dự án.
Quyết định 01/2018/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018.
- Tăng cường giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới
Ngày 19/01/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg yêu cầu tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới, theo đó:
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá và lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Luật nuôi con nuôi và khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi.
Đồng thời rà soát và đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố; thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực cho cơ sở trợ giúp xã hội, không phân biệt cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trong việc giải quyết nuôi con nuôi theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi.
Bên cạnh đó tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác xã hội thuộc các cơ sở trợ giúp xã hội về công tác giải quyết việc nuôi con nuôi; về các điều ước quốc tế về nuôi con nuôi và quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi ở địa phương nhằm thực hiện tốt công tác tìm gia đình thay thế; đẩy mạnh công tác xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi; tăng cường công tác giám sát, quản lý việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ liên quan đến việc nuôi con nuôi nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và đúng pháp luật.
Thanh tra, kiểm tra thường kỳ và đột xuất việc tiếp nhận và giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm ngăn ngừa và phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật; thực hiện các biện pháp cụ thể phù hợp nhằm thúc đẩy công tác nuôi con nuôi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng.
5. Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh triển khai bắt buộc đội mũ bảo hiểm
Ngày 19/01/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, theo đó:
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố, điều tra và truy tố trước pháp luật những tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, phân phối mũ bảo hiểm giả (tập trung vụ việc đã gây hậu quả thiệt hại về tính mạng và sức khỏe cho người tham gia giao thông nếu đội mũ bảo hiểm giả).
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, các lực lượng Công an khác và Công an xã tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện, nhất là xử lý người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm; hàng tháng, quý thông báo đến các trường học trên địa bàn để nhà trường nhắc nhở, giáo dục đối với những học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
6.Danh mục giống vật nuôi được kinh doanh tại Việt Nam
Ngày 16/01/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Thông tư số 01/2018/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Danh mục này ngoài các giống vật nuôi đã được quy định trước đây như: Ngựa; Bò; Trâu; Lợn; Dê; Cừu; Gà; Vịt; Ngan; Ngỗng; Thỏ; Chim bồ câu; Chim cút; Đà điểu; Ong; Tằm, còn bổ sung thêm: Phôi động vật (Phôi ngựa, bò, trâu, lợn, dê, cừu, thỏ); Trứng đã thụ tinh để ấp (Trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng, chim bồ câu, chim cút, đà điểu)…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 03/3/2018.
rubi