Điểm mới Luật Thanh tra năm 2022 so với Luật Thanh tra 2010 (Phần 1)

Luật Thanh tra năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 và thay thế cho Luật Thanh tra năm 2010. Trangtinphapluat.com biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 so với Luật Thanh tra năm 2010.

1. Về bố cục của Luật Thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 có 8 chương, 118 điều, tăng 01 chương và 40 điều so với Luật Thanh tra năm 2010.

2. Về phạm vi điều chỉnh

Luật Thanh tra năm 2022 đã bỏ phạm vi điều chỉnh về Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra năm 2010, chỉ điều chỉnh về tổ chức và hoạt động thanh tra.

3. Về giải thích từ ngữ

Luật Thanh tra năm 2022 bổ sung giải thích một số từ ngữ như:

+ Khái niệm Kế hoạch tiến hành Thanh tra là kế hoạch tiến hành một cuộc thanh tra do Trưởng đoàn thanh tra xây dựng và được người ra quyết định thanh tra phê duyệt.

+ Khái niệm về phạm vi thanh tra, nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra, thời kỳ thanh tra, thời hạn thanh tra, kết luận thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, người tiến hành thanh tra, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, cơ quan thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 bỏ giải thích cụm từ “thanh tra nhân dân” vì Luật 2022 không điều chỉnh hoạt động thanh tra nhân dân như Luật năm 2010

Điểm mới Luật Thanh tra năm 2022 so với Luật Thanh tra 2010
Điểm mới Luật Thanh tra năm 2022 so với Luật Thanh tra 2010

4. Mục đích hoạt động thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022, bổ sung thêm điều khoản quy định mục đích hoạt động thanh tra, theo đó hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Các hành vi bị nghiêm cấm

Luật Thanh tra năm 2022 kế thừa Luật Thanh tra năm 2010 quy định về 9 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: lạm quyền trong quá trình thanh tra,; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra; không cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra…

6. Về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra

Luật Thanh tra năm 2010 chia làm 02 nhóm: Cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Luật Thanh tra năm 2022 chia làm 5 nhóm: Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan Cơ yếu Chính phủ; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

7. Thanh tra Chính phủ

7.1. Vị trí, chức năng của Thanh tra Chính phủ

Về cơ bản, Luật Thanh tra 2022 kế thừa Luật Thanh tra năm 2010 về vị trí, chức năng của Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên bổ sung thêm nội dung quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân.

Cụ thể, vị trí, chức năng của Thanh tra Chính phủ như sau: Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

7.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ

Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn kế thừa theo Luật Thanh tra năm 2010 thì Luật mới bổ sung cho Thanh tra Chính phủ một số nhiệm vụ, quyền hạn như sau: Giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, quản lý nhà nước về phòng, chống tiêu cực

8. Thanh tra Tổng cục, Cục

Luật Thanh tra năm 2010 không quy định Thanh tra Tổng cục, Cục mà chỉ quy định Thanh tra chuyên ngành.

Luật năm 2022, đã đưa quy định Thanh tra Tổng Cục, cục từ Nghị định do Chính phủ ban hành vào trong Luật do Quốc hội ban hành nhằm thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan Thanh tra.

9. Thanh tra tỉnh

Luật Thanh tra năm 2022 ngoài quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn như Luật năm 2010 còn bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tiếp công dân, phòng, chống tiêu cực

10. Thanh tra Sở, Thanh tra huyện

Cũng giống như Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở và Thanh tra huyện được bổ sung thêm nhiệm vụ tiếp công dân, phòng, chống tiêu cực.

Rubi

Còn nữa

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *