Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc những vướng mắc của Luật hộ tịch năm 2014 như về xác định dân tộc trong trường hợp trẻ bị bỏ rơi, xác định quê quán cho con, về thu hồi, hủy bỏ đăng ký khai tử…
1. Xác định dân tộc cho trẻ bị bỏ rơi
Quy định của Bộ luật Dân sự
– Tại khoản 2 Điều 29 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định: “… Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.”
Quy định của Nghị định 123/2015/NĐ_CP
– Tại khoản 3, Điều 14 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP lại quy định về việc ghi phần khai dân tộc khi đi đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi như sau: “3. … Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.”
Việc quy định không thống nhất giữa Bộ Luật dân sự năm 2015 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP về cách ghi phần khai dân tộc cho trẻ em bị bỏ rơi đã gây khó khăn cho công chức Tư pháp – Hộ tịch áp dụng giải quyết thủ tục hành chính.
Đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi nội dung về hướng dẫn cách ghi dân tộc khi đi đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP để thống nhất với quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015
2. Thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch
UBND cấp huyện thu hồi giấy tờ hộ tịch
Điểm h, khoản 1, Điều 70 Luật Hộ tịch quy định UBND cấp huyện có trách nhiệm “Thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do UBND cấp xã cấp trái quy định của Luật này, trừ trường hợp kết hôn trái pháp luật”.
Như vậy đối với những giấy tờ hộ tịch được cấp trái với các văn bản quy định về đăng ký hộ tịch trước khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành như: Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch; Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch; Nghị định số 04/CP ngày 16/01/1961 của Hội đồng Chính phủ về ban hành điều lệ đăng ký hộ tịch nhưng đến thời điểm hiện tại mới bị phát hiện thì cơ sở nào để thu hồi, hủy bỏ các giấy tờ trên
Cần bổ sung quy định các trường hợp thu hồi
Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điểm h, khoản 1, Điều 70 như sau: “ Thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do UBND cấp xã cấp trái quy định của Luật này và các văn bản quy định về đăng ký hộ tịch trước khi Luật này có hiệu lực, trừ trường hợp kết hôn trái pháp luật”.
Cần bổ sung quy định thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch
Điểm e khoản 1 Điều 69, điểm h khoản 1 Điều 70 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do UBND cấp dưới cấp trái quy định, đối với các loại giấy tờ hộ tịch do Sở Tư pháp cấp trái quy định của pháp luật thì Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch cấp trái quy định đó dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật, xử lý giấy tờ hộ tịch do Sở Tư pháp cấp trái quy định của pháp luật
3. Vướng mắc xác định quê quán
Khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”.
Việc xác định quê quán cho con khi đăng ký khai sinh được lựa chọn theo quê quán của cha hoặc mẹ nhưng lại không quy định việc xác định quê theo nơi sinh trưởng của cha hoặc mẹ hay theo nguyên quán (quê của ông, bà), dẫn đến việc không thống nhất khi xác định quê quán
Đề nghị có hướng dẫn cụ thể đối với việc xác định quê quán cho con khi đăng ký khai sinh
4. Chưa thống nhất về đăng ký khai tử
Theo quy định tại Điều 32 Luật Hộ tịch thì: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử”.
Theo quy định trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc đăng ký khai tử
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 7 Luật Hộ tịch về thẩm quyên đăng ký hộ tịch (trong đó có nội dung đăng ký khải tử) thì việc đăng ký khai tử trong từng trường hợp cụ thể thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện là chưa thống nhất với quy định tại Điều 32 Luật Hộ tịch.
Rubi