Bạn đọc có địa chỉ mail tanle…. hỏi: Hành vi sử dụng đất sai mục đích tại khoản a, điểm 2 điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đối tượng vi phạm là tổ chức, theo quy định thì hành vi này bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu, nhưng vì đây là tổ chức nên mức phạt là từ 6 đến 10 triệu. Theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì Chủ tịch UBND xã được phạt tối đa không quá 5 triệu. Trường hợp này nếu xử phạt hành chính thẩm quyền thuộc về UBND huyện.
Nhưng vì đã hết thời hiệu xử phạt hành chính nên chỉ được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Mà biện pháp khắc phục hậu quả là trả lại tình trạng ban đầu thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã.
Vậy, đề nghị trangtinphapluat.com cho biết trong trường hợp này chủ tịch UBND xã có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không, hay thuộc về cấp huyện? Mong anh chị giải đáp.
Trangtinphapluat.com trả lời như sau:
1. Chủ tịch UBND cấp xã được quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
Theo như nội dung bạn hỏi thì bạn đã có sự nhầm lẫn về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã, bởi lẽ theo khoản 1 Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính thì Chủ tịch UBND cấp xã được phạt tối đa đến 5 triệu đồng nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì:
+ Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định tại Luật này đối với chức danh đó
Như vậy, đối với tổ chức Chủ tịch UBND cấp xã được phạt đến 10 triệu đồng chứ không phải là 5 triệu đồng như đối với cá nhân.
+ Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 91/2019/Nđ-CP thì: Thẩm quyền phạt tiền quy định tại các Điều 38 và 39 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân đối với chức danh đó.
Căn cứ vào quy định trên và khoản 1 Điều 38 Nghị định 91 thì đối với tổ chức Chủ tịch UBND cấp xã được phạt tối đa đến 10 triệu đồng và được Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Tóm lại, đối với trường hợp trên thì thẩm quyền xử phạt, khắc phục hậu quả (nếu không có buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp) đều thuộc Chủ tịch UBND cấp xã nên cho dù hết thời hiệu xử phạt thì Chủ tịch xã vẫn áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
2. Trường hợp trên mà có mức phạt quá 10 triệu đồng thì dù có hết thời hiệu xử phạt mà biện pháp khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã thì cấp xã vẫn không có thẩm quyền xử phạt mà phải chuyển cho Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp có thẩm quyền, bởi vì: Theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Thẩm quyền phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
Như vậy, khi xác định thẩm quyền phải căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt, do đó nếu mức tiền phạt vượt thì cấp xã phải chuyển hồ sơ lên cấp huyện. Do đó, nếu trường hợp trên mà số tiền vượt qua 10 triệu, thì dù hết thời hiệu xử phạt thì Chủ tịch UBND cấp xã vẫn không có quyền áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả khôi phục tình trạng ban đầu mà phải chuyển hồ sơ lên Chủ tịch UBND cấp huyện để ban hành quyết định khắc phục hậu quả.
Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com về xác định thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND cấp xã trong trường hợp mức tiền phạt không thuộc thẩm quyền nhưng phần áp dụng biện pháp thuộc thẩm quyền của cấp xã.
Rubi