Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc bài viết: Vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục hành chính cấp quyền sử dụng đất lần đầu giữa cơ quan thuế và các cơ quan thực hiện công chứng, chứng thực, của tác giả jonahex toro.
1. Quy định về thuế
– Tại điều 6, Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT ngày 22/6/2016 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất thì Hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính đất đai:
“Hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính khi đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất; thực hiện chuyển hình thức sử dụng đất; gia hạn sử dụng đất; chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất bao gồm:
Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Mẫu số 01/LCHS quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính).
Tờ khai lệ phí trước bạ (bản chính). Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (nếu có), Tờ khai thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (trừ trường hợp bên chuyển nhượng là doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản) theo quy định của pháp luật về thuế (bản chính, nếu có).
Văn bản của người sử dụng đất đề nghị được miễn, giảm các Khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai (bản chính) và bản sao các giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn, giảm theo quy định của pháp luật (bản sao, nếu có).
Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật (bản sao, nếu có).
Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản theo quy định của pháp luật (bản sao) hoặc Hợp đồng tặng cho tài sản là bất động sản theo quy định của pháp luật (bản sao) hoặc Hợp đồng (hoặc các giấy tờ) thừa kế bất động sản (bản sao); Hóa đơn giá trị gia tăng đối với trường hợp tổ chức chuyển nhượng bất động sản (bản sao).
Căn cứ tính thuế của cơ quan thuế cần: Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản theo quy định của pháp luật (bản sao) hoặc Hợp đồng tặng cho tài sản là bất động sản theo quy định của pháp luật (bản sao) hoặc Hợp đồng (hoặc các giấy tờ) thừa kế bất động sản (bản sao); Hóa đơn giá trị gia tăng đối với trường hợp tổ chức chuyển nhượng bất động sản (bản sao).”
Hợp đồng (hoặc các giấy tờ) thừa kế bất động sản có thể hiểu là: Biên bản họp gia đình, văn bản phân bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, các giấy tờ pháp lý có giá trị như hợp đồng… Dó đó, khi tính thuế cần có văn bản trên để có căn cứ tính thuế.
2. Quy định về giao dịch dân sự:
– Biên bản họp gia đình là văn bản ghi lại nội dung cuộc họp của hộ gia đình. Trong biên bản họp gia đình có ghi nhận vấn đề về tặng cho tài sản là động sản, bất động sản, quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Theo quy định tại Điều 121 “Bộ luật dân sự 2015” thì: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Trong trường hợp hộ gia đình tổ chức họp gia đình để tặng cho, phân chia di sản hoặc giao cho một người nào đó đứng tên trên quyền sử dụng đất khi chưa được nhà nước cấp quyền sử dụng đất thì có thể coi là một giao dịch dân sự (cho một người đứng tên trên quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc cá nhân đó là người được nhà nước cấp quyền sử dụng đất).
Theo quy định tại Điều 124 “Bộ luật dân sự 2015” thì hình thức của giao dịch dân sự được quy định như sau:
“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.”
Do đó , việc họp gia đình được lập thành biên bản trong đó có ghi nhận nội dung tặng cho phân chia di sản hoặc giao cho một người nào đó đứng tên thì có thể coi là một giao dịch dân sự. Như đã phân tích ở trên, biên bản hợp gia đình là một loại giao dịch dân sự và được thể hiện dưới dạng văn bản (biên bản họp gia đình). Biên bản họp gia đình ở đây có thể xem như hợp đồng để có căn cứ tính thuế khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực và đáp ứng các điều kiện về hình thức được quy định tại Điều 689 “Bộ luật dân sự 2015”.
3. Quy định về chứng thực:
– Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ trưởng Bộ tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số
23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Điều 25. Trường hợp không được chứng thực chữ ký
- Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
- Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.
- Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định này.
- Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 24 của Nghị định này hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoại lệ được chứng thực chữ ký Điểm d Khoản 4 Điều 24: “Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.”
Như vậy, theo khoản 4 Điều 25 thì việc yêu chứng thực biên bản họp gia đình, hay văn bản thỏa thuận của hộ gia đình, là văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch vì biên bản họp gia đình có nội dung tặng cho phân chia tài sản, có liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản và là một loại giao dịch dân sự, có giá trị pháp lý như một hợp đồng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực.
Quy định trên gây khó khăn cho công chức tiếp nhận hồ sơ, khiến cho một số công dân đang thực hiện thủ tục hành chính liên quan rất bức xúc vì công chứng cũng không được, chứng thực chữ ký cũng không được đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Nên sửa đổi các quy định của pháp luật phù hợp để không gây vướng mắc, chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính cho công dân.
Trangtinphapluat.com rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.