Theo quan điểm của một số người thì chỉ xử phạt hành vi xây dựng nhà trái phép khi công trình đó xây dựng trên đất ở, còn xây dựng trên đất khác thì không được xem là xây dựng nhà ở mặc dù thực tế đó là nhà ở. Ý kiến này căn cứ vào Khoản 29 Điều 3 của Luật Xây dựng, theo đó: Nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Trên cách hiểu đó, các cơ quan khi tham mưu xử lý hành chính trong lĩnh vực xây dựng đều lập biên bản, xử lý hành vi xây dựng công trình khác chứ không phải xây dựng nhà ở khi hành vi xây dựng thực hiện không phải trên đất ở.
Nhà ở riêng lẽ hay là công trình khác mới đúng?
Tôi cho rằng quan điểm này chưa đúng, bởi vì Nhà ở theo Luật Xây dựng là nhà ở hợp pháp còn trong xử lý hành chính thì nhà ở chưa hợp pháp nên không thể lấy cách hiểu nhà ở ở Luật Xây dựng mà áp dụng vào các trường hợp xây dựng nhà trái phép.
Quan điểm này căn cứ vào điểm a khoản 3, 5 điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (nay là Nghị định 100/2019/NĐ-CP) có quy định xử phạt đối với hành vi “Xây dựng công trình nhà ở trái phép trên đất dành cho đường bộ trong và ngoài đô thị”, điểm d khoản 4 Điều 9 Nghị định 139/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão; cũng có quy định xử phạt xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Từ 2 Nghị định trên thì rõ ràng đất dành cho đường bộ và đất bảo vệ công trình thủy lợi không phải là đất ở nhưng hành vi xây dựng nhà ở trái phép trên đất đó vẫn bị xử lý về hành vi xây dựng nhà ở không phép, sai phép.
Do đó, đối với các hành vi xây dựng nhà ở trên đất chưa chuyển đổi mục đích thì phải lập biên bản và xử lý về hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ không phép mới đúng quy định.
Rubi