Những chính sách có hiệu lực và hết hiệu lực từ tháng 3/2016

  1. Thân nhân chiến sĩ công an bị đau ốm được trợ cấp 500.000 đồng

Có hiệu lực từ ngày 01/03/2016, Nghị định số 05/2016/NĐ-CP quy định thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần.

Mức trợ cấp chiến sĩ công an nhân dân
Mức trợ cấp chiến sĩ công an nhân dân

Cũng theo Nghị định này, mức trợ cấp khó khăn đột xuất với gia đình chiến sĩ phải di dời chỗ ở và thân nhân chiến sĩ từ trần, mất tích sẽ được tăng thêm 01 triệu đồng/suất so với quy định trước đây. Cụ thể, mức trợ cấp 03 triệu đồng/suất/lần được áp dụng trong trường hợp gia đình chiến sĩ, hạ sĩ quan gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở; mức trợ cấp 02 triệu đồng/suất áp dụng với trường hợp thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích.

  1. Quy định mới về giá dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình; Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/3/2016.

Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết việc quản lý nội dung thông tin, chất lượng, giá, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam; thu xem kênh truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh tại Việt Nam; áp dụng với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động quản lý nội dung thông tin, chất lượng, giá, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam; hoạt động thu xem kênh truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật truyền dẫn phát sóng kênh chương trình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá.

Giá dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền thực hiện công khai theo quy định của pháp luật như sau: Đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền niêm yết giá dịch vụ, giá gói dịch vụ gắn với các thông tin, thông số kỹ thuật cơ bản của dịch vụ, gói dịch vụ; địa điểm niêm yết tại các cơ sở kinh doanh có quầy giao dịch cung cấp dịch vụ và các địa điểm khác do đơn vị cung cấp dịch vụ quyết định.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 15/3/2016 các doanh nghiệp đang có hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, có hạ tầng truyền dẫn phát sóng nhưng chưa có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông nếu tiếp tục hoạt động phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông và cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

Các giấy phép, giấy chứng nhận được cấp theo quy định tại Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg tiếp tục có hiệu lực đến hết thời hạn đã được cấp Giấy phép.

  1. Thời hạn của giấy phép thành lập văn phòng đại diện

Từ ngày 10/03/2016, Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, thời hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh như sau:

– Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.

– Thời hạn của Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh được cấp lại bằng thời hạn của Giấy phép đã được cấp trước đó.

Nghị định 07/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 72/2006/NĐ-CP và bãi bỏ Điều 2 Nghị định 120/2011/NĐ-CP .

Văn phòng đại diện đã được cấp phép thành lập trước ngày 10/03/2016 được tiếp tục hoạt động cho đến hết thời hạn của Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đã cấp.

  1. Quy định mới về số lượng Phó Chủ tịch UBND

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08/2016/NĐ-CP quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2016.

Theo đó, số lượng Phó Chủ tịch UBND được xác định theo phân loại đơn vị hành chính quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Số lượng phó chủ tịch UBND các cấp
Số lượng phó chủ tịch UBND các cấp

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND thì Phó Chủ tịch UBND do luân chuyển, điều động nằm ngoài số lượng Phó Chủ tịch UBND quy định tại Nghị định này.

Cụ thể, đối với đơn vị hành chính ở nông thôn, tỉnh loại I có không quá 4 Phó Chủ tịch UBND; tỉnh loại II, loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND. Huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND. Xã loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND, xã loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

Đối với đơn vị hành chính ở đô thị, Nghị định quy định thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND.

Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND.

Phường, thị trấn loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân bầu Phó Chủ tịch UBND bảo đảm không vượt quá số lượng quy định trên.

  1. Quy định về hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai

Quyết định 01/2016/QĐ-TTg về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu lực kể từ ngày 05/3/2016.

Theo đó, nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ dân sinh, khôi phục hạ tầng như sau:

– Chỉ xem xét hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương đối với những địa phương có mức thiệt hại vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương.

– Việc hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai được phân thành các nhóm sau:

          + Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách.

+ Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%.

+ Các địa phương còn lại, ngân sách địa phương tự đảm bảo kinh phí.

+ Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

  1. Xe máy chuyên dùng lưu thông không quá 40 km/h

Ngày 31/12/2015, Bộ Giao thông và vận tải ban hành Thông tư 91/2015/TT-BGTVT có hiệu lực từ 01/2/2016 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ. Theo đó:

– Đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông thì tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40 km/h (trừ đường cao tốc).

– Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới trên đường bộ (trừ đường cao tốc) trong khu vực đông dân cư như sau:

+ Đường đôi (có dải phân cách giữa); đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên: 60 km/h;

+ Đường hai chiều không có dải phân cách giữa; đường một chiều có 1 làn xe cơ giới: 50 km/h.

Ngoài ra, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe và giảm tốc độ trong một số trường hợp như chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế…

Thông tư 91/2015/TT-BGTVT thay thế Thông tư 13/2009/TT-BGTVT.

  1. Giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn của quỹ tín dụng nhân dân

Ngày 31/12/2015, Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư  32/2015/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/3/2016.

Theo đó, Quỹ tín dụng nhân dân không được cho vay không có bảo đảm, cho vay với điều kiện ưu đãi  (ưu đãi về lãi suất, hồ sơ, trình tự, thủ tục xét duyệt cho vay, biện pháp bảo đảm nghĩa vụ nợ và các biện pháp xử lý thu hồi nợ) cho những đối tượng sau đây:

– Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán trưởng của quỹ tín dụng nhân dân.

– Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán và thanh tra viên đang thanh tra tại quỹ tín dụng nhân dân.

– Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại điểm a khoản này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó.

– Người thẩm định, xét duyệt cho vay của quỹ tín dụng nhân dân.

Thông tư 32/2015/TT-NHNN thay thế Quyết định 1328/2005/QĐ-NHNN.

  1. Quy định mới về kinh doanh dược liệu

Thông tư 03/2016/TT-BYT quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu bắt đầu có hiệu lực  từ ngày 06/03/2016.

Theo đó, hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu dược liệu gồm:

– Đơn hàng nhập khẩu (Đối với trường hợp nhập khẩu ủy thác, trên đơn hàng nhập khẩu phải thể hiện tên cơ sở nhập khẩu ủy thác.

– Bản tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm dược liệu của nhà sản xuất hoặc bản photo chuyên luận tiêu chuẩn chất lương của dược điển.

– Đối với dược liệu có thành phần hoạt chất gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất làm thuốc phải gửi kèm theo Báo cáo tồn kho.

Các mẫu của hồ sơ (đơn hàng nhập khẩu, báo cáo tồn kho …) được ban hành tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Thông tư này bãi bỏ quy định về xuất khẩu, nhập khẩu dược liệu tại Thông tư 47/2010/TT-BYT và 38/2013/TT-BYT .

  1. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa

Từ ngày 07/03/2016, Thông tư 18/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều Nghị định35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa bắt đầu có hiệu lực. Theo đó:

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để bảo vệ phát triển đất trồng lúa.

Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = Tỷ lệ phần trăm (x) Diện tích (x) Giá của loại đất trồng lúa.

Trong đó:

– Tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn của địa phương, nhưng không thấp hơn 50%.

– Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.

– Giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

  1. Quy định về quyết toán dự án thuộc nguồn vốn nhà nước

Từ ngày 05/03/2016, Thông tư 09/2016/TT-BTC quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, quy định cụ thể về chi phí đầu tư được quyết toán như sau:

– Chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

– Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được duyệt; hợp đồng được ký kết kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền.

– Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được phê duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

Thông tư này thay thế Thông tư 19/2011/TT-BTC và 04/2014/TT-BTC .

  1. Tăng viện phí từ 2-7 lần từ ngày 1/3/2016

Liên Bộ Y tế – Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, kể từ ngày 1/3/2016, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ tăng từ 2 đến 7 lần khi cộng thêm các chi phí tiền lương, chi phí phẫu thuật, thủ thuật vào giá.

Cụ thể, tiền khám bệnh từ 1/3/2016 vẫn không thay đổi so với khung giá “kịch trần” quy định trong Thông tư 04 của Bộ Y tế mà hiện các bệnh viện (BV) đang áp dụng. Cụ thể, tiền khám bệnh trong tháng 3 ở BV hạng 1 vẫn là 20.000 đồng/lượt khám; BV hạng 2 là 15.000 đồng, BV hạng 3 là 10.000 đồng, BV hạng 4 là 7.000 đồng. Và từ 1/7, tiền khám sẽ tăng lên tương đương các hạng BV là 39.000 đồng; 35.000 đồng, 31.000 đồng và 29.000 đồng.

Còn tiền giường bệnh có sự thay đổi mạnh mẽ. Tháng 3, tiền giường điều trị hồi sức tích cực ở BV hạng đặc biệt tăng từ 335.000 lên 354.000 đồng, còn tháng 7 tăng lên 677.000 đồng/người, BV hạng 1 là 354.000 và 632.000 đồng; BV hạng 2 là 350.000 và 568.000 đồng… Tiền giường bệnh nội khoa BV hạng 1 tăng từ 80.000 đồng lên 99.000 và 215.000 đồng (vào tháng 7)…

Ngoài ra, các dịch vụ thủ thuật, phẫu thuật khác đều có giá như nhau ở mọi hạng BV. Cụ thể, nội soi dịch vụ có sinh thiết, giá cũ 410.000 đồng, giá mới 525.000 đồng, giá tháng 7 là 621.000 đồng. Nội soi ổ bụng giá “kịch trần” trong Thông tư 04 là 575.000 đồng tăng lên 684.000 đồng vào tháng 3, tháng 7 là 793.000 đồng…

  1. Chia tài sản khi ly hôn phải xét đến lỗi của hai bên

Đây là một trong những điểm mới của Luật hôn nhân gia đình 2014 và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP sẽ có hiệu lực thi hành 01/03/2016.

Chia tài sản vợ chồng khi ly hôn
Chia tài sản vợ chồng khi ly hôn

Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Theo hướng dẫn tại Thông tư này thì trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

Như vậy, về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn đã có bổ sung mới khi đưa yếu tố lỗi vào là một trong những căn cứ trong phân chia tài sản chung giữa vợ chồng. Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ tài sản vợ chồng ưu tiên các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng thì Tòa án mới giải quyết theo quy định của Luật.

  1. Cách tính tiền lãi trốn đóng BHYT, BHXH

Đây là một trong những nội dung của Thông tư 20/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được ban hành ngày 03/02/2016.

Thông tư quy định, trường hợp trốn đóng; đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, đóng thấp hơn mức đóng của người thuộc diện bắt buộc tham gia; chiếm dụng tiền đóng hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được cơ quan BHXH, cơ quan có thẩm quyền phát hiện từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, cơ quan bảo hiểm sẽ tiến hành truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi chậm đóng.

Trong đó, toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016 được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016. Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/03/2016.

  1. VĂN BẢN ĐỊA PHƯƠNG
  2. Sửa đổi quy trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất

Theo Quyết định 02/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam Sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh, thì có một số sửa đổi quan trọng sau:

– Sửa đổi Khoản 2 Điều 16: Trường hợp người có đất  thu hồi được bồi thường bằng tiền thì số tiền bồi thường phải trừ khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Bảng giá đất năm 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Bảng giá đất năm 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

– Sửa đổi Điểm a Khoản 1 Điều 22 như sau: Mức hỗ trợ được xác địn bằng với giá đất nông nghiệp trong bảng giá đất do UBND tỉnh công bố nhân với hệ số:

Đất trồng lúa và đất làm muối : 3 lần, đất nuôi trồng thủy sản: 2,5 lần; đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây hàng năm khác: 2 lần; đất rừng sản xuất; đất nông nghiệp khác: 2 lần.

– Sửa đổi Điều 30: Suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở tương ứng với từng khu vực, cụ thể như sau: Khu vực 1: 70 m2, khu vực 2: 85m2, khu vực 3: 100m2.

  1. Thành phố Tam Kỳ triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến

Từ ngày 01/03/2016, bên cạnh việc tiếp nhận hồ sơ hộ tịch của cá nhân bằng hình thức trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 1 cửa của thành phố và xã, phường, qua đường bưu điện, thì thành phố Tam Kỳ bắt đầu triển khai tiếp nhận hồ sơ hộ tịch (đăng ký khai sinh, kết hôn, thay đổi, cải chính hộ tịch…) thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến tại địa chỉ website: quangnam.hotich.vn.

Quy định trên vừa được UBND thành phố ban hành vào ngày 24.2.2016 tại Thông báo số 42/TB-UBND. Theo đó, cá nhân có hộ khẩu thường trú, tạm trú, đang sinh sống trên địa bàn thành phố Tam Kỳ hoặc trước đây có đăng ký hộ tịch trên địa bàn Tam Kỳ có thể truy cập vào địa chỉ website quangnam.hotich.vn, chọn mục “Nộp tờ khai trực tuyến” và hoàn tất hồ sơ theo hướng dẫn. Trong quá trình đăng ký hộ tịch trực tuyến, nếu có thắc mắc, công dân có thể liên hệ Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ, thông qua đường dây nóng 0510.3.851.772, hoặc email Tuphaptamky@yahoo.com để được hỗ trợ giải đáp.

PHẦN B. VĂN BẢN HẾT HIỆU LỰC

  1. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
  2. Nghị định số87/2013/NĐ-CPngày 30/7/2013 quy định chế độ, chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân hết hiệu lực kể từ ngày 01/3/2016.
  3. Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg ngày 24/03/2011 về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền; Quyết định số 18a/2013/QĐ-TTg ngày 29/03/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền ban hành kèm theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg; Thông tư số 19/2009/TT-BTTTT ngày 28/5/2009 quy định về việc liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2016.
  4. Nghị định này thay thế Nghị định số 72/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2016.
  5. Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 01/4/2004 quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp, Nghị định số 27/2009/NĐ-CP ngày 19/3/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2004/NĐ-CP và Nghị định số 36/2011/NĐ-CP ngày 23/5/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2004/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2016.
  6. Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT ngày 17/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2016.
  7. Quyết định số 1328/2005/QĐ-NHNN ngày 06/9/2005 về việc ban hành “Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân cơ sở” hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2016.
  8. Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/02/2011 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước và Thông tư số 04/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ Tài chính quy định Quy trình Thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng vốn Ngân sách nhà nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/3/2016.
  9. Thông tư số 134/2011/TT-BTC ngày 30/9/2011 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg ngày 20/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam và Thông tư số 96/2009/TT-BTC ngày 20/5/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2016.T

Tổng hợp

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *