Luật Thanh tra năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 và thay thế cho Luật Thanh tra năm 2010. Trangtinphapluat.com biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 so với Luật Thanh tra năm 2010.
- Xem Điểm mới Luật Thanh tra năm 2022 so với Luật Thanh tra 2010 (Phần 1)
- Điểm mới Luật Thanh tra năm 2022 so với Luật Thanh tra 2010 (Phần 2)
- Điểm mới Luật Thanh tra năm 2022 so với Luật Thanh tra 2010 (Phần 4)
1. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính
Luật Thanh tra năm 2010 không quy định rõ trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính mà trình tự, thủ tục được Chính phủ quy định tại Nghị định 86/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thanh tra.
Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính gồm 3 bước: Chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp, kết thúc cuộc thanh tra.
Bước 1. Chuẩn bị thanh tra, bao gồm các bước sau đây: Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra; Ban hành quyết định thanh tra; Xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.
Bước 2. Tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm các bước sau đây: Công bố quyết định thanh tra; Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; Kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.
Bước 3. Kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm các bước sau đây: Báo cáo kết quả thanh tra; Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; Ban hành kết luận thanh tra; Công khai kết luận thanh tra.
2. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành
Luật Thanh tra năm 2010 không quy định rõ trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính mà trình tự, thủ tục được Chính phủ quy định tại Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.
Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành gồm 3 bước: Chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp, kết thúc cuộc thanh tra.
3. Căn cứ ra quyết định thanh tra
Luật Thanh tra năm 2010 quy định 04 căn cứ ra quyết định thanh tra, Luật năm 2022 kế thừa 04 căn cứ này và bổ sung thêm căn cứ khác có liên quan theo quy định của pháp luật, cụ thể: Việc ra quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ sau đây:
+ Kế hoạch thanh tra;
+ Yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước;
+ Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
+ Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
+ Căn cứ khác có liên quan theo quy định của luật.
4. Bổ sung Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước
Ngoài quy định trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 còn bổ sung trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước như sau:
+ Yêu cầu cơ quan thanh tra cùng cấp tiến hành thanh tra trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc để đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
+ Bảo đảm hoạt động của Đoàn thanh tra được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc hoạt động thanh tra; không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra;
+ Xử lý kịp thời kiến nghị về thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.
5. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra
Luật Thanh tra năm 2020 kế thừa Luật Thanh tra năm 2010 về quy định: Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra hoặc cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý ký luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đồng thời Luật Thanh tra năm 2022 bổ sung thêm 02 trường hợp xử lý vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra, gồm:
+ Trường hợp sau khi kết thúc thanh tra mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện vụ việc có vi phạm pháp luật xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được thanh tra về cùng một nội dung mà Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra có lỗi thì phải chịu trách nhiệm; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp Đoàn thanh tra đã phát hiện và báo cáo về vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng người ra quyết định thanh tra không xử lý thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thành viên Đoàn thanh tra đã phát hiện và báo cáo về vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng Trưởng đoàn thanh tra không xử lý thì thành viên đó không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, Trưởng đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
6. Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra
Luật Thanh tra năm 2022 đã bổ sung quy định: Khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật này, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước.
Đồng thời, Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
7. Thanh tra lại
Luật Thanh tra năm 2010 chỉ quy định chung thanh tra lại được thực hiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và không nêu rõ thời hiệu thanh tra lại là bao lâu. Luật Thanh tra năm 2022, quy định cụ thể việc thanh tra lại và thời hiệu thanh tra lại như sau:
Căn cứ thanh tra lại :
+Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra;
+ Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra;
+ Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra;
+ Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
+ Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.
Thời hiệu thanh tra lại là 02 năm kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra.
Còn nữa