Thông thường các cơ quan tham mưu khi phát hiện hành vi xây dựng không phép thường lập biên bản và tham mưu xử lý theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (nay là Nghị định 139/2017/NĐ-CP), mà không quan tâm đến xây dựng trên đất gì, vì cho rằng hành vi lấn, chiếm đất (nếu có) thì sẽ bị xử lý theo Nghị định trên lĩnh vực đất đai.
Xử phạt xây dựng không phép phải theo lĩnh vực chuyên ngành
Tuy nhiên,theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 của Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai (nay là Nghị định 91/2019/NĐ-CP) thì: “ Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác”.
Do đó, khi lập biên bản cần chú ý trường hợp xây dựng công trình không phép trên đất lấn chiếm mà thuộc hành lang an toàn giao thông, đê điều…thì cần phải nghiên cứu các Nghị định trên lĩnh vực đó để xử lý chứ không phải xử lý theo Nghị định trên lĩnh vực xây dựng. Và theo các Nghị định trên lĩnh vực đó, chẳng hạn như Nghị định 171/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có quy định: Xử phạt đối với hành vi xây dựng công trình nhà ở trái phép trên đất dành cho đường bộ trong và ngoài đô thị, ngoài phạt tiền còn bị buộc phá dỡ công trình…
Phương Thảo