Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc chuyên đề Tìm hiểu quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Kỳ số 8 tìm hiểu về các chức danh không cần phải là đại biểu hội đồng nhân, đại biểu quốc hội.
Câu 1: Chức danh nào không phải là đại biểu Quốc hội vẫn được bầu hoặc phê chuẩn giữ chức?
a. Phó chủ tịch nước.
b. Tổng thư ký Quốc hội.
c. Phó thủ tướng Chính phủ.
d. b và c.
Đáp án D: Tổng thư ký Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ.
+ Theo Điều 92 Hiến pháp 2013 thì: Phó Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch nước giúp Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và có thể được Chủ tịch nước ủy nhiệm thay Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ.
+ Theo Khoản 2 Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 thì: Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
+ Theo Khoản 1 Điều 4 của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì: Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước; còn các chức danh Phó Thủ tướng thì không quy định phải là đại biểu Quốc hội.
+ Theo khoản 1 Điều 9 Luật Tổ chức Quốc hội thì: Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người.
+ Theo khoản 6 Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội thì: Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì Tổng thư ký Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ không bắt buộc phải là đại biểu Quốc hội.
Câu 2: Bạn hãy nêu một trong các quyền của HĐND trên cơ sở kết quả hoạt động giám sát? (Dẫn điều luật và phân tích không quá 200 chữ)
Theo khoản 4 Điều 87 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì Căn cứ vào kết quả giám sát, Hội đồng nhân dân có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành văn bản để thi hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân;
b) Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trái với Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân;
c) Ra nghị quyết về trả lời chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn khi xét thấy cần thiết;
d) Miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy bannhân dân và Ủy viên Ủy ban nhân dân.
Phương Thảo