Một số bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com cho biết trong trường hợp Quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả không xác định được đối tượng vi phạm hành chính thì có ban hành quyết định cưỡng chế để tổ chức thực hiện hay không?.
Trangtinphapluat.com trả lời như sau:
Vẫn ban hành quyết định khắc phục hậu quả
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật bị tịch thu, tiêu hủy; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
Như vậy, theo Luật xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền vẫn lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định buộc khắc phục hậu quả theo mẫu số 13 của Nghị định 97/2017/NĐ-Cp sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật xử lý vi phạm hành chính (hiện nay là theo mẫu số 15 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính)
Tổ chức KPHQ như thế nào?
Vấn đề đặt ra là sau khi ban hành Quyết định buộc khắc phục hậu quả thì bước tiếp theo phải làm như thế nào để thực hiện các biện pháp KPHQ ghi trong quyết định (chẳng hạn như buộc khôi phục tình trạng ban đầu,tháo dỡ công trình vi phạm…). Có phải ban hành quyết định cưỡng chế hay không? hay là chỉ tổ chức thực hiện biện pháp KPHQ.
Ban hành Quyết định cưỡng chế?
Một số ý kiến cho rằng: Theo mẫu Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trong Điều 3 của Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả có ghi nội dung “Quá thời hạn quy định mà không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật”.
Và khoản 1 Điều 3 Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì: Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền.
(Xem mẫu kế hoạch cưỡng chế vi phạm hành chính mới nhất)
Như vậy, nếu cưỡng chế thì phải ban hành quyết định cưỡng chế rồi mới tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.
Tổ chức thi hành ngay QĐKPHQ
Theo quan điểm của trangtinphapluat.com thì trường hợp ban hành quyết định khắc phục hậu quả khi không xác định đối tượng vi phạm hành chính thì người được giao tổ chức thực hiện tổ chức thi hành các biện pháp KPHQ theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
– Khoản 4 Điều 85 quy định: “Trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này hoặc cá nhân chết, mất tích hoặc tổ chức bị giải thể, phá sản mà không có tổ chức nào tiếp nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 75 của Luật này thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính phải tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Chi phí cho việc tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách dự phòng cấp cho cơ quan đó.”.
– Không ban hành quyết định cưỡng chế bởi vì theo Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trường hợp cưỡng chế chỉ áp dụng khi cá nhân/tổ chức bị xử phạt không chấp hành. Ở đây không có người vi phạm nên không thuộc trường hợp ban hành quyết định cưỡng chế.
– Theo hướng dẫn của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính – Bộ Tư pháp tại Công văn 103/BTP-QLXLVPHC-TDTHPL-XLHC ngày 16/3/2016 thì tại mục 3 có nêu:
Về việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì không xác định được đối tượng vi phạm hành chính hoặc cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt, đề nghị áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật xử lý vi phạm hành chính.
(Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
Tóm lại, trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính thì sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả thì không ban hành quyết định cưỡng chế mà cơ quan, cá nhân được giao tổ chức thực hiện biện pháp buộc khắc phục hậu quả tổ chức thực hiện bằng cách ban hành kế hoạch trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, thành viên tham gia.
Rubi