Luật hết hiệu lực, văn bản hướng dẫn thi hành có còn hiệu lực?

Văn bản pháp luật hết hiệu lực khi nào?

Trong thời gian gần đây, trangtinphapluat.com nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc về vấn đề khi luật có hiệu lực thi hành, chẳng hạn như Luật Xây dựng, Luật Hôn nhân và Gia đình… có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015 thì các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này có còn hiệu lực áp dụng hay không? Hay là hết hiệu lực theo văn bản luật.

          Để trả lời thắc mắc của bạn đọc, trangtinphapluat.com chia sẻ một số ý kiến như sau:

Hiệu lực của văn bản pháp luật
Văn bản pháp luật hết hiệu lực khi nào?

           Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể, không lặp lại quy định của văn bản được quy định chi tiết và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít văn bản hướng dẫn được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản được hướng dẫn đã gây không ít khó khăn cho cơ quan áp dụng. Hiện nay có 2 cách hiểu khác nhau về vấn đề hiệu lực của văn bản hướng dẫn khi văn bản được hướng dẫn hết hiệu lực thi hành.

Luật hết hiệu lực, văn bản hướng dẫn cũng hết theo?

          Đa số ý kiến cho rằng, khi luật đã hết hiệu lực thi hành thì đương nhiên các văn bản hướng dẫn luật cũng sẽ hết hiệu lực thi hành mà không cần phải có văn bản thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ. Trong trường hợp chưa có văn bản hướng dẫn luật mới thì phải chờ có hướng dẫn mới thực hiện. Điển hình của việc này đó là khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014 nhưng chưa có nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thay thế cho Nghị định 105/2009/NĐ-CP nên các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp đã dừng việc xử phạt vi phạm hành chính, vì cho rằng không có căn cứ để xử phạt.

Khi nào văn bản QPPL hết hiệu lực
Xác định văn bản hết hiệu lực

Văn bản pháp luật hết hiệu lực

          Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết thì đối với những văn bản luật đã ban hành và có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành thì chúng ta có thể áp dụng các văn bản hướng dẫn của luật cũ nếu các quy định đó không trái với luật mới và có lợi cho người dân. Bời vì, theo Điều 81 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì văn bản pháp luật luật hết hiệu lực toàn bộ hay một phần khi:

  • Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;
  • Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;
  • Bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, nếu văn bản hướng dẫn luật không thuộc trong 3 trường hợp hết hiệu lực nêu trên thì nó vẫn còn hiệu lực thi hành và vẫn được áp dụng nếu nó không trái với quy định của luật mới.

Từ 01/7/2016, Luật hết hiệu lực thì văn bản hướng dẫn cũng hết hiệu lực

Theo khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  năm 2015, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 thì: Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.

Như vậy, do Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008 không quy định cụ thể nên nhiều trường hợp văn bản luật hết hiệu lực nhưng các cơ quan nhà nước vẫn áp dụng các nghị định hướng dẫn luật để giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh mà văn bản luật mới chưa có hướng dẫn. Tuy nhiên từ 01/7/2016 theo Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật năm 2015, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 thì khi văn bản luật hết hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết cũng hết hiệu lực.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *