Những hạn chế trong xử phạt VPHC lĩnh vực lâm nghiệp, thú y

Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc những hạn chế, bất cập trong  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y và chăn nuôi.

– Một số lĩnh vực mặc dù đã ban hành văn bản Quy phạm pháp luật quy định về nội dung nhưng chưa có quy định về chế tài xử phạt do đó chưa có cơ sở để xử phạt (Nghị định số 102/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng Lâm nghiệp; hành vi săn bắt động vật hoang dã trong tự nhiên ngoài rừng theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; …), Thông tư số 12/2020/TT- BNNPTNT quy định về quản lý thuốc thú y có chứa ma túy tiền chất; kê đơn thuốc, đơn thuốc thú y.

          Bên cạnh đó, các Nghị định hiện hành chưa quy định hoặc quy định chưa  rõ ràng đối với một số nội dung: Nghị định số 35/2019/NĐ-CP: chỉ quy định về phương pháp xác định khối lượng gỗ, trọng lượng lâm sản… không quy định phương pháp xác định diện tích rừng hoặc diện tích có cây trồng chưa thành rừng; phương pháp xác định loại rừng, trạng thái rừng bị tác động, thiệt hại nên không có căn cứ để xử phạt vi phạm; Chưa quy định về việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như trồng lại rừng hoặc các biện pháp lâm sinh đối với các trường hợp vi phạm không xác định được đối tượng vi phạm hành chính.

Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm Nghiệp
Những hạn chế trong xử phạt VPHC lĩnh vực lâm nghiệp, thú y

– Một số quy định về cách thức xác định, hành vi, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cần được rà soát điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn:

          + Nghị định số 35/2019/NĐ-CP:

           Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định về giải thích từ ngữ có tách các khái niệm về: (1) tang vật, (2) dụng cụ, công cụ và (3) phương tiện. Tuy nhiên, quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; không quy định tịch thu dụng cụ, công cụ được sử dụng để vi phạm hành chính do đó không có căn cứ để tịch thu dụng cụ, công cụ được sử dụng để vi phạm hành chính.

          Điều 15 quy định về Vi phạm quy định về trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, về các khung tiền phạt, khoảng thời gian, diện tích chậm trồng rừng thay thế còn mâu thuẫn, khó áp dụng; do đó cần sửa đổi bổ sung (Ví dụ: chậm trồng trên 01 năm với diện tích từ dưới 01 ha thì phạt 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; chậm trồng trên 02 năm với diện tích từ dưới 01 ha thì phạt 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Như vậy chậm trồng trên 01 năm đã bao gồm cả trên 02 năm và trên 03 năm nên không biết áp dụng khung nào để xử phạt).

          Một số vụ vi phạm, các đối tượng chỉ thực hiện hành vi bắt động vật rừng, không sử dụng dụng cụ, công cụ. Tuy nhiên, tại Điều 21 Nghị định số 35, quy định “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng” gồm hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật. Hành vi “săn bắt” không tách thành từng hành vi riêng biệt “săn, bắt” như quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Lâm nghiệp, gây khó khăn, vướng mắc trong việc xác định hành vi vi phạm để xử phạt.

Tại khoản 11 Điều 20  Nghị định 35 hành vi bóc vỏ, ken cây, khoan vào thân cây, băm gốc, đổ hóa chất hủy hoại gốc, rễ cây rừng làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển cây đối với cây thân gỗ có đường kính tại vị trí 1,3 m nhỏ hơn 8 cm chưa được quy định chế tài xử phạt gây vướng mắc trong việc áp dụng chế tài xử phạt đối với hành vi trên.

Nghị định số 35 chỉ quy định hình thức và mức xử phạt tiền đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng (Điều 21). Trên thực tế hiện nay có nhiều loại động vật hoang dã không sinh sống trong rừng, mà sinh sống tại các khu vực ngoài phạm vi đất lâm nghiệp (không phải là rừng theo quy định của Luật lâm nghiệp), điển hình là một số loài chim (Chim Sẻ, Chào Mào, Quốc…).

Tại các Điều 22, 23 quy định xử lý đối với hành vi vận chuyển từ trong rừng ra các loại than hầm, than hoa được xác định là có nguồn gốc từ rừng tự nhiên thì mới xử lý được. Trường hợp các đối tượng chuyên thu gom vận chuyển, mua bán than hầm, than hoa ở giữa thành phố không chứng minh được từ rừng ra, cũng như có nguồn gốc từ rừng tự nhiên thì không xử lý được.

+ Nghị định số 31/2016/NĐ-CP; Nghị định 90/2017/NĐ-CP và Nghị định số 14/2020/NĐ-CP:

Cả 03 Nghị định đều quy định các hành vi tương tự nhau là xử phạt vi phạm hành chính đối với người buôn bán thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc thú y mà để các hàng hóa này chung với các hang hóa khác nhưng lại quy định mức phạt khác nhau. Trong khi đó, thông thường các cửa hàng bán thường kinh doanh nhiều loại hàng hóa khác nhau, do đó, cùng một hành vi nhưng có thể bị xử phạt khác nhau do đoàn kiểm tra bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác nhau thực hiện.

Một số các cụm từ trong Nghị định số 90/017/NĐ-CP được sử dụng chưa chính xác, chưa thống nhất với các văn bản bản khác gây khó khăn trong thực hiện như tại điểm b khoản 2 Điều 11, Điều 21, 22.

– Việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung về tịch thu phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm phải bị tịch thu theo Nghị định 35 đối các phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính. Trên thực tế đối với những đối tượng vi phạm là lái xe thuê phần lớn có điều kiện kinh tế khó khăn; nơi cư trú ngoài địa bàn huyện, tỉnh; đối với những phương tiện như: Ô tô, máy đào, máy ủi…giá trị phương tiện lớn thì việc chấp hành hình phạt “phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước.” là không khả thi, khó khăn trong việc áp dụng.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *