Việc trao Giấy chứng nhận kết hôn được quy định như thế nào? Có phải đến Luật Hôn nhân gia đình mới quy định thủ tục trao chứng nhận kết hôn?
Trao Giấy chứng nhận kết hôn
Theo quy định của Luật Hộ tịch thì Giấy chứng nhận kết hôn là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn; nội dung Giấy chứng nhận kết hôn bao gồm các thông tin cơ bản : Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ; Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn; Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Luật Hộ tịch cũng quy định sau khi thực hiện xong việc ký Giấy chứng nhận kết hôn thì Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho công dân Việt Nam cư trú trong nước; Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho các trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài. Theo Khoản 1 Điều 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch thì : Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trao chứng nhận kết hôn đã quy định từ lâu
Qua tìm hiểu của trangtinphapluat.com thì trước khi Luật Hộ tịch được ban hành thì việc quy định trao bản chính giấy chứng nhận kết hôn đã có, cụ thể:
Nghị định 83/1998/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch, tại ĐIều 26 quy định: Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký. Đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại quá khó khăn, thì lễ đăng ký kết hôn có thể được tổ chức tại bản, làng.
Tại lễ đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ phải có mặt, đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã hỏi ý kiến lần cuối của hai bên, nếu hai bên vẫn đồng ý kết hôn với nhau, thì cán bộ hộ tịch tư pháp mời họ cùng ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và trao cho mỗi bên một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Bản sao và số lượng bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của hai bên nam nữ.
Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký quản lý hộ tịch (thay thế cho Nghị định 83), tại Khoản 3 Điều 18 quy định: Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.
Trao giấy chứng nhận kết hôn là thực hiện nếp sống văn minh
Thông tư 04/2011/TT-BVHTTL quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tại Điều 5 quy định: Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho đôi nam nữ đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn, thể hiện sự thừa nhận kết hôn hợp pháp của Nhà nước và pháp luật.
Như vậy, Từ Nghị định 83 đến Nghị định 158 rồi đến Luật Hộ tịch đều quy định việc trao chứng nhận kết hôn, tuy nhiên so với Luật Hộ tịch thì các Nghị định trước đây quy định cụ thể hơn, không chỉ trao chứng nhận kết hôn mà Chủ tịch UBND cấp xã còn phải giải thích quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Clip bài giảng Luật hôn nhân và gia đình
Việc Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho các đôi nam nữ khi đăng ký kết hôn có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự thừa nhận của Nhà nước về hôn nhân hợp pháp, sự quan tâm của chính quyền đối với các cặp vợ chồng trên con đường xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Thông qua trao chứng nhận kết hôn, nhà nước cũng có cơ hội tuyên truyền, giải thích, vận động các cặp vợ chồng về trách nhiệm trong xây dựng gia đình hạnh phúc, chấp hành các chính sách pháp luật, chính sách dân số…
Ru bíc